Nghiên cứu mới của Đại học Tufts ở Boston (Mỹ) cho thấy chế độ ăn uống tác động rất lớn đến nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh bệnh bằng cách thay đổi yếu tố nguy cơ dễ kiểm soát này.
Theo đuổi chế độ ăn Địa Trung Hải là một cách giúp phòng ngừa ung thư. Ảnh: bestslim.org
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí JNCI Cancer Spectrum ngày 21-5, ước tính có khoảng 80.110 ca ung thư mới ở người từ 20 tuổi trở lên tại Mỹ vào năm 2015 có liên quan đến chế độ ăn uống. “Con số này tương đương với khoảng 5,2% trường hợp ung thư xâm lấn mới được chẩn đoán ở người trưởng thành vào năm 2015” - Tiến sĩ Fang Fang Zhang, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Theo đó, nghiên cứu khai thác dữ liệu về chế độ ăn uống của người trưởng thành từng tham gia Khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2013-2016, cũng như dữ liệu về tỷ lệ mắc ung thư trên toàn quốc vào năm 2015 từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá 7 yếu tố trong chế độ ăn uống: tiêu thụ ít rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa và tiêu thụ nhiều thịt chế biến (thịt xông khói, đóng hộp, xúc xích, jambon), thịt đỏ (bò, heo, cừu) và đồ uống có đường. Họ đã sử dụng một mô hình đánh giá rủi ro, qua đó ước tính số trường hợp ung thư liên quan đến chế độ ăn uống xấu.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng ung thư đại tràng và trực tràng có số lượng và tỷ lệ cao nhất trong các trường hợp liên quan đến chế độ ăn uống, ở mức 38,3%. Khi xét về chế độ ăn, họ nhận thấy tiêu thụ ít ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa đồng thời ăn nhiều thịt chế biến góp phần tạo ra gánh nặng ung thư cao nhất. Ngoài ra, nam giới từ 45-64 tuổi chiếm tỷ lệ về gánh nặng ung thư liên quan đến chế độ ăn uống cao nhất so với các nhóm khác.
Tại sao thực phẩm ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư?
Các chuyên gia cho biết đối với 7 nhóm thực phẩm chính đã nêu, gồm trái cây, rau củ, ngũ cốc, thịt chế biến, thịt đỏ, sữa và đồ uống có đường, hầu hết mọi người trên thế giới đều không ăn đúng số lượng để cơ thể khỏe mạnh. Cụ thể là chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường và thịt đỏ hoặc thịt chế biến nhưng lại không ăn đủ trái cây, rau củ, ngũ cốc hoặc sữa. Một số nhóm thực phẩm đã được chứng minh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chẳng hạn chất xơ trong trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt giúp xây dựng một hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, trong khi thịt chế biến và thịt đỏ chứa các phân tử gây ung thư. Còn các thực phẩm khác, như đường, gây ung thư theo cách ít trực tiếp hơn: đó là làm chúng ta tăng cân. Người thừa cân một chút có thể khỏe mạnh, nhưng béo phì thì thường gia tăng rủi ro sức khỏe, bao gồm nguy cơ ung thư cao hơn.
Nhìn chung, “chế độ ăn uống là một trong số ít các yếu tố rủi ro có thể thay đổi để phòng ngừa ung thư. Những phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu cải thiện mức tiêu thụ các nhóm thực phẩm và dưỡng chất quan trọng” – chuyên gia Zhang nói thêm.
Làm sao để giảm thiểu nguy cơ ung thư do ăn uống?
Thực phẩm siêu chế biến đang chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong chế độ ăn uống của thế giới. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 60% lượng calorie trong chế độ ăn uống trung bình của người Mỹ đến từ loại thực phẩm này, trong khi nghiên cứu năm 2017 cho thấy chúng chiếm một nửa khẩu phần ăn của người Canada. Thực phẩm siêu chế biến hiện cũng chiếm hơn 50% chế độ ăn của Anh và điều đáng quan ngại là nhiều nước đang phát triển bắt đầu ăn theo cách này.
Tuy nhiên, bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi bệnh ung thư bằng cách tránh các thực phẩm siêu chế biến và ưu tiên chọn thực phẩm hữu cơ. Theo nghiên cứu công bố năm 2018 trên tạp chí Internal Medicine của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA), những người thường xuyên ăn thực phẩm hữu cơ có khả năng tránh ung thư hạch không Hodgkin và ung thư vú sau mãn kinh tốt hơn những người hiếm khi hoặc không bao giờ ăn thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, một nghiên cứu công bố trên tạp chí này hồi tháng 2 còn cho thấy chúng ta đối mặt với nguy cơ chết sớm cao hơn 14% cho mỗi lần tiêu thụ thêm 10% thực phẩm siêu chế biến.
HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN, Popular Science)