Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 05 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn.
Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống và Giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/9/2009 đã thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc áp dụng lồng ghép Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và yêu cầu “sự tham gia của cộng đồng đối với việc xây dựng văn bản pháp luật, lập quy hoạch, kế hoạch, quản lý và theo dõi việc thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương”. Một trong những quan điểm của Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu là ứng phó với BĐKH phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, hệ thống, tổng hợp, ngành/liên ngành, vùng/liên vùng, bình đẳng về giới, xóa đói giảm nghèo.
Tại sao phải lồng ghép giới trong lĩnh vực quản lý thiên tai? Lồng ghép giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH là một quá trình mang tính chiến lược nhằm làm chuyển biến nhận thức, thái độ và hành vi của cán bộ các cấp, các ngành về những nhu cầu, nguyện vọng và những ưu tiên rất khác nhau của từng giới trong quá trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu và phân phối lợi ích xã hội trong thiên tai một cách bình đẳng. Nội dung lồng ghép giới trong quản lý RRTT-DVCĐ là nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho phụ nữ và nam giới trong cộng đồng và cho các nhà quản lý; thu thập thông tin và số liệu tổng hợp có tách biệt nam, nữ về tình trạng dễ bị tổn thương (TTDBTT) và năng lực của họ trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT). Khuyến khích phụ nữ tham gia chủ động và chú ý đến vai trò của họ trong GNRRTT và lập kế hoạch TƯBĐKH. Trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhu cầu của cả phụ nữ và nam giới đều cần phải được thể hiện trong quá trình đánh giá và lập kế hoạch của các ngành. Cần quan tâm đến một số khía cạnh tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ là về thể lực trước và sau khi sinh con, tính cơ động của phụ nữ thấp hơn nhiều so với nam giới; về kinh tế phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn trong số những người nghèo nhất; việc mưu sinh phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên: nguồn nước, đất đai, nhiều phụ nữ sống đơn thân hơn năm giới . . ., bởi vậy mà các thảm họa tự nhiên thường ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của họ.
Mặc dù Luật Phòng, chống thiên tai có quy định phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương cần được quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đoàn thể về việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhóm đối tượng này cũng như thực hiện lồng ghép giới trong hoạch định các chính sách hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có đối tượng phụ nữ trước, trong và sau thiên tai. Tiềm năng đóng góp của phụ nữ chưa được khai thác hiệu quả; Phụ nữ vẫn giữ vai trò thụ động và tham gia rất hạn chế trong quá trình đánh giá và lập kế hoạch dựa vào cộng đồng.
Trong khi đó, phụ nữ có vai trò quan trọng trong xã hội. Đó là phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công việc sản xuất, đóng vai trò chính trong công việc gia đình, chăm sóc và nuôi dưỡng, phụ nữ tham gia thực hiện phần lớn công việc cộng đồng. Phụ nữ cần phải được quan tâm và nâng cao năng lực vì phụ nữ là nhân tố giảm thiểu rủi ro thiên tai, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều trong các công việc liên quan tới môi trường và thiên tai.
Với vai trò là thành viên của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (nay là Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn), tháng 2/2012 Hội LHPN Việt Nam ký biên bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về triển khai thực hiện đề án 1002 “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Trước vấn đề thiên tai ngày càng trở nên nghiêm trọng. TW Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội, đặc biệt là cấp tỉnh/thành phát huy vai trò của tổ chức Hội góp phần giảm nhẹ các tác động của thiên tai đối với đời sống con người trong đó có phụ nữ và trẻ em gái; Góp phần thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới đã được nêu ra trong Luật Phòng, chống thiên tai; Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội LHPN trong công tác PCTT ở từng cấp, từng địa phương. Với những công việc cụ thể là chủ động tham mưu và cử cán bộ Hội tham gia BCH PCTT & TKCN cùng cấp đảm bảo chất lượng, hiệu quả; Tham mưu với cấp ủy, chính quyền và BCH PCTT & TKCN cùng cấp những nhu cầu, khó khăn của phụ nữ và trẻ em trước, trong và sau thiên tai để có phương án, giải pháp hỗ trợ kịp thời; Hội LHPN các cấp tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về PCTT để chị em luôn có ý thức chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là với thiên tai bất thường; Hướng dẫn chị em chuẩn bị các phương tiện phòng hộ phù hợp, để đảm bảo đời sống gia đình trong thời gian xảy ra thiên tai; Chủ động khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ gia đình, thôn xóm, cộng đồng, đặc biệt là chăm sóc người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ nghèo, người khuyết tật, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất.. .; Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tự giác đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai theo sự triển khai của địa phương, đơn vị.
Trong những năm gần đây, các tỉnh/thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tập trung ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Cũng như các địa phương khác trong khu vực ĐBSCL, thành phố Cần Thơ cũng đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH như: hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, sạt lở đất. Phát huy vai trò của Hội trong công tác ứng phó với thiên tai và BĐKH, từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2015, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Life tại TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống) thực hiện dự án “Nâng cao năng lực phụ nữ cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu” và dự án “Cộng đồng hành động tăng cường khả năng ứng phó thiên tai” tại 04 xã Đông Hiệp, Đông Thắng, Trung Thạnh và Thới Xuân thuộc huyện Cờ Đỏ. Kết quả, dự án đã thành lập được “Mạng lưới phụ nữ ứng phó với thiên tai và BĐKH” gồm 30 chị là cán bộ chủ chốt của Hội phụ nữ các cấp và hội viên nồng cốt của 04 xã dự án. Mạng lưới này giúp tăng cường nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với thiên tai và BĐKH của phụ nữ cộng đồng thông qua các cuộc truyền thông trong cộng đồng bằng tài liệu hóa, trực quang sinh động, chia sẻ các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH. Riêng dự án “Cộng đồng hành động tăng cường khả năng ứng phó thiên tai” với mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó thiên tai thông qua việc nâng cao vị thế của cộng đồng cùng tham gia với chính quyền địa phương và lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, dự án đã huy động được sự hỗ trợ và phối hợp tích cực của các ngành liên quan tại huyện và xã dự án, cán bộ các cơ quan ban ngành, đoàn thể cấp huyện và xã. Dự án đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và có tác động tích cực đến kinh tế xã hội địa phương thông qua hướng dẫn kiến thức cho người dân tự chủ động cải tiến mô hình kinh tế thích ứng với tác động của rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu.
Nguyễn Thị Thu Lam
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Cần Thơ