Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Béo phì gây ung thư ngang ngửa thuốc lá

14:38 - 09/07/2019

Béo phì là một yếu tố quan trọng dẫn tới 13 loại ung thư khác nhau, thậm chí gây ra nhiều ca ung thư ruột, thận, buồng trứng và gan hơn cả việc hút thuốc lá - theo tổ chức nghiên cứu ung thư hàng đầu Vương quốc Anh, CRUK.

Hút thuốc vẫn được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh ung thư có thể ngăn ngừa, nhưng điều đáng lo ngại là tỷ lệ người hút thuốc đang giảm trong khi tỷ lệ béo phì tăng lên. CRUK cho biết so với hút thuốc, tình trạng thừa cân gây ra nhiều hơn 1.900 ca ung thư ruột, 1.400 ca ung thư thận, 460 ca ung thư buồng trứng và 180 ca ung thư gan tại Anh mỗi năm. Mặc dù hút thuốc lá có hại hơn, song con số ấn tượng nêu trên cho thấy gánh nặng của những căn bệnh liên quan đến béo phì đang ngày một gia tăng.

Theo bà Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành CRUK, trẻ em ngày nay có thể là một thế hệ không hút thuốc, nhưng bệnh béo phì ở trẻ em hiện cao kỷ lục.

Tại sao béo phì gây ung thư?

Các chuyên gia CRUK cho rằng người béo phì không chắc chắn sẽ bị ung thư nhưng họ có nguy cơ cao hơn những người có cân nặng khỏe mạnh. Lý do là các tế bào mỡ trong cơ thể hoạt động tích cực, giải phóng các hoóc-môn và tín hiệu điện khuyến khích các tế bào phân chia và phát triển. Sự sai sót trong quá trình phân chia khiến tế bào nhân lên không kiểm soát và tích tụ thành khối u. Như vậy, người càng có nhiều tế bào mỡ hoạt động, thì khả năng xảy ra phản ứng bị lỗi càng cao và dễ phát triển ung thư. Ngoài ra, tình trạng viêm mãn tính liên quan đến béo phì cũng được cho là nguyên nhân làm tổn hại ADN, từ đó dẫn tới ung thư.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định béo phì gây ra 13 loại ung thư, bao gồm ung thư niêm mạc tử cung, thực quản, dạ dày, gan, thận, túi mật, đa u tủy, màng não, tuyến tụy, đại trực tràng, buồng trứng, tuyến giáp và vú.

Theo Caroline Cerny thuộc Liên minh sức khỏe béo phì, một liên minh gồm hơn 40 tổ chức y tế, nguyên nhân gây béo phì rất phức tạp, nhưng chúng ta đều biết môi trường sống đóng vai trò rất lớn, chủ yếu là do lựa chọn lối sống không lành mạnh, như ăn nhiều thức ăn vặt, ít ăn trái cây, rau củ và lười vận động - những yếu tố riêng biệt nhưng có liên quan hoặc làm tăng nguy cơ ung thư.

Được biết, một người trưởng thành được xác định bị béo phì nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25. BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao (mét), kết quả nằm trong khoảng từ 18,5 đến 22,9 là bình thường, từ 23 đến 24,9 là thừa cân.

Ngủ không đúng giờ cũng làm tăng nguy cơ béo phì

Nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Phụ nữ Brigham và Trường Y Harvard (Mỹ) cho thấy những người có thời lượng ngủ thường xuyên thay đổi hoặc đi ngủ không cùng một thời điểm mỗi đêm dễ phát triển các vấn đề sức khỏe như béo phì, huyết áp cao, mỡ trong máu cao và tiểu đường.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành theo dõi giấc ngủ tại nhà đối với hơn 2.000 người bằng cách sử dụng các thiết bị đeo đo chuyển động ban đêm và chu kỳ thức ngủ. Trung bình, những người tham gia ngủ khoảng 7,15 giờ mỗi đêm và đi ngủ vào khoảng 23 giờ 40 phút. Có 707 người (35%) mắc hội chứng chuyển hóa, hoặc có nhiều yếu tố bất thường về chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm béo phì, tăng huyết áp, lượng đường trong máu cao và cholesterol cao.

Sau khi phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện so với người có thời lượng ngủ biến động dưới 60 phút qua các đêm, những người có thời lượng ngủ thay đổi từ 60 đến 90 phút có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 27%. Nguy cơ này tăng lên 41% với đối tượng có thời gian ngủ thay đổi từ 90 đến 120 phút và tăng lên 57% với người có thời lượng ngủ thay đổi trên 120 phút. Về thời điểm đi ngủ, các chuyên gia cho biết so với người thay đổi giờ ngủ không quá 30 phút mỗi đêm, những người ngủ sớm hơn hoặc muộn hơn từ 30 đến 60 phút có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 27%. Nguy cơ này cao hơn 14% khi thời gian đi ngủ thay đổi từ 60 đến 90 phút và cao hơn 58% khi giờ ngủ chênh lệch trên 90 phút.

Giải thích nguyên nhân thời lượng ngủ và giờ ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia cho biết nhịp sinh học trong cơ thể tác động đến quá trình chuyển hóa và để hoạt động tối ưu, chúng phải được đồng bộ hóa với nhau và với môi trường. Nếu chúng ta ngủ vào những thời điểm khác nhau và thời lượng khác nhau, đồng hồ sinh học có thể gặp khó khăn trong việc đồng bộ hóa và suy giảm chức năng. Do đó, để phòng ngừa béo phì và các bệnh chuyển hóa, chúng ta cần rèn thói quen đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc.

HOÀNG ÐIỂU (Theo Reuters, Guardian, CNA)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68816

Hôm nay:
0
Tháng này:
226
Tổng lượt truy cập:
68816