Từ lâu, vitamin C được biết có nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, ngăn ngừa nếp nhăn và phòng chống các bệnh tim mạch. Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ còn cho thấy vitamin có nhiều trong trái cây họ cam quýt, ớt chuông và bông cải xanh sẽ là "vũ khí" lợi hại giúp đẩy lùi bệnh ung thư ruột kết và trực tràng (CRC).
CRC là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở Mỹ với hơn 93.000 ca mắc mỗi năm, trong đó có khoảng 50% ca bệnh có liên quan đến sự đột biến của các gien KRAS và BRAF. Những dạng bệnh này thường tiến triển nhanh và không mấy đáp ứng với các liệu pháp hoặc phương pháp hóa trị hiện hành.
Trong nghiên cứu được tiến hành tại Trung tâm Y khoa Weill Cornell ở New York, các chuyên gia đã cho các tế bào ung thư CRC mang gien KRAS và BRAF đột biến tiếp xúc với liều cao vitamin C. Cơ chế tấn công của vitamin C đối với các tế bào ung thư cũng giống như hiệu ứng "con ngựa thành Troy". Tức là khi ở trong môi trường giàu ôxy (như mạch máu), axít ascorbic (một thành phần của vitamin C) bị ôxy hóa và biến đổi thành hợp chất DHA (axít dehydroascorbic) có khả năng xâm nhập qua màng tế bào ung thư thông qua chất vận chuyển glucose GLUT1. Khi vào bên trong tế bào, các chất chống ôxy hóa tự nhiên trong tế bào ung thư sẽ cố biến đổi DHA trở lại axít ascorbic. Quá trình này khiến chất chống ôxy hóa bị hủy hoại, làm tế bào ung thư cũng chết theo do mất cân bằng ôxy.
Thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Lewis Cantley dẫn đầu nhận thấy vitamin C đã phá hủy các tế bào đột biến. Giống với kết quả thử nghiệm trên tế bào nuôi cấy, các chuyên gia phát hiện rằng sử dụng vitamin C liều cao - tương đương khoảng 300 trái cam - đã ngăn cản sự phát triển của khối u ở chuột do gien đột biến KRAS.
Khám phá trên mở ra triển vọng phát triển các phương pháp điều trị mới đối với ung thư ruột kết và trực tràng. Giới nghiên cứu còn lạc quan cho rằng liệu pháp vitamin C có thể áp dụng cho các căn bệnh ung thư khác liên quan đến đột biến gien KRAS, như ung thư tụy tạng, ung thư tế bào thận và ung thư bàng quang.
KIM PHỤNG (Theo Medicalnewstoday)
Nguồn: Báo Cần Thơ