Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Trang bị nghề, việc làm cho phụ nữ, giảm thiểu nguy cơ bạo lực gia đình

00:00 - 09/01/2012
Ban Quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình” TP Cần Thơ vừa kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận Ninh Kiều tổ chức lớp khởi sự doanh nghiệp và kỹ thuật bán hàng cho phụ nữ kinh doanh vừa và nhỏ trên địa bàn để việc kinh doanh ngày càng thuận lợi và phát triển hơn, trang bị kiến thức, kỹ năng hoạch định kế hoạch khởi sự doanh nghiệp…

                    

                    Lớp tập huấn nhằm cung cấp, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn và kỹ năng bán hàng theo hướng hiện đại, phù hợp yêu cầu kinh tế thị trường hiện nay, góp phần giúp phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ buôn bán nhỏ có thu nhập ổn định, tạo điều kiện nuôi dạy tốt. Ban Quản lý dự án còn triển khai các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo tại địa phương; đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo... Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình”, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam kết hợp với Cơ quan Hợp tác và Phát triển Tây Ban Nha triển khai giai đoạn II, tại TP Cần Thơ, nhằm giúp phụ nữ là nạn nhân và có nguy cơ bị bạo lực gia đình (BLGĐ) nắm vững kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng bán hàng theo hướng hiện đại, phù hợp yêu cầu kinh tế thị trường hiện nay.

                   Chị Huỳnh Thị Tú Lam (ở khu vực 8, phường An Bình, quận Ninh Kiều học viên tham dự lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, cho biết: “Năm 2008, Hội LHPN phường tín chấp cho tôi vay 10 triệu đồng để mở tiệm bán tạp hóa tại nhà. Mỗi ngày sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 50.000 đồng. Qua 3 ngày dự lớp tập huấn, tôi nắm được nhiều điều trong quá trình kinh doanh mà trước đây tôi ít quan tâm. Tôi chưa học qua khóa đào tạo nào về marketing, chỉ nghĩ đơn giản là kinh doanh tại nhà, bán đúng giá là được... Do vậy, khi nghe giáo viên truyền đạt một số kinh nghiệm về cách trưng bày hàng hóa sao cho bắt mắt người mua; cách giao tiếp và kỹ năng bán hàng; phương pháp lựa chọn hàng hóa, giá cả hợp lý. Đặc biệt là 5 tiêu chuẩn cơ bản để kinh doanh thành công, quảng bá thương hiệu và bán hàng tốt, hạn chế chi phí, nhất là trong thời kỳ lạm phát... Lớp học này rất ý nghĩa đối với những người kinh doanh cơ sở vừa và nhỏ, giúp chị em có thể phát triển cơ sở kinh doanh qui mô hơn”.

                 Theo bà Huỳnh Thanh Thảo, Trưởng Ban Quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ” TP Cần Thơ, lớp học thu hút 40 học viên là hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tự thân vận động, mua bán nhỏ, không có điều kiện học nghề, chưa có việc làm ổn định. Với phương pháp giảng bài dễ nhớ, hướng dẫn tận tình của các giáo viên... Hy vọng, sau 3 ngày tập huấn, các chị có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, định hướng được công việc kinh doanh của gia đình, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

                Trong giai đoạn I Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ”, Ban Quản lý Dự án tại TP Cần Thơ đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề chằm nón, đan thảm vải cho phụ nữ là nạn nhân và có nguy cơ bị BLGĐ ở các xã: Thạnh Lộc và Thạnh Mỹ, thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ vốn vay 2 triệu đồng/người để bổ sung vốn phát triển nghề nghiệp. Bà Lưu Hồng Thúy, cán bộ Dự án, cho biết: “Nhìn chung, sau khi học nghề, các chị có khả năng mở cơ sở kinh doanh cá thể. Một số chị có việc làm ổn định tại nhà (có thể chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, tranh thủ lúc rảnh rỗi thì đan thảm vải hoặc chằm nón, kiếm thêm thu nhập. Bình quân mỗi ngày, các chị thu nhập từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/người, góp phần giảm thiểu BLGĐ tại địa phương. Cụ thể như gia đình bà Lê Thị Lượm (ở ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh) có 4 người con, nhà rất nghèo, không có ruộng đất sản xuất, quanh năm làm thuê. Trước đây, do kinh tế gia đình khó khăn, chồng bà thường xuyên uống rượu rồi chửi mắng, đánh đập vợ con... Từ khi học nghề chằm nón miễn phí và được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày, hiện nay, bà Lượm có thu nhập ổn định, gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Đặc biệt, sản phẩm bà làm ra không đủ cung cấp cho bạn hàng các chợ nông thôn. Tùy chất lượng, mỗi cái nón trị giá từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng...

                       Bà Thạch Poong (ở ấp Qui Long, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh) một trong 30 chị học nghề đan thảm vải đầu năm 2011, được Trung tâm dạy nghề Phụ nữ TP Cần Thơ cấp giấy chứng nhận nghề. Bà Poong có 5 người con, chuyên sống nghề làm mướn. Chồng bà thường xuyên say xỉn, chửi mắng vợ con, cán bộ Dự án đã nhiều lần tư vấn, nhắc nhở gia đình và đưa bà Poong vào danh sách học nghề miễn phí. Hiện nay, với nghề đan thảm vải, bà Poong có thu nhập ổn định, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Bà Poong nói: “Được hỗ trợ học nghề miễn phí, tôi và nhiều chị em có nguy cơ bị BLGĐ rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ vốn ưu đãi để chúng tôi có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống”.

                    Trong giai đoạn II, để tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ là nạn nhân và có nguy cơ bị BLGĐ tại cộng đồng, Ban Quản lý Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ” TP Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề phụ nữ thành phố tiếp tục mở 4 lớp dạy nghề kết cườm cho phụ nữ là nạn nhân và có nguy cơ bị BLGĐ ở các xã: Vĩnh Bình, Thạnh Mỹ, Thạnh Lộc và Thạnh Quới thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án sẽ đề xuất Hội LHPN TP Cần Thơ hỗ trợ vốn để các chị mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển gia đình theo mục tiêu “ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”.

                                                                                                                                                                                         (Theo Báo Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69266

Hôm nay:
16
Tháng này:
676
Tổng lượt truy cập:
69266