Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc giảm đau được bán rộng rãi ở mọi nhà thuốc. Khi bị đau đầu, đau lưng... một số người dân tự ý mua thuốc giảm đau để trị bệnh cho mình. Để sử dụng thuốc giảm đau hợp lý, an toàn, dược sĩ Trần Thị Kim Thanh, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khuyến cáo:
Có hai nhóm giảm đau, gồm: giảm đau trung ương và giảm đau ngoại biên. Nhóm giảm đau trung ương thường là các loại thuốc gây nghiện bao gồm morphin và các dẫn xuất của nó có tác dụng giảm đau mạnh theo cơ chế trung ương. Khi sử dụng các thuốc này cần lưu ý thuốc tác dụng giảm đau do ức chế trung tâm đau ở não và ngăn cản đường dẫn truyền cảm giác đau từ tủy sống lên não. Do tác dụng giảm đau thường kèm theo tác dụng gây ngủ nên nhóm thuốc này cũng được gọi là thuốc giảm đau gây ngủ. Nhóm giảm đau ngoại biên thường không gây nghiện, gồm các loại thuốc chống viêm (aspirin, indomethacin, meloxicam,...) và thuốc giảm đau hạ nhiệt (paracetamol,...).
Khi sử dụng thuốc giảm đau cần chú ý đến cường độ và bản chất của đau. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên uống thuốc theo bậc thang giảm đau.
- Bậc 1 (đau nhẹ): dùng thuốc giảm đau không phải opioid như paracetamol, thuốc chống viêm không phải steroid. Dùng một trong các thuốc giảm đau thông dụng nhất là paracetamol, aspirin, ibuprofen... Việc chọn lựa tùy theo sự nhạy cảm của từng người, những chống chỉ định khác nhau và sự tương tác của chúng với những thuốc khác.
- Bậc 2 (đau vừa): phối hợp thuốc loại opioid yếu (codein, oxycodon) với paracetamol, thuốc giảm đau, chống viêm không steroid hoặc thuốc giảm đau hỗ trợ. Có thể dùng các thuốc giảm đau mạnh hơn như codein hoặc dextropropoxyphen.
- Bậc 3 (đau nặng): dùng thuốc giảm đau loại opioid mạnh: morphin, hydromorphon, methadon,... phối hợp với thuốc chống viêm không steriod. Thường gặp trong các trường hợp đau do ung thư, do bỏng nặng hoặc chấn thương nặng... thì phải dùng đến morphin và các dẫn chất của nó. Vì dễ gây ra hiện tượng quen thuốc, nghiện thuốc, chỉ sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc, dùng đúng liều lượng và đúng thời gian quy định.
Đau là một triệu chứng thường gặp ở người bệnh. Vì vậy, thuốc giảm đau thuộc loại dễ lạm dụng. Do đó, người bệnh cần lưu ý không nên tự ý sử dụng bừa bãi vì thuốc giảm đau chỉ có thể làm giảm triệu chứng đau tạm thời trong khi nguyên nhân gây ra đau nhức rất đa dạng. Khi bệnh không được điều trị dứt diểm thì cơn đau lại tiếp tục tái phát. Do đó, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian ngắn. Sau đó, nếu cơn đau vẫn tiếp tục thì bệnh nhân nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc giảm đau, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa; nghiện thuốc; huyết áp cao; tổn thương gan, thận;...
Đau là một hội chứng có nhiều căn nguyên khác nhau. Vì vậy, khi điều trị đau, cần cân nhắc để lựa chọn thuốc thích hợp. Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp vật lý khác. Các phương pháp vật lý tuy có tác dụng giảm đau không mạnh như thuốc, nhưng hầu như không có tác dụng phụ, độ an toàn cao, phù hợp cho những chứng đau mạn tính kéo dài, hay các bệnh nhân đã có tai biến do dùng thuốc giảm đau. Người ta có thể dùng nhiệt như chườm nóng hoặc chườm lạnh, dùng dòng điện, ánh sáng hoặc các biện pháp cơ học như xoa bóp, vận động,... để điều trị đau trong một số trường hợp. Điều trị đau bằng y học cổ truyền cũng mang lại hiệu quả cao và an toàn. Người bệnh có thể dùng các thuốc y học cổ truyền hoặc châm cứu cũng đem lại kết quả giảm đau tốt.
(Theo Báo Cần Thơ)