Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Bánh trung thu nhà làm

16:19 - 12/09/2019

Đón Tết Trung thu, thay vì mua bánh bán sẵn, nhiều người tiêu dùng lựa chọn thay đổi khẩu vị với những chiếc bánh tự làm tại nhà. Vậy là, những người thợ khéo tay có thêm cơ hội tăng thu nhập nhờ nhận làm một số loại bánh đặc trưng cho mâm cỗ đêm Rằm tháng 8.

Trong con hẻm 133 đường Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều lâu nay có một gia đình chuyên nhận làm bánh trung thu, bánh pía chay. Những người thợ làm bánh cũng hết sức đặc biệt, họ là chị em ruột và đều đã ở tuổi gần 60 trở lên. Những ngày này, cứ sau bữa cơm chiều, khi hầu hết các gia đình bắt đầu nghỉ ngơi, thư giãn thì chị em cô Trần Thị Ánh Sáng mới bắt đầu làm mẻ bánh mới trong ngày. Cô Sáng nói, nhà chật hẹp, ban ngày con cháu hay tới lui nhiều nên chỉ chờ đến tối, mọi người ít đi lại thì mới bắt tay làm bánh được. Cô Sáng phụ trách quay nhân bằng chiếc cối quay thực phẩm bằng tay có số tuổi ngót nghét hơn 20 năm. Còn cô Mã Ngọc Đá, thợ làm bánh chính, nay đã 68 tuổi, phụ trách cân lượng các nguyên liệu, bắt nhân, cán, gói và đóng bánh.

Cô Đá cho biết: “Tôi với chị hai ăn chay trường. Hơn 20 năm trước, tôi bắt đầu học cách tự làm bánh trung thu, bánh pía chay, mục đích chỉ để ăn. Vì chỉ có mình tự làm thì mới đúng khẩu vị mình muốn và chắc chắn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với công thức có sẵn trong sách dạy làm bánh, tôi mày mò tự làm. Sau hơn mười lần thử nghiệm, tôi mới có được công thức bánh hoàn chỉnh. Những mẻ bánh đầu tay, tôi toàn đem tặng người thân quen, ăn và góp ý để điều chỉnh khẩu vị. Thế rồi, khách tìm tới đặt bánh ngày càng nhiều. Bắt đầu chỉ có bánh trung thu, sau tôi làm thêm bánh pía chay với nhiều loại nhân: đậu xanh, khoai cao; riêng bánh trung thu có thêm nhân thập cẩm, đáp ứng nhu cầu thực khách”.

Cứ có đơn đặt hàng thì làm, vậy là các cô đã duy trì làm bánh mùa Trung thu bán được trên 20 năm. Mùa bánh bắt đầu từ đầu tháng 7 Âm lịch đến rằm tháng 8 thì kết thúc. Mấy năm đầu, nhà chỉ có chiếc lò nướng nhỏ, mỗi mẻ nướng tối đa 6 cái. Vậy mà mỗi ngày các cô làm được cả 100 chiếc bánh, bù lại là cả ngày và đêm đều thức trắng. Bây giờ, đã có chiếc lò lớn hơn, nướng tối đa 10 cái/mẻ nhưng số lượng bánh làm được hằng ngày lại ít đi một nửa, vì tuổi tác đã không cho phép các cô làm nhiều như trước.

Chị Hương Bình làm bánh trung thu giao cho khách.

Cô Sáng chia sẻ: “Lớn tuổi rồi, con cháu nhiều lần khuyên chúng tôi nghỉ ngơi, bỏ nghề được rồi. Nhưng tới mùa Trung thu, không được làm bánh, chúng tôi lại buồn. Nghỉ làm bánh không chịu nổi. Nhưng có lẽ, vài năm tới chúng tôi cũng không thể duy trì được nữa, trong khi các con không đứa nào mặn mà chuyện nối nghiệp. Nếu có ai ăn chay trường, mê làm bánh trung thu chay, chịu khó tới học, chúng tôi sẵn sàng dạy nghề miễn phí”.

Khác với cô Sáng, cô Đá, chị Phan Thị Hằng, ở phường An Thới, quận Bình Thủy xác định ngay từ đầu là làm bánh in để bán, kiếm thêm thu nhập. Trước đây, vợ chồng chị đều làm công nhân ở khu công nghiệp Trà Nóc. Khi có con đầu lòng, chị đành nghỉ làm để chăm con nhỏ. Cuộc sống khó khăn, chị Hằng cố gắng tìm việc có thể làm tại nhà để có thêm đồng ra, đồng vào chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Tình cờ được người quen chỉ cách làm, chị Hằng làm được bánh in không nhân. Nhiều người ăn khen ngon, góp ý chị làm thêm bánh in có nhân để bán. Vậy là chị có nghề và đã làm bánh in bán được gần 2 năm nay. Mỗi ngày chị làm bán được từ 50-100 cái bánh in qua mạng xã hội, thu lợi nhuận trên dưới một trăm ngàn đồng. Riêng dịp Tết Trung thu và Tết Đoan Ngọ hằng năm, lượng bánh tăng thêm khoảng 25-50% so với ngày thường. Chị Hằng cho biết: “Chỉ khi nào khách đặt tôi mới làm và giao tận nơi. Bánh in được làm từ bột nếp rang chín, đường thốt nốt và nhiều loại nhân: đậu xanh, khoai môn, mứt khóm, mứt dừa sữa,... Với giá bán 100.000 đồng/kg, tương đương 48 cái; 55.000 đồng/0,5 kg”.

   Đơn giản hơn, chị Nguyễn Thị Hương Bình, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều khởi đầu nghề làm bánh vì thỏa mãn đam mê nghề này. Chị bắt đầu làm bánh trung thu từ năm 2012 đến nay. Những năm trước, chị nhận làm, bán bánh trung thu từ lễ Giáng sinh. Đến đầu tháng 3 Âm lịch thì đơn đặt hàng bánh trung thu tăng dần lên đến cuối tháng 6 Âm lịch, khoảng 3.000-5.000 chiếc bánh trung thu các loại. Trong đó có bánh tự tạo hình con heo, được trẻ em yêu thích. 2 năm trở lại đây, chị nhận làm bánh bán đến 12-13 tháng 8 Âm lịch. Thường, chị vừa làm xong, đủ đơn hàng là giao ngay theo lịch đặt trước của khách. Chị Bình chia sẻ: “Dòng bánh trung thu tự làm không chất bảo quản được nhiều thực khách ưa chuộng. Tuy nhiên, do không có chất bảo quản nên hạn sử dụng ngắn, vì vậy, tôi thường dặn kỹ khách mua bánh về phải dùng trong 3 ngày trở lại. Những năm trở lại đây, nhiều người dùng có xu hướng yêu cầu bánh được làm từ các nguyên liệu cao cấp hơn, mẫu mã bánh cũng cần sắc nét, đẹp mắt hơn, kể cả hộp đựng bánh cũng cần chăm chút về thẩm mỹ. Mỗi chiếc bánh bán ra, người làm bánh hưởng từ 30%-40% lãi chênh lệch so với tổng giá trị chiếc bánh, chưa tính tiền công. Vì vậy, có thể nói, làm bánh lấy công làm lời và chỉ những người thợ thật sự mê bánh mới đeo đuổi nghề công phu và vất vả này”.

   Mỗi mùa Trung thu đến, những chiếc bánh trung thu ngon không thể thiếu cho không khí đoàn viên, vui vẻ, đầm ấm của gia đình. Nhờ tỉ mỉ, chịu khó và đặt tâm sức vào nghề, người thợ làm bánh mới có thể làm được những chiếc bánh vừa ngon, vừa lành, "nuông chiều" khẩu vị ngày càng tinh tế của thực khách. Qua đó, người làm bánh trung thu cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67294

Hôm nay:
29
Tháng này:
753
Tổng lượt truy cập:
67294