Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Truyền thông xóa bỏ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái

07:22 - 09/12/2015

Thời gian qua, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội, mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam và Hội LHPN TP Cần Thơ vừa tổ chức Liên hoan truyền thông "Chung tay phòng, chống dịch bệnh" và sáng kiến truyền thông hưởng ứng ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tại TP Cần Thơ. 

Với chủ đề tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngăn ngừa, tiến tới xóa bỏ các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và các trẻ em gái; đồng thời, khuyến khích đưa ra các sáng kiến, giải pháp của cộng đồng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực.

Liên hoan sáng kiến truyền thông "Xóa bỏ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái" đã thu hút 10 đơn vị thuộc Hội LHPN 10 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham dự, trong đó có TP Cần Thơ. Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội Việt Nam trong việc ứng phó với bạo lực giới và một số vấn đề dân số cần quan tâm" do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc hỗ trợ. Liên hoan này là một trong những hoạt động thiết thực của các cấp Hội LHPN Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11). Qua đó nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về quyền phụ nữ, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình, đặc biệt là xóa bỏ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hầu hết các đội thi đều bám sát chủ đề của Ban tổ chức đề ra, nội dung các tiểu phẩm sát với đời sống thực tế xoay quanh các vấn nạn BLGĐ, bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái… đã thể hiện rất rõ nét qua các tiểu phẩm, như: "Tại rượu hay tại ai?" của Hội LHPN tỉnh Bến Tre; "À, tôi biết rồi!" của Hội LHPN tỉnh Cà Mau; "Cái vỏ hạnh phúc" của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, "Người giàu cũng khóc" của Hội LHPN TP Cần Thơ… đã mang lại cho các đại biểu các tình tiết đầy kịch tính, cuốn hút người xem đi vào từng tiểu phẩm.

Tiểu phẩm "Người giàu cũng khóc" của Hội LHPN TP Cần Thơ đã cuốn hút người xem vào từng vai diễn nên đã thuyết phục được các thành viên ban giám khảo của Liên hoan. Ngoài nội dung tiểu phẩm đã bám sát chủ đề là "Xóa bỏ bạo lực tình dục đối với trẻ em gái" do Ban tổ chức liên hoan đề ra, những sáng kiến, hình ảnh minh họa cho tiểu phẩm cũng được các thành viên trong đội đặc biệt quan tâm lựa chọn sát thực với từng bối cảnh của tiểu phẩm. Nội dung tiểu phẩm nói về một "cậu ấm" ngoài 30 tuổi (đã có vợ con) nhưng quen cách sống được nuông chiều, ỷ vào sự giàu có của gia đình nên đã cưỡng bức một em gái mới 14 tuổi (chưa đủ tuổi thành niên), làm em này bị thiệt hại về tinh thần rất nặng và đòi bỏ học… Còn gia đình "cậu ấm" thì ỷ có tiền nên đưa cho gia đình bị hại 2 triệu đồng gọi là tiền bồi thường danh dự; đồng thời cho rằng nhà họ giàu có và là con một… nên em gái muốn nhào vô để kiếm chút tài sản. Rất may, nhờ có cán bộ Hội LHPN nữ cơ sở trực tiếp hòa giải, phân tích tác hại, quy định xử phạt hành chính của Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, gia đình của "cậu ấm" nhận ra là con mình đã vi phạm pháp luật và đã khóc lóc van xin gia đình bé gái tha thứ… Đây là tiểu phẩm xuất sắc giành giải Nhất tại Liên hoan. Ngoài ra, Tiểu phẩm "Tại… rượu hay tại ai?" của Hội LHPN tỉnh Bến Tre, đơn vị đạt giải Nhì tại Liên hoan cũng đã minh họa rõ nét về tình trạng BLGĐ.

Chị Võ Ái Hòa, Trưởng Ban Gia đình- Xã hội thuộc Hội LHPN tỉnh Bến Tre, cho biết: "Sau khi nhận thông báo của Ban tổ chức liên quan, Hội LHPN tỉnh bắt đầu xây dựng kịch bản bám sát chủ đề, lựa chọn các thành viên tham gia và tiến hành tập dợt trong vòng 15 ngày là đi thi. Mặc dù không chuyên nhưng các chị diễn xuất rất hoàn hảo, bởi vì các chị đã tham dự các lớp tập huấn kiến thức xây dựng tiểu phẩm kịch bản tương tác (theo hình thức tuyên truyền mới) do dự án UNFPA hỗ trợ tại tỉnh Bến Tre. Qua đó, các chị trực tiếp hướng dẫn các thành viên trong đội tập luyện để sang Cần Thơ dự thi, với mục tiêu cả đội đề ra là giao lưu học hỏi…".

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Chánh, Phó trưởng Phòng công tác học sinh- sinh viên, thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, thành viên Ban Giám khảo, hầu hết các đội tham dự liên hoan đều bám sát chủ đề của Ban tổ chức đề ra, có sự đầu tư rất tốt cho từng tiểu phẩm; diễn xuất nghiêm túc, chất lượng kể cả đạo cụ và trang phục phù hợp với nội dung tiểu phẩm. Các nội dung đưa ra nhiều thông điệp, đề xuất các giải pháp hay, thực tế, nhằm chấm dứt bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, một vài đội thi chuẩn bị hình ảnh trình chiếu minh họa chưa phù hợp với chương trình nên chưa đạt điểm cao…

Gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình không có bạo lực thì gia đình sẽ hạnh phúc. Chính vì vậy, việc phòng, chống bạo lực tình dục, BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân và gia đình cùng tham gia đẩy lùi vấn nạn này.

Bài, ảnh: Xuân Đào

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69512

Hôm nay:
21
Tháng này:
49
Tổng lượt truy cập:
69512