Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Trao cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ nghèo

05:37 - 30/05/2016

Dự án "Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp" được Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam tài trợ, triển khai từ năm 2009, với mục tiêu giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thay đổi cuộc sống với nghề làm đẹp. Theo ký kết giữa Công ty với Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN TP Cần Thơ, khóa dạy nghề miễn phí đầu tiên (thuộc dự án này) vừa khai giảng tại Cần Thơ, góp phần trao cơ hội nghề nghiệp cho 24 học viên.

Sau lễ khai giảng, khóa học nhanh chóng được triển khai theo kế hoạch. Dù trời nắng hay mưa, không khí lớp học luôn rộn ràng, đông đủ. 2 tuần trôi qua, các học viên trở nên thân quen, gần gũi, với những câu chuyện đùa vui, xua tan căng thẳng. Tạm nghỉ tay trong giờ thực hành kỹ thuật uốn tóc, chị Võ Thị Cẩm Tú, ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Chị Tú chia sẻ: "Từ nhỏ cha mẹ tôi đã ly hôn và mỗi người đều có gia đình riêng; tôi về ở với ông bà ngoại. Khi tôi 16 tuổi, ông ngoại qua đời, bà ngoại già yếu nên tôi bắt đầu bươn chải, tự nuôi sống bản thân. Lớn lên, tôi lập gia đình nhưng hôn nhân không suôn sẻ, vợ chồng tôi sớm chia tay khi đã có 2 mặt con. Hiện tại, mọi chi tiêu của 3 mẹ con và tiền thuê trọ đều nhờ vào tiền lương hỗ trợ cộng tác viên của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố nên cuộc sống cả nhà rất chật vật. Được tham gia lớp học này, tôi rất vui vì được trang bị một nghề để có thể kiếm sống. Tôi hy vọng sau khóa học có thể vận dụng được tay nghề, kiếm thêm thu nhập lo cho 2 con ăn học đàng hoàng". Sau 2 tuần làm quen với kỹ thuật làm tóc, chị Tú bắt đầu "cảm" được khó khăn của nghề nhưng càng thêm yêu thích công việc làm đẹp này.

 

Giờ thực hành của các học viên khóa dạy nghề miễn phí Dự án "Làm đẹp để sống-Sống để làm đẹp"

tại TP Cần Thơ.

 

Hoàn cảnh của chị Tú là một trong nhiều hoàn cảnh kém may mắn ở lớp học đặc biệt này, vì lẽ đó nên bạn nào cũng cố gắng học nghề thật tốt. Anh Nguyễn Chí Dũng, giáo viên dạy nghề tạo mẫu tóc, nhận xét: "Nhiều bạn ở quận, huyện xa nhưng đến lớp đúng giờ, với thái độ nghiêm túc. Qua đó thể hiện các bạn quyết tâm đeo đuổi nghề để thay đổi cuộc sống, chúng tôi thấy rất vui". Em Trần Thị Hương, ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, tuy còn nhỏ tuổi nhưng sớm bươn chải kiếm sống. Quê ở tỉnh Thái Bình, cha mẹ Hương vào Cần Thơ sinh sống hơn 20 năm nay. Cả nhà ở trọ, cha Hương làm nghề vá xe, còn mẹ bán vé số mưu sinh. Vì hoàn cảnh khó khăn, Hương nghỉ học khi hết lớp 10; sau đó Hương đăng ký học bổ túc, tốt nghiệp THPT. Cách đây không lâu, cha Hương bị tai nạn giao thông, chấn thương vùng đầu nên không đi làm được nữa, cuộc sống càng thêm khó khăn. Hương cho biết: "Để có tiền phụ giúp gia đình, tôi làm thuê nhiều nơi: phụ việc bán hàng, quán giải khát, quán ăn… Nhờ có thời gian làm gần trụ sở Hội Phụ nữ thành phố, các cô, các chị giới thiệu tôi học nghề miễn phí, tôi rất vui".

Triển khai thực hiện tại Việt Nam 7 năm qua, hơn 870 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ bị bạo hành, bà mẹ đơn thân, những chị em thuộc đối tượng dễ bị tổn thương,… thông qua dự án có việc làm, thu nhập ổn định, tự tin hòa nhập xã hội. Anh Chí Dũng phấn khởi cho biết, dự án nhiều lần trở lại các địa phương tổ chức lớp nghề như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, gặp lại các học viên để đánh giá thành quả dự án đạt được. Chứng kiến nhiều học viên vẫn gắn bó với nghề, có thu nhập tốt; một số học viên tự làm chủ cửa hiệu làm đẹp, ai cũng mừng. Chúng tôi tin rằng, rồi đây nhiều học viên ở TP Cần Thơ sẽ thành công, đạt thành mong muốn.

Trong 6 tháng, khóa đào tạo sẽ giúp học viên thực hành thành thạo nhiều kỹ thuật tạo mẫu tóc, chăm sóc tóc chuyên nghiệp, ngoài ra còn có kỹ thuật nail, massage và trang điểm cơ bản. Với những kiến thức này, Hương dự định sau khóa đào tạo sẽ đi làm thuê ở các cửa hiệu làm đẹp để rèn thêm tay nghề và tích lũy vốn. Khi có đủ điều kiện sẽ mở tiệm làm đẹp để tăng thu nhập, chăm sóc cha mẹ tốt hơn. Còn chị Tú dự định sẽ tranh thủ làm thuê cho các cửa hiệu làm đẹp ngoài giờ làm cộng tác viên Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố. Với chị, đây là cơ hội giúp ổn định nghề nghiệp, cuộc sống, góp phần tạo lập tương lai tốt đẹp cho các con.

Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: "Những năm qua, Hội có nhiều kênh giới thiệu hội viên học nghề miễn phí, nhưng đa phần là học nghề ngắn hạn. Riêng Dự án "Làm đẹp để sống - sống để làm đẹp" do Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam tài trợ là khóa dạy nghề trung hạn, giúp các học viên có kiến thức chuyên sâu hơn, dễ "đeo" nghề hơn. Bên cạnh đó, sau khóa học, dự án tiếp tục hỗ trợ giới thiệu việc làm cũng như kiến thức quản lý nếu học viên có ý định mở cửa hiệu làm đẹp. Đây là dự án nhiều ý nghĩa, đóng góp thiết thực cho việc cải thiện đời sống phụ nữ nghèo. Với thời hạn ký kết 5 năm, hy vọng dự án tiếp tục mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn".

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61212

Hôm nay:
23
Tháng này:
496
Tổng lượt truy cập:
61212