Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Bảo đảm bình đẳng giới và học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong giáo dục

00:59 - 29/05/2018

Đó là những nội dung cơ bản được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trình bày trong buổi thảo luận tổ chiều nay 30/5, liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà góp ý xây dựng hai dự luật về giáo dục

Xây dựng xã hội học tập, giáo dục thường xuyên

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều 30/5, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đồng tình với quy định tại khoản 2 điều 46 trong dự thảo Luật Giáo dục, theo đó việc học tập suốt đời không chỉ diễn ra trong nhà trường chính quy mà còn là quá trình tự học, tự nghiên cứu, tự nâng cao trình độ của mỗi người; được thực hiện tại các cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…

Tuy nhiên, theo bà Thu Hà, khi mở rộng phạm vi giáo dục thường xuyên ở các cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư thì trách nhiệm thực hiện (người dạy, người học) chưa được quy định rõ ràng tại Dự thảo.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục thường xuyên cũng phụ thuộc vào tính chất, chức năng, nhiệm vụ của nơi làm việc, cộng đồng dân cư. Do vậy, nếu sử dụng chương trình cứng của bộ GD&ĐT hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như quy định tại Điều 45 Luật Giáo dục hiện hành thì chưa thực sự phù .

“Tôi đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung này, hoặc quy định theo hướng linh hoạt hơn về thẩm quyền và nội dung chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục thường xuyên để phù hợp với việc thực hiện ở cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư” – đại biểu Thu Hà nhấn mạnh.

Để tăng cường trách nhiệm thực hiện giáo dục thường xuyên tại cơ sở văn hóa, nơi làm việc, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm việc  thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên tại nơi làm việc.

Khoảng cách giới trong giáo dục còn rất lớn

Nói về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục, mặc dù thừa nhận đã có nhiều kết quả song theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách giới trong giáo dục.

Báo cáo Điều tra Đánh giá các Mục tiêu Trẻ em và phụ nữ năm 2014 cho thấy tỷ lệ trẻ em không đi học phụ thuộc nhiều vào trình độ giáo dục của người mẹ (đặc biệt, 62% số trẻ không đi học trong độ tuổi 15-17 tuổi có mẹ không được đi học). Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục cho phụ nữ sẽ tác động quan trọng tới giáo dục thế hệ tiếp theo.

Tại Việt Nam, tỷ lệ biết chữ của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới từ 1 – 4%. Và tỷ lệ phụ nữ càng thấp ở các trình độ học vấn càng cao: Nếu như ở ĐH tỉ lệ nam nữ gần tương đương thì lên đến bậc tiến sĩ, nữ chỉ còn 21%, phó giáo sư là 26,3% và giáo sư chỉ 8,4%

Một dẫn chứng khác là nữ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên toàn ngành chiếm tới 67%, tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục là nữ trong tổng số cán bộ quản lý giáo dục ở cấp tỉnh và cấp huyện chỉ đạt trung bình các năm là 29,7%.

Từ bất cập trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị hai dự luật cần lồng ghép yếu tố giới trong những điều luật cụ thể, để đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục.

Đơn cử, trong dự thảo Luật Giáo dục đại học, khoản 6 điều 12 cần bổ sung thêm quy định đảm bảo tỷ lệ cân đối hài hòa giữa nam và nữ trong các chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên cả nam và nữ có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư, giáo sư trong các cơ sở giáo dục đại học.

Đại biểu Thu Hà cũng đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến chính sách hỗ trợ người mẹ đang nuôi con nhỏ tham gia các chương trình đào tạo và bồi dưỡng để cán bộ nữ, nữ sinh nuôi con nhỏ vừa có cơ hội học tập, nâng cao trình độ, vừa được tạo điều kiện chăm sóc con, ví dụ như xây dựng trường mầm non ở một số cơ sở giáo dục đại học, sau đại học có nhiều giáo viên và sinh viên/học viên nữ và các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Cân nhắc miễn học phí đối với bậc học mầm non

Đây cũng là nội dung được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật Giáo dục. Mặc dù hiện nay một số đối tượng trẻ em học mầm non đã được miễn học phí nhưng thực tế cũng cho thấy ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt đối với hộ cận nghèo, mức học phí dù thấp vẫn là rào cản, gây khó khăn cho việc cho trẻ đến trường. Vì vậy, đây là nội dung nên nghiên cứu, cân nhắc để đưa vào bổ sung trong dự thảo luật.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết về giáo dục mầm non, tăng cường quản lý nhà nước… Theo đại biểu Thu Hà, nội dung này cần được nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc.

Mầm non là giai đoạn nền tảng để phát triển thể chất, tinh thần và hình thành nhân cách của trẻ. Nhưng tại một số nơi điều kiện để trẻ mầm non được chăm sóc, phát triển tốt chưa được  đáp ứng. Ngoài điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo còn tình trạng bạo hành, ngược đãi đối với trẻ.

Vì vậy, bà Hà cho rằng “Về mặt tổng thể, ở tầm vĩ mô theo tôi phải có chiến lược cụ thể, tập trung đầu tư nhằm giải quyết các thực trạng đang tồn tại để việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mầm non được thực sự quan tâm và quản lý tốt. Luật Giáo dục cần tính thêm cả giáo dục mầm non như báo cáo thẩm tra đã đề cập”.

 

Theo PNVN

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69240

Hôm nay:
18
Tháng này:
650
Tổng lượt truy cập:
69240