Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Bể hụi - Trắng tay và nợ nần!

18:10 - 08/10/2017

Hụi (hay còn gọi là họ, hội, biêu, phường) vốn là hoạt động góp vốn, có tính chất tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhờ đó, nhiều gia đình, nhất là bà con lao động có điều kiện tiếp cận vốn, để làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, chơi hụi đang có chiều hướng biến tướng thành một hình thức đầu tư có lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng. Và rồi nhiều người lao vào chơi và “trắng tay”.

Nhiều hụi viên ở xã Trường Xuân B trình bày sự việc với phóng viên. 

Nhiều hộ “mất ăn, mất ngủ”!

Những tháng qua, nhiều hộ dân ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, đứng ngồi không yên, khi hay tin chủ hụi- bà Nguyễn Thị Mỹ Miều (ngụ cùng địa phương) bể hụi. Hụi viên lần lượt tìm đến nhà bà Miều để tìm cách cứu vãn tình thế,  nhưng mọi nỗ lực đều bế tắc... Bà Huỳnh Thị Đầm, người dân địa phương, tham gia 6 dây hụi do bà Miều làm chủ với số tiền gần 200 triệu đồng. Ngày hay tin bà Miều bể hụi, bà Đầm chết lặng, cho biết: “Tất cả vốn liếng tôi đều đầu tư vào hụi để kiếm lời, xoay xở cuộc sống. Nay, rơi vào tình cảnh này, tôi chẳng biết làm sao, chỉ mong chính quyền và ngành chức năng có biện pháp can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho người dân”.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, một hụi viên khác, nói: “Số tiền con trai tôi đi làm công nhân ở Bình Dương gửi về, tôi tích góp để dành, định vài tháng nữa sẽ hốt hụi cho nó cưới vợ. Nào ngờ…”. Ông Trần Văn Lụa, tuổi đã ngoài 70, ngậm ngùi nói: “Tôi chơi hụi nhằm tích lũy, té ra được một tí lãi. Ai dè, sự việc lại rơi tình cảnh này. Cả vốn lẫn lời của tôi khoảng 150 triệu đồng, bây giờ gần như mất trắng”... 

Vốn là người có uy tín, gia đình thuộc diện khá giả ở địa phương, bà Miều làm chủ hụi trong suốt khoảng thời gian dài, từ năm 2001 đến 2017. Bà Miều trình bày: “Trong quá trình làm chủ hụi, tôi bị một số hụi viên giật hụi nên thất thoát nhiều. Để trang trải các khoản này, tôi cố gắng chăn nuôi heo, kiếm lời bù lại số tiền đó. Mấy năm gần đây, việc chăn nuôi heo liên tục bị thua lỗ. Trong khi đó, tổng số tiền hụi “chết” là 2,1 tỉ đồng; hụi “sống” là 2,8 tỉ đồng, nên tôi không còn khả năng bù đắp…”. Do vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều người, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương, nên Công an xã Trường Xuân B đã trình báo và hiện tại, Công an huyện Thới Lai đang thụ lý, tiến hành xác minh, xem xét, giải quyết theo quy định. 

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Cương (ngụ xã Đông Thuận, huyện Thới Lai) cũng tương tự. Vốn là chủ hụi trong suốt thời gian dài, vừa qua, bà Cương tuyên bố bể hụi, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Công an huyện Thới Lai đang thụ lý, xem xét, giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Nâng cao nhận thức pháp luật

Năm 2005, Bộ luật Dân sự đã quy định về vấn đề chơi hụi. Tiếp sau đó, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27-11-2006 của Chính phủ được ban hành, quy định cụ thể về hoạt động của hình thức chơi hụi, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi hụi. Những người tham gia chơi hụi có nghĩa vụ góp phần hụi; trả lãi cho các thành viên khác khi được lãnh hụi; bồi thường thiệt hại cho những người tham gia hụi nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại… Nghĩa vụ của chủ hụi là giao các phần hụi cho thành viên được lãnh hụi. Chủ hụi phải trả lãi đối với các phần hụi giao chậm theo mức lãi do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời điểm giao các phần hụi...

Việc chơi hụi hiện nay vẫn thường xảy ra những rủi ro vì hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có bất kỳ tài sản thế chấp, bảo đảm nào. Trong khi việc chế tài xử lý đối với người không đóng hụi rất lỏng lẻo, không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm. Theo ông Nguyễn Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B, người dân nên cân nhắc khi tham gia chơi hụi. Nếu lãi suất quá cao thì càng phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì đây có thể có dấu hiệu lừa đảo hoặc chiếm đoạt tài sản trong tương lai. Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, chủ hụi còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng và là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi...

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68918

Hôm nay:
29
Tháng này:
328
Tổng lượt truy cập:
68918