Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong thành phố tăng cường phối hợp, triển khai nhiều chương trình, hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước… Qua đó, tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho phụ nữ. Đa số cán bộ, hội viên phụ nữ cũng nỗ lực học tập, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích ứng với tình hình mới.
*Năng động phát triển
Mô hình Tóm lưỡi câu được hình thành tại khu vực Thới Xương 2 (phường Thới Long, quận Ô Môn) với khoảng 10 chị em tham gia. Mô hình đã được Hội LHPN phường nhân rộng ra thêm 2 khu vực, với khoảng 35 hội viên phụ nữ tham gia. Bà Trần Thị Mỹ Hoa, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực Cái Sơn, bộc bạch: "Với thu nhập từ 1.800.000 đến 2.000.000 đồng/người/tháng, mô hình đã giúp nhiều chị em tận dụng được thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Tham gia mô hình, chị em đến cơ sở nhận nguyên liệu về nhà làm, chủ động được thời gian, vừa quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái. Công việc cũng khá nhẹ nhàng, đơn giản, nên rất thích hợp với đối tượng phụ nữ trung niên, nội trợ…".
Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ tặng hoa cảm ơn
đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam tại chương trình tham quan, học nấu ăn cùng Ajinomoto
Gắn bó với công việc hơn 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Thúy, hội viên phụ nữ khu vực Thới Xương 2, bộc bạch: "Cơ sở tóm lưỡi câu này là của gia đình người bà con (ông chủ là người Hàn Quốc- PV). Toàn bộ nguyên vật liệu đều nhập từ Hàn Quốc, sản phẩm làm ra cũng xuất khẩu qua Hàn Quốc. Chúng tôi chỉ gia công, đóng gói và được trả công trên sản phẩm. Trước đây tôi cũng tham gia tóm lưỡi câu như chị em, nay thì phụ trách quản lý, phân phối nguyên liệu, thu nhận sản phẩm. Thời gian rảnh thì tranh thủ tóm để kiếm thêm thu nhập, lo cho hai con ăn học". Cũng theo chị Thúy, chị em bảo nhau giữ sản phẩm sạch sẽ, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Năm 2016, mô hình Tóm lưỡi câu đã được UBND quận Ô Môn khen thưởng là mô hình Dân vận khéo.
Cũng với mong muốn tạo việc làm, giúp nhiều hội viên có thêm thu nhập, năm 2016, Hội LHPN phường An Thới, quận Bình Thủy ra mắt mô hình "Tổ đan thảm" và "Tổ kết cườm", nhằm liên kết, hỗ trợ chị em sau đào tạo nghề có việc làm với thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Hoàng Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường An Thới, chia sẻ: "Mô hình đan thảm, kết cườm đã có ở nhiều nơi trước đây. Để bảo đảm mô hình phát triển bền vững, tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp chị em nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước".
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong thành phố tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng, thay đổi tập quán sản xuất, ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Tinh thần lao động ấy được chúng tôi ghi nhận tại HTX Trồng chanh không hạt ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền- mô hình HTX kiểu mới do Hội LHPN làm chủ. Bà Nguyễn Thị Huệ, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp - Giám đốc HTX Trồng chanh không hạt ở ấp Trường Hòa, cho biết: "Ngay việc thay đổi tên gọi từ "Chủ nhiệm" sang "Giám đốc" đã thấy mới. Mục tiêu của chúng tôi là tập hợp các chị em trồng chanh không hạt lại để cùng nhau tập huấn kiến thức, trao đổi kỹ thuật... để đảm bảo cho các xã viên tiết giảm chi phí sản xuất, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng lợi nhuận".
* Đa dạng các chương trình hợp tác
Chỉ tính riêng trong năm 2016, Hội LHPN thành phố đã ký kết thỏa thuận, hợp tác thực hiện nhiều dự án, chương trình phối hợp lớn với các đơn vị trong và ngoài nước. Nổi bật là Dự án Việt – Hàn chung tay chăm sóc do Tập đoàn Huyndai Motors và Quỹ Cứu tế phúc lợi xã hội (Hàn Quốc) tài trợ với tổng kinh phí tương đương 11,4 tỉ đồng thông qua Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên Hợp Quốc Hàn Quốc (KOCUN). Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm giải quyết một cách có hiệu quả những khó khăn về kinh tế, pháp lý, tâm lý mà phụ nữ kết hôn di cư trong gia đình văn hóa Việt - Hàn và trẻ em Việt – Hàn cư trú tại TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải… Dự án ra đời sẽ giúp cộng đồng phụ nữ hồi hương gặp gỡ định kỳ hàng tháng; mở lớp Hàn ngữ miễn phí cho gia đình đa văn hóa Việt – Hàn; tổ chức dạy nghề miễn phí và hỗ trợ khởi nghiệp nhằm giúp phụ nữ hồi hương tự chủ trong cuộc sống; mở văn phòng tư vấn pháp luật miễn phí gia đình Việt – Hàn, thư viện đa văn hoá thiếu nhi Việt – Hàn…
Mô hình Tóm lưỡi câu giúp nhiều hội viên phụ nữ phường Thới Long, quận Ô Môn tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Hội LHPN thành phố còn ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại lý bảo hiểm Vạn Thiên Kim về việc tổ chức thực hiện chương trình "Tài chính vững chắc – Hạnh phúc vững bền" trong 2 năm triển khai tại 85 xã, phường, thị trấn. Chương trình nhằm giúp chị em phụ nữ từ 35 – 50 tuổi trong toàn thành phố được nâng cao kiến thức về lập kế hoạch tài chính và quản lý chi tiêu hiệu quả trong gia đình, với các hoạt động cụ thể, như: tư vấn miễn phí về việc quản lý chi tiêu thông minh, lập kế hoạch tài chính gia đình; Công cụ kiểm tra "sức khỏe" tài chính… Hội LHPN TP Cần Thơ cũng vừa phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức chương trình tham quan, học nấu ăn cùng Ajinomoto, trưng bày và bán sản phẩm và xây dựng phòng thực hành nấu ăn. Chương trình nhằm trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng nấu ăn cho chị em phụ nữ, giúp chị em tự tin chuẩn bị những bữa ăn ngon, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo đó, mỗi tuần tại Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ TP Cần Thơ sẽ tổ chức 3 lớp dạy nấu ăn miễn phí cho các chị em yêu thích nấu ăn; phối hợp với Lady Spa mở 2 lớp dạy nghề chăm sóc da miễn phí; ra mắt tổ hợp tác chăn nuôi tại huyện Cờ Đỏ và tổ liên kết phụ nữ chằm nón lá ở huyện Thới Lai…
Song song đó, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN trong thành phố tăng cường giới thiệu, hỗ trợ vốn vay cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình bền vững. Nổi bật như nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo của Trung ương Hội, đã phát vay cho 2.674 hộ nghèo, với tổng nguồn vốn trên 10 tỉ đồng; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Cần Thơ, phát vay cho 1.726 chị, với nguồn vốn trên 15 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội phát vay cho 42.737 hộ, tổng dư nợ trên 796 tỉ đồng; duy trì có hiệu quả các nguồn vốn Vì quê hương, Consortium, Bình đẳng giới… Qua đó, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: QUỲNH LAM