Năm 2014, Hội LHPN thành phố thực hiện Công văn số: 1373/UBND-VX ngày 28/3/2014 của UBND thành phố, về việc triển khai thực hiện Quyết định số 404/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã tham mưu trình UBND thành phố ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” gồm 11 đồng chí: Đồng Chí Lê Văn Tâm, phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm Trưởng ban, 02 Phó trưởng ban gồm Chủ tịch Hội LHPN thành phố là Phó ban Thường trực và Phó Giám đốc Sở GD&ĐT là phó ban, cùng các ủy viên là đại diện Lãnh đạo Sở ngành thành phố gồm: LĐLĐ, Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở LĐTB & XH, Ban quản lý khu chế xuất và 02 Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn và Bình Thủy. Đây là hai đơn vị được chọn chỉ đạo điểm ở giai đoạn I (2014 – 2017).
Mục tiêu chung của Đề án này là hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại các địa bàn có đông nữ công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi; Khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có điều kiện mở các điểm trông giữ trẻ, đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức để xây dựng, hình thành và phát triển các nhóm trẻ ở địa bàn đông dân cư, quá tải học sinh và các khu dân cư quanh khu công nghiệp. Qua đó tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ; phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể và xác định rõ vai trò trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong công tác quản lý nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục trên địa bàn...
Mục tiêu cụ thể của thành phố Cần Thơ phấn đấu đến năm 2020 sẽ: có 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện Đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn triển khai Đề án được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và đảm bảo chất lượng; 95% các bà mẹ ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc và phát triển trẻ thơ; 40 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển. Riêng năm 2016 – 2017 làm thí điểm hỗ trợ, phát triển 20 nhóm trẻ tại phường Trà Nóc, quận Bình Thủy; phường Phước Thới, quận Ô Môn.
Đề án đã được triển khai đến các nhóm trẻ độc lập tư thục; các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi; người dân cộng đồng tại khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc hai phường Trà Nóc, quận Bình Thủy và Phường Phước Thới, quận Ô Môn.
Ở giai đoạn I Hội LHPN thành phố Cần Thơ đã tham mưu triển khai các hoạt động như: tập huấn cho các bà mẹ các kiến thức về “Tầm quan trọng của chăm sóc và phát triển trẻ thơ” theo các mốc phát triển nhằm tăng cường vai trò của cha mẹ và gia đình trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ; cập nhật thông tin mới nhất về chăm sóc và giáo dục trẻ theo hệ thống giáo dục quốc dân và các quy định hiện hành về giáo dục mầm non.
Phối hợp với các ngành thành viên, tổ chức rà soát thống kế lao động nữ có con nhỏ (dưới 36 tháng tuổi) ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc phường Trà Nóc, quận Bình Thủy và phường Phước Thới, quận Ô Môn. Qua rà soát có 1.699 lao động nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi/tổng số 8.495 lao động nữ. Nắm danh sách số nhóm trẻ dự kiến hỗ trợ/phát triển theo chỉ tiêu kế hoạch từng giai đoạn và hàng năm trên địa bàn thuộc phường Trà Nóc, quận Bình thủy và phường Phước Thới, quận Ô Môn (giai đoạn 1: 2014-2017).Qua rà soát tính đến nay có 18 nhóm (có đăng ký) của 2 phường nằm trên địa bàn.
Để thực hiện các mục tiêu của đề án thời gian tới sẽ khảo sát đầu vào và đầu ra thực trạng nhóm trẻ độc lập tư thục và trẻ dưới 36 tháng tuổi có nhu cầu ra lớp tại địa bàn triển khai Đề án; rà soát các cá nhân, tổ chức có điều kiện để thành lập nhóm trẻ; Vận động người có điều kiện nhận trông trẻ hoặc thành lập nhóm trẻ; Hỗ trợ kỹ thuật để các nhóm trẻ độc lập tư thục đang hoạt động hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp phép hoạt động. Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục, bao gồm cả các nhóm được kiện toàn và nhóm thành lập mới.
Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ Hội các cấp về giám sát và tham gia công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 36 tháng tuổi; Phối hợp chặt chẽ với các ngành theo chức năng nhằm hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để các nhóm trẻ độc lập tư thục đạt chuẩn và đảm bảo an toàn theo quy định.
Bên cạnh, phối hợp vận động các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ dành quỹ phúc lợi hỗ trợ cơ sở vật chất, đồ chơi cho các nhóm trẻ, góp phần chăm lo cho con của nữ công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ để chị em an tâm lao động sản xuất đạt hiệu quả cao, phục vụ lâu dài, nhằm thúc đẩy hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và doanh nghiệp.
Sau 1 năm thực hiện Đề án 404, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Với vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN thành phố là cơ quan Thường trực tham mưu cho Ban chỉ đạo, luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án trong năm 2016 – 2017 và những năm tiếp theo. Mặt khác, tạo sự kết nối giữa các hoạt động của Đề án, lồng ghép với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các cơ quan và nhiệm vụ phát triển KT - XH địa phương. Đặc biệt, góp phần thực hiện tốt Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố Cần Thơ./.
(BGĐXH Hội LHPN)