Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Cảm hóa người lầm lỗi hòa nhập cộng đồng

15:15 - 08/08/2019

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) luôn quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng. Với nhiều việc làm thiết thực, Hội đã tạo điều kiện giúp họ vượt qua mặc cảm, dư luận xã hội và tự “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Chị Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trinh (bìa phải) đến thăm gia đình chị Phạm Thị Sương.

Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, năm 2014, dù biết đó là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chị Phạm Thị Sương (SN 1970) vẫn nhận làm “tay em” trong đường dây mua bán số đề ở địa phương. Mỗi ngày chị Sương hưởng lợi từ số tiền bán được khoảng 100.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, đường dây này bị lực lượng chức năng triệt phá, chị Sương bị TAND huyện Vĩnh Thạnh tuyên phạt 12 tháng tù giam.

Sau khi chấp hành xong án phạt trở về địa phương, cuộc sống khó khăn trăm bề, đã 2 lần gia đình chị bồng chống nhau đến tỉnh Bình Dương kiếm việc làm nhưng đành quay về vì không tìm được việc làm phù hợp. Đang trong lúc tưởng chừng như rơi vào bế tắc thì Hội LHPN xã Vĩnh Trinh tìm đến động viên, chia sẻ. Nắm bắt được nguyện vọng của chị Sương là cần nguồn vốn để làm kế sinh nhai, Hội LHPN xã đã mạnh dạn ghi tên chị Sương vào dự án vay vốn và được giải ngân số tiền 12 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với số vốn có được, chị mở tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán tại nhà, nhờ chí thú làm ăn và chi tiêu dè sẻn, dành dụm trả nợ gốc và lãi đúng hạn nên chị được tái tham gia dự án và được giới thiệu vay vốn từ các chương trình khác, như: nước sạch-vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm,…

Thời gian gần đây, chị Sương còn nhận hạt điều về gia công, cạo vỏ lụa, với tiền công (5.000 đồng/kg). Trung bình mỗi ngày gia đình chị gia công được khoảng 20kg, kiếm được 100.000 đồng. Chồng chị trước đây làm nghề chạy xe Honda khách nhưng dạo gần đây sức khỏe yếu hơn trước nên cùng với chị vừa bán hàng vừa gia công hạt điều. Các con của chị Sương cũng tranh thủ thời gian rảnh phụ tiếp cha mẹ.

Theo chị Sương, cuộc sống gia đình hiện nay cơ bản ổn định nhưng điều khiến chị vui chính là đồng tiền kiếm được bằng chính công sức của mình, không giống như trước đây làm chuyện vi phạm pháp luật trong lòng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Chị Sương tâm sự: “Được Hội LHPN thường xuyên đến động viên, khích lệ tinh thần, tạo điều kiện giúp đỡ gia đình tôi về vốn và giới thiệu việc làm thêm. Chính sự quan tâm này là động lực giúp tôi quyết tâm từ bỏ con đường vi phạm pháp luật, làm lại cuộc đời. Hiện tại thu nhập mỗi ngày từ tiệm tạp hóa và gia công hạt điều trên dưới 300.000 đồng, cũng đủ cho gia đình tôi trang trải cuộc sống và dành dụm trả nợ ngân hàng. Hơn nữa, vợ chồng con cái quây quần làm việc lại được dịp trò chuyện vui vẻ cùng nhau, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm”.

Xã Vĩnh Trinh nhiều năm trước được biết đến là địa bàn khá phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán số đề,… Thực hiện mô hình quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, Hội LHPN xã được giao giúp đỡ 5 đối tượng, gồm: mua bán số đề, mua bán trái phép chất ma túy và môi giới mại dâm. Theo chị Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh Trinh, để quản lý, giáo dục các đối tượng trở thành người lương thiện, nhất là những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy thì hành trình cảm hóa là không hề dễ dàng. Thế nhưng với sự nhiệt tình, gần gũi, cảm thông và chia sẻ, Hội đã giúp được 3 đối tượng tiến bộ, hòa nhập cộng đồng, không còn nằm trong diện phải quản lý, còn lại 2 đối tượng đã bỏ địa phương đi nơi khác.

Năm 2019, Hội tiếp tục được giao quản lý, cảm hóa 9 đối tượng. Sau khi tiếp nhận, Hội LHPN xã tiến hành sàng lọc các đối tượng, nắm bắt nhu cầu để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Chị Trần Thị Thơi bộc bạch: “Đối với những người lầm lỗi khi trở về cuộc sống đời thường, họ luôn luôn mặc cảm, tự ti. Chính vì vậy, việc cảm hóa, giáo dục để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng là không đơn giản. Nếu chỉ làm bằng trách nhiệm thì chưa đủ mà còn ở cả cái tâm và sự bao dung, biết lắng nghe tâm tư, hiểu từng hoàn cảnh để họ thấy sự quan tâm, chia sẻ. Từ đó giúp họ vượt qua mặc cảm và tạo dựng ý chí “tự đứng dậy” sau khi bị vấp ngã. Có như vậy, công tác cảm hóa sẽ dễ dàng hơn”.

Bài, ảnh: Minh Hải

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68955

Hôm nay:
4
Tháng này:
365
Tổng lượt truy cập:
68955