Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Trang bị nghề, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ

02:36 - 15/09/2015

Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm" (gọi tắt là Đề án 295) hoàn thành chặng đường 5 năm (2010-2015), giúp hàng ngàn phụ nữ thành phố học nghề, có việc làm ổn định. Qua đó góp phần nâng cao vai trò phụ nữ tham gia xây dựng kinh tế ấm no, gia đình hạnh phúc, thúc đẩy hiệu quả giảm nghèo từng địa phương.

Diện mạo các khu vực Thạnh Mỹ, Yên Trung, Yên Hạ thuộc phường Lê Bình, quận Cái Răng ngày càng rộn ràng, tràn đầy sức sống, có sự góp phần của các mô hình may gia công do hội viên Hội Phụ nữ thực hiện. Nếu trước đây, cuộc sống chị em hoàn toàn phụ thuộc người chồng, hoặc một số chị phải bôn ba nơi xa để tìm việc làm thì hiện nay, nhờ nghề may gia công, nhiều chị em có thu nhập tốt, thuận tiện chăm sóc gia đình. Trong đó, cơ sở may gia công giỏ xách Hương Trinh và tổ hợp tác may gia công phường Lê Bình đều ở khu vực Thạnh Mỹ, thu hút chị em nhiều khu vực khác. Còn nghề đan lục bình ở huyện Cờ Đỏ, từ tổ đầu tiên thành lập tại thị trấn Cờ Đỏ, đến nay nhân rộng đến các xã: Thạnh Phú, Đông Thắng, Thới Hưng, giúp nhiều chị em, nhất là phụ nữ Khmer nghèo tận dụng thời gian nông nhàn, cải thiện mức sống, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc. Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ, cho biết: "Đây là 2 mô hình nổi bật, đạt hiệu quả tích cực. Trong đó, Ban chấp hành Hội LHPN xin kinh phí từ Đề án 295 của Trung ương hỗ trợ 140 triệu đồng, giúp tổ hợp tác đan lục bình có vốn xoay vòng, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho tổ viên. Riêng tổ hợp tác may gia công phường Lê Bình được địa phương vận động 200 triệu đồng vốn vay ưu đãi, giúp chị em trang bị máy may. Tiếp tục thành lập các mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả, bền vững cho chị em là mục tiêu lớn nhất mà Hội Phụ nữ hướng đến khi triển khai giai đoạn tiếp theo của Đề án 295".

 

 

5 năm qua, có 370 lớp nghề theo Đề án 295 được mở, thu hút gần 13.000 học viên nữ. Trong đó có 59 lớp nghề được tổ chức từ nguồn vốn xã hội hóa, đào tạo trên 3.800 học viên nữ, với tổng kinh phí trên 4,6 tỉ đồng. Qua đó, phối hợp với các ngành, đơn vị giới thiệu việc làm gần 115.000 lượt chị em. Ngoài ra, Hội chủ động giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động nguồn quỹ từ mô hình tiết kiệm tín dụng và tranh thủ nguồn tài trợ từ các chương trình, dự án… để hỗ trợ chị em tạo việc làm tại chỗ, số tiền trên 661,5 tỉ đồng. Ngoài nghề may ở quận Cái Răng và đan lục bình ở huyện Cờ Đỏ, Hội Phụ nữ các cấp còn phát triển nhiều mô hình nổi bật như: Tổ hợp tác gia công sản phẩm kết cườm xã Giai Xuân, huyện Phong Điền và phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt; xóm nghề cơm rượu của phụ nữ tôn giáo xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ; tổ hợp tác dệt chiếu phường Thường Thạnh, quận Cái Răng; tổ chằm nón xã Trường Thắng, huyện Thới Lai; Câu lạc bộ nghề kết cườm phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy,...

Mô hình nghề kết cườm ở phường Bùi Hữu Nghĩa phát triển khoảng 3 năm nay. Từ lớp dạy nghề kết cườm, nhiều chị em đam mê nghề cùng tham gia Câu lạc bộ (CLB) kết cườm để trau dồi tay nghề, tạo ra sản phẩm ngày càng đẹp, bắt mắt, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cô Trương Thị Tuyết, 58 tuổi, ngụ khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: "CLB không chỉ có thành viên trẻ, nhiều chị từ 50-60 tuổi cũng nhiệt tình tham gia. Thông qua các mối quan hệ bạn bè, người thân, các sản phẩm kết cườm của CLB được bán ra nước ngoài. Tuy thu nhập nghề kết cườm hàng tháng khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng/người, nhưng với những hội viên cao tuổi là khoản thu nhập khá, giúp trang trải nhiều khoản sinh hoạt phí trong ngày. Nghề còn giúp chị em giải khuây lúc rảnh rỗi". Còn với chị Kiều Oanh, ngụ khu vực 5, phường An Khánh, nhờ Hội Phụ nữ phường động viên tham gia học nghề trang điểm, rồi mở cửa tiệm làm đẹp nhỏ, nên có thu nhập ổn định, giúp chị nuôi con nhỏ sau khi hôn nhân đổ vỡ.

Theo bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, qua rà soát, quận có khoảng 57% phụ nữ trong độ tuổi lao động chưa có việc làm và thu nhập ổn định. Vì thế, việc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ luôn được Quận ủy, UBND quận quan tâm. 5 năm qua, quận Bình Thủy mở 38 lớp dạy nghề cho 1.207 học viên nữ, với trên 74% lao động sau học nghề có việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 14.166 lượt lao động nữ, hỗ trợ vay vốn tín chấp cho 192 phụ nữ số tiền gần 1,5 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2015, quận vận động xã hội hóa mở 2 lớp nghề se đan kết thảm cho 65 học viên nữ ở phường Thới An Đông và phường Long Tuyền, với 100% học viên được bao tiêu sản phẩm. Bà Phan Thị Nguyệt cho biết thêm, thời gian tới, quận sẽ chỉ đạo các đơn vị tập trung dạy nghề theo nhu cầu đơn vị sử dụng lao động, để nâng cao tỷ lệ giải quyết việc làm cho học viên.

Tại Hội nghị Tổng kết Đề án 295 giai đoạn 201-2015 tổ chức cuối tháng 8-2015, đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố ghi nhận và biểu dương tinh thần nỗ lực vượt khó của các cấp Hội Phụ nữ trong tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Quan tâm các sản phẩm do các cấp Hội Phụ nữ giới thiệu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng, với các sản phẩm đạt chất lượng tốt, Hội LHPN cần tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng khắp để thu hút và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị tiêu dùng tại thành phố, góp phần tạo việc làm bền vững, thu nhập ổn định cho hội viên.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69529

Hôm nay:
16
Tháng này:
66
Tổng lượt truy cập:
69529