Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Xóm nghề chằm nón trở mình

02:05 - 28/06/2015

Với bề dày phát triển mấy chục năm, nghề chằm nón lá ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai đã nuôi sống hàng trăm hộ gia đình nơi đây. Qua năm tháng, có lúc tưởng chừng nghề chằm nón sẽ rơi vào mai một nhưng bằng nhiệt huyết, chị em vẫn quyết tâm giữ nghề. 

Nhờ vậy, tiếng thơm chiếc nón lá miền Nam vẫn được giữ gìn và càng bay cao, bay xa hơn nữa, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho phụ nữ ngoại thành.

Chúng tôi về thăm xóm chằm nón lá ở thị trấn Thới Lai một ngày cuối tháng 6. Ngoài trời mưa rả rích, nhưng trong những hiên nhà chạy dọc theo 2 bờ kinh Xẻo Xào, các chị, các cô vẫn thoăn thoắt từng mũi kim chằm nón. Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Thới Lai phấn khởi cho biết, chị đang chuẩn bị lấy thêm nón lá để gởi ra Hà Nội giới thiệu sản phẩm. Theo lời chị Oanh, xóm nghề chằm nón giờ không ngừng phát triển, sản phẩm vừa bền, đẹp, giá cả phải chăng nên rất hút hàng, hiện không đủ cung ứng cho thị trường.

 

Hằng ngày, mẹ con chị Hồng Cẩm tranh thủ thời gian nhàn rỗi chằm nón, kiếm thêm thu nhập.

 

Có thể nói, nghề chằm nón gắn bó với phụ nữ ven kinh Xẻo Xào như máu thịt. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề đã góp phần giúp gia đình chị em no cơm, ấm áo. Nhớ lại thời điểm rộn ràng nhất của nghề chằm nón quê mình, chị em cho biết, ngày trước, con gái xóm này chằm nón sắm vàng để dành; còn với các bà, các cô, nghề nón giúp họ vượt qua chiến tranh, nuôi dạy các con nên người. Thậm chí bất chấp chiến tranh loạn lạc, phụ nữ vùng này còn truyền nghề chằm nón cho vùng khác. Cô Trần Thị Cẩm Tú, ngụ ấp Thới Thuận A, cho biết: "Được mẹ truyền nghề chằm nón năm 16 tuổi, tôi cố gắng làm để dành tiền mua máy may, rồi học thạo nghề may trước khi lấy chồng. Giờ lớn tuổi, mắt mờ không còn thấy rõ đường kim mối chỉ, chớ chằm nón thì vẫn mau mắn, lẹ làng không thua kém các cháu". Mỗi ngày hoàn tất 2 cái nón hàng (hoặc 1 nón đặt), sau khi trừ chi phí, cô Tú kiếm được từ 50.000 - 60.000 đồng, phụ thêm hoa lợi từ 1,5 công ruộng và nghề nuôi vịt của ông xã, vợ chồng cô đủ nuôi 2 con ăn học. Con trai lớn của cô hiện là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Cần Thơ; còn con gái út học lớp 11.

 

Thấy tiềm năng phát triển của nghề, năm 2005, Hội LHPN thị trấn Thới Lai thành lập mô hình 2 tổ chằm nón lá ở ấp Thới Thuận A và Thới Phước, thu hút 138 hội viên tham gia. Hàng tháng hoặc chậm nhất một quý, Hội Phụ nữ tổ chức họp mặt mô hình chằm nón 1 lần. Đây không chỉ là nơi gắn kết, trao đổi về nghề truyền thống mà còn là nơi cung cấp thông tin về các phong trào thi đua của Hội Phụ nữ. Thông qua giới thiệu của các cấp Hội, hội viên làm nghề chằm nón có thêm nhiều đầu mối tiêu thụ sản phẩm uy tín. Đặc biệt, các hội viên được tạo điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội và Dự án Bàn tay vàng do Trung ương Hội LHPN hỗ trợ. Mô hình chằm nón ấp Thới Phước vừa được UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen mô hình Dân vận khéo. Phát huy thành quả này, Hội LHPN thị trấn Thới Lai đang nỗ lực nhân rộng mô hình chằm nón lá trong toàn thị trấn.

 

Nghề chằm nón tuy thu nhập không cao nhưng rất ổn định, giúp nhiều chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Không chỉ những người trẻ mà phụ nữ trung niên, người già cũng tham gia nhiều công đoạn. Bà Nguyễn Thị Thu (62 tuổi), ngụ ấp Thới Thuận A, cho biết, bà về làm dâu xóm này và được mẹ chồng dạy chằm nón, rồi bà lần lượt truyền nghề cho 3 con gái. Gần 40 năm theo nghề, chằm nón đã trở thành công việc, niềm vui hàng ngày, vừa giúp bà có thu nhập, vừa "giữ lửa" nghề truyền thống. Mỗi ngày chằm 1 cái nón, cứ 1 tuần hay 10 bữa bán nón 1 lần, bà Thu kiếm được vài trăm ngàn cho cháu ngoại đi học.

 

Những chiếc nón lá quen thuộc, dân dã của xóm nghề này được nhiều người ưa chuộng, không chỉ đến tay người dân trong vùng mà còn vươn ra ngoài tỉnh, thậm chí theo chân du khách xuất ngoại. Chị Ngô Thị Hồng Cẩm, ngụ ấp Thới Phước, thị trấn Thới Lai là một trong những đầu mối cung cấp nguyên liệu và thu mua nón thành phẩm cho chị em trong xóm nghề rồi bỏ mối lại cho các đầu mối tiêu thụ. Chị Cẩm cho biết, nhu cầu nón lá của thị trường còn nhiều, có thời điểm, chị em trong xóm làm không kịp bán nên chị phải thu mua thêm ở các xã lân cận. Đặc biệt, có đơn vị đặt nón bán ra nước ngoài hoặc khách du lịch với kích cỡ lớn hơn nón truyền thống nhưng ngại làm không kịp, "bể" hợp đồng nên chị không dám nhận. Chị Cẩm chia sẻ: "Với cách làm thủ công, sản xuất nhỏ lẻ hiện nay, xóm nghề khó có thể nhận được những đơn hàng lớn, có giá trị kinh tế cao. Vì thế, chúng tôi rất cần ngành chức năng hỗ trợ thành lập Hợp tác xã nón lá, có trang bị máy vót nan và đảm bảo nguồn nguyên liệu đầy đủ. Có như thế, nghề chằm nón mới phát triển bền vững, giúp chị em có nguồn thu nhập cao hơn".

 

Chia sẻ của chị Hồng Cẩm cũng là tâm tình của nhiều phụ nữ xóm nghề chằm nón thị trấn Thới Lai. Tình yêu dành cho chiếc nón lá truyền thống cùng nhiệt huyết với nghề, tin rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng, một ngày không xa, xóm nghề sẽ trở mình, phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

 

Theo bài, ảnh: MỸ TÚ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69547

Hôm nay:
0
Tháng này:
84
Tổng lượt truy cập:
69547