Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Các giá trị của Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể

22:28 - 12/12/2020

"Các giá trị của Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể" - Đây là thông điệp được khẳng định tại Hội thảo Tham vấn chuyên gia về lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, sáng 10/12.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa và PGS. TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đồng chủ trì hội thảo

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam Đặng Văn Bài; nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với di sản Đặng Bích Liên; nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và các tỉnh/thành; các chuyên gia, nghệ nhân áo dài.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, năm 2020, với chủ đề “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam”, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo cán bộ hội viên phụ nữ tích cực tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó nổi bật như: tuần lễ áo dài; triển lãm, thi ảnh đẹp áo dài online; hội thi duyên dáng áo dài; vận động may, tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; sự kiện trình diễn áo dài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám với các bộ sưu tập gắn với 21 di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận… Các hoạt động đã tạo được sức lan tỏa lớn, góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị, vẻ đẹp của áo dài Việt.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu đề dẫn hội thảo

Phó chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa chia sẻ: Hội LHPN Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực góp phần công sức để các giá trị của Áo dài sẽ được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và xa hơn nữa là Di sản văn hóa thế giới. Trong tiến trình đó, Hội LHPN Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các ngành, địa phương, các nhà thiết kế và sự hưởng ứng của người dân để áo dài ngày càng khẳng định được vị thế của mình không chỉ ở trong nước mà còn cả trong nền văn minh nhân loại; Đồng thời mong muốn sau khi hội thảo sẽ nhanh chóng hoàn thiện đầy đủ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài để trình lên hội đồng đánh giá.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận với nhiều ý kiến tâm huyết, khách quan của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân áo dài và đặc biệt là ý kiến đề xuất cụ thể của các tỉnh, thành tập trung vào việc nghiên cứu, xác định và luận giải các giá trị áo dài của từng địa phương; các thủ tục, cách thức, tiến trình cụ thể, trách nhiệm của các bên liên quan đến  quá trình lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể.

Các ý kiến đều thống nhất khẳng định tầm quan trọng việc lập Hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài. Tuy nhiên, để hoàn thiện Hồ sơ Di sản Áo dài, nhiệm vụ chính vẫn phải là cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó Hội LHPN Việt Nam là đơn vị đồng hành, thúc đẩy trách nhiệm và tích cực.

Các đại biểu tham gia hội thảo

PGS. TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết, từ 2001, theo Luật Di sản mới, nhiệm vụ hàng đầu của các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là phải làm tổng kiểm kê, trong đó có nhận diện di sản của mình. Di sản áo dài cực kỳ đa dạng, đa sắc thái. Xung quanh di sản phi vật thể này có chuỗi sản phẩm độc đáo: trồng dâu, nuôi tằm, dệt, may đo, thiết kế… Áo dài cũng hiện diện khắp nơi, dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi trong các thời kỳ… Với việc làm hồ sơ, xác định tên gọi di sản này là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi áo dài thể hiện bề ngoài là hiện vật vật chất.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế  để khẳng định Áo dài là di sản phi vật thể quốc gia thì cần tổ chức các hoạt động cụ thể, tham mưu chủ trương hưởng ứng các hoạt động liên quan đến áo dài như: thứ Hai đầu tuần mặc áo dài; thành lập, tập hợp chị em trong CLB sáng tác, tập hát những bài hát về áo dài; Hội LHPN các tỉnh, thành hưởng ứng, huy động các lực lượng để tiếp tục có những hành động khẳng định Áo dài Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể; Ngoài ra, cần nhấn mạnh hơn nữa áo dài đối với vấn đề ngoại giao, mang biểu trưng vô cùng đặc thù của phụ nữ trong mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế 

Các ý kiến tại hội thảo cũng khuyến nghị cần xác định rõ tên gọi và nhận diện giá trị di sản: chất liệu, kỹ thuật, chế tác, trang trí, tập quán sử dụng… ; trong quá trình làm các thủ tục cũng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền như: trình diễn, hội thảo, tổ chức các cuộc thi liên quan đến áo dài.

Các đại biểu bày tỏ sự ủng hộ cao đối với Hội LHPN Việt Nam đã chủ động xúc tiến các hoạt động và đề nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của ngành văn hóa trong các hoạt động tôn vinh và ghi nhận các giá trị liên quan tới áo dài là di sản văn hóa quốc gia. 

tHEO http://www.hoilhpn.org.vn/Minh Trang

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68922

Hôm nay:
33
Tháng này:
332
Tổng lượt truy cập:
68922