Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Bóc vỏ tỏi - mô hình tạo việc làm tại chỗ

17:11 - 21/06/2021

Thời gian qua, nghề bóc vỏ tỏi giúp nhiều phụ nữ các khu vực trong phường Thường Thạnh, quận Cái Răng có việc làm, thu nhập. Dù là nghề phổ thông, tiền công không cao nhưng ổn định, lâu dài và phù hợp để phụ nữ sử dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi. Dù thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nghề này vẫn đồng hành cùng chị em...

Nhiều phụ nữ ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, nhận bóc vỏ tỏi để có thêm thu nhập.  

Vừa thoăn thoắt bóc vỏ tỏi, chị Trần Thị Triều, 59 tuổi, khu vực Thạnh Mỹ, vừa trông chừng cháu nội 3 tuổi ngủ say cạnh bên. Gắn bó nghề này 16 năm, lúc đầu, chị Triều còn lọng cọng chưa quen việc, tiền kiếm được mỗi ngày không nhiều. Sau chị quen dần, nhanh tay hơn, tiền công nhật tăng, bình quân trên 100.000 đồng, phụ con trai trang trải chi phí sinh hoạt. Chị Triều kể: “Tôi không có xe chở tỏi về nhà bóc vỏ, phải chờ chủ cơ sở phân phối nên hạn chế số lượng. Mỗi ngày, tôi vừa bóc vỏ tỏi, vừa tranh thủ làm việc nhà, trông giúp cháu nội để con trai đi làm công nhân. Tôi không muốn các con phải lo cho mình”. Theo chị Triều, nghề này không cần đầu tư vốn mà là sức khỏe, sự kiên trì, chịu khó, phù hợp với phụ nữ muốn tăng thu nhập lúc nhàn rỗi. 

Vừa đi giúp việc nhà về, chị Trương Hồng Hạnh (40 tuổi), khu vực Thạnh Mỹ, tranh thủ lau dọn nhà cửa, rồi bóc vỏ tỏi. Bền bỉ nhiều năm với nghề, chị Hạnh thao tác thành thạo, chỉ một loáng bóc sạch 2 ký củ tỏi. Chị Hạnh vui vẻ nói: “Chồng tôi làm nghề tiện, tiền công nhật từ 250.000-300.000 đồng, cùng với 3 triệu đồng tiền công tôi giúp việc nhà mỗi tháng, gói ghém, tiết kiệm cũng đủ chi phí sinh hoạt. Tôi tranh thủ nhận bóc vỏ tỏi lúc rảnh, kiếm thêm thu nhập để chăm lo cho con trai (lớp 11) ăn học đến nơi đến chốn, rồi sửa nhà, mua sắm vật dụng, còn bao nhiêu thứ phải lo…”. Chị Hạnh nói, nghề này dễ làm, chỉ cần siêng năng, chịu khó, thu nhập trên 100.000 đồng/ngày. Các dịp hè, chị Hạnh khuyến khích con trai nhận bóc vỏ tỏi, dành dụm tiền đóng học phí, mua dụng cụ học tập và chi tiêu cá nhân.  

Quê thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thời trẻ, chị Huỳnh Thị Kiều Oanh (45 tuổi) có 10 năm theo bạn đến TP Hồ Chí Minh làm công nhân may giày da, thu nhập khá ổn định. Năm 37 tuổi, chị Oanh nghỉ việc, lấy chồng về khu vực Thạnh Mỹ, sinh con rồi lo việc nội trợ, chi tiêu phụ thuộc tiền công nhật phụ hồ của chồng. Hơn 3 năm nay, chị Oanh nhận bóc vỏ tỏi. Chị Oanh nói: “Tôi tranh thủ làm xong việc nhà để bóc vỏ tỏi. Từ khi làm nghề này, có đồng ra đồng vào, cuộc sống gia đình tôi bớt chật vật”.     

Chị Thạch Thị Tuyết Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Mỹ, cho biết, hầu hết hội viên độ tuổi trung niên làm nhiều nghề kiếm sống, thu nhập bấp bênh nên nhu cầu có việc làm ổn định rất bức thiết. Nghề bóc vỏ tỏi được duy trì nhiều năm nay, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động lúc nhàn rỗi. Tiền công bóc vỏ củ tỏi 900 đồng/ký; bóc vỏ tép tỏi 3.000 đồng/kg. Hiện có trên 30 lao động ở khu vực Thạnh Mỹ và nhiều lao động các khu vực lân cận, như: Thạnh Huề, Thạnh Hòa, Thạnh Thắng… nhận bóc vỏ tỏi để thêm thu nhập. Nếu có điều kiện, chị em đến cơ sở làm sẽ đạt năng suất hơn; còn ở nhà, chủ cơ sở  giao nguyên liệu và nhận thành phẩm tỏi tại chỗ, hạn chế đi lại, chi phí chuyên chở. Dù thu nhập từ công việc này không nhiều nhưng cũng giúp chị em trang trải chi tiêu hằng ngày, cuộc sống dần ổn định. Thời điểm dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, trong khi nhiều ngành nghề, dịch vụ tạm dừng hoạt động nhưng nghề này vẫn duy trì, dù số lượng có giảm do ảnh hưởng thị trường tiêu thụ.

Theo chị Tuyết Hồng, hiện Chi hội Phụ nữ khu vực Thạnh Mỹ quản lý trên 2,839 tỉ đồng vốn hỗ trợ 89 hội viên vay để đầu tư sản xuất, mua bán nhỏ…, phát triển kinh tế gia đình. Ðể góp phần tạo việc làm lâu dài, bền vững, Chi hội vận động con em hội viên, phụ nữ làm công nhân các công ty may giày da, hàng xuất khẩu, tùy tay nghề, thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng. Chị Tuyết Hồng cho biết, khu vực nỗ lực duy trì mô hình nghề này, đồng thời, mong muốn các ngành, các cấp giới thiệu thêm một số mô hình tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68783

Hôm nay:
28
Tháng này:
193
Tổng lượt truy cập:
68783