Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Hồng Thị Út, ấp Phụng Thạnh, xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh vẫn kiên trì những vòng xe nặng nhọc trên quốc lộ 80 (huyện Vĩnh Thạnh) để mua ve chai. Xe thì lớn mà dáng chị nhỏ nên có khi đầy hàng chẳng nhìn thấy chị đâu. Giới thiệu về chị Út, chị Trương Thị Bích Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạnh Tiến, nói: "Người ta vẫn gọi chị là Út già không phải chị già về sắc vóc mà già dặn về kinh nghiệm sống, nghị lực vượt khó. Em thấy chị ấy nhỏ người vậy chứ xách hồ, tô tường, đổ móng nhà… chị Út đều làm được hết".
Vừa đi bán vé số từ thị trấn Thạnh An trở về nhà, mồ hôi nhễ nhại trên mặt nhưng miệng chị Út cười thật tươi. Chị cho biết: "Cả tháng nay trời mưa dầm nên đi bán ế ẩm, thu nhập giảm lắm. Cũng may là tháng rồi con gái vừa tốt nghiệp đại học nên tui cũng nhẹ lo một phần…". Theo chị Út kể, trước đây, khi vợ chồng chị còn khỏe mạnh, chị làm thuê đủ thứ việc (làm cỏ, cắt lúa, bắt ốc…), chồng chị làm thợ hồ nên cuộc sống cũng tạm ổn. Năm 2010, chồng chị Út phát bệnh phổi, phải nằm dưỡng bệnh thời gian dài nên gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu. Những ngày chồng bệnh, chị Út theo mấy người bạn của chồng đi làm phụ hồ. Chị khuân gạch, vác xi măng, trộn hồ không thua kém phái mạnh. Vừa lao động vất vả để có tiền lo cho 2 con ăn học, vừa lo chạy thuốc thang, chăm sóc chồng bị bệnh kéo dài nên sức khỏe chị ngày càng giảm. Chồng mất khi con gái lớn của chị Út đang học đại học năm thứ hai, Ngành Quản trị Kinh doanh thương mại tại Trường Đại học Cần Thơ. Không đủ sức làm thợ hồ chị chuyển sang bán vé số kiếm tiền nuôi con. Chị tâm sự: "Tui mắc chứng đau thần kinh bả vai và đau cột sống. Cũng ráng lắm chứ nhiều khi đau chẳng làm được gì. Tuần rồi, bệnh đau bả vai của tui tái phát. Đến bệnh viện bác sĩ bảo ở lại để theo dõi. Tui chỉ dám nằm 4 ngày rồi trốn về đi bán vé số, mua ve chai. Nằm đó thì lấy tiền đâu nuôi con, đóng bạc góp…?".
Với trách nhiệm trụ cột trong gia đình, chị tự đặt ra cho mình thời gian làm việc thật khít khao. Mỗi ngày, chị Út dậy vào lúc 4g sáng, đạp xe quanh các xã, thị trấn, cố bán cho hết 60 tờ vé số rồi về ăn cơm lúc 12g. Đúng 13g, chị ra cửa hàng thu mua phế liệu gần nhà mượn chiếc xe ba gác đạp đi mua ve chai. Chị cật lực lao động với niềm tin hai đứa con của chị sẽ học hành thành đạt, có công ăn việc làm ổn định chứ không vất vả, bôn ba như chị. Chị cho biết: "Bán vé số mỗi ngày tiền lời được 60 ngàn đồng. Mua ve chai thì hên xui, lời nhiều thì 20 ngàn đồng nhưng có khi cả buổi chiều đạp xe đi kiếm mua ve chai muốn đứt hơi, nhưng bán lại cho vựa chỉ huề vốn…". Nhiều hôm chị Út cố gắng đạp xe đi xa, có khi qua tận huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang để mua được nhiều hàng. Cũng có khi đôi chân mỏi nhừ nhưng chị chỉ mua được vài chục vỏ chai nước suối, bán lời được vài ngàn đồng… Nhiều hôm đẩy xe ba gác vừa mệt, vừa đói nhưng chị Út chỉ dám ghé vào quán uống ly trà đá cho đỡ tốn tiền. Có khi mua được nhiều ve chai, chị đạp xe qua cầu không nổi, người và xe ngã chổng chơ... Chị nghẹn ngào: "Nhiều lúc một mình đạp xe dưới mưa tui tủi thân lắm. Nhưng cố gắng để đời hai đứa con tươi sáng hơn. Không có đất cho con nên tui phải cho chúng tri thức".
Có được đồng nào thì chị thu vén gởi lên cho cô con gái lớn. Chị tâm sự: "Nhiều khi ra bưu điện gởi có 100 ngàn đồng mà ngại với mấy cô nhân viên ở đó. Bởi bây giờ ít ai gởi tiền cho con ở mức đó nhưng biết làm sao bây giờ. Sức tui chỉ có vậy..." . Khi con cần tiền gấp thì chị đi vay bạc góp rồi trả từng ngày. Mấy năm qua, chị chưa bao giờ hết mắc nợ. Do gia cảnh khó khăn nên sau khi chồng chết, chị gởi con trai út về bên nội để con yên tâm đi học. "Đưa nó về ở với bà nội tui nhớ thương đứt từng đoạn ruột. Nhưng không dám để nó ở nhà, thấy cảnh khổ mà phân tâm, không học được. Năm nay, nó vào lớp 12 rồi. Cả hai chị em đều học giỏi nên tui rất tự hào. Bây giờ, tui ráng dành dụm tiền để nuôi tiếp thằng con trai…" - Chị Út trải lòng.
Nhà chị Út thuộc diện hộ nghèo, mấy năm nay, chỉ có một mình chị dốc sức lo hai con ăn học nên lại càng nghèo xác xơ hơn. Căn nhà chị ở trước đây chỉ một tác phẩm lắp ghép của ván vụn, bạt ni lông, manh bao… Khi trời mưa, nhà dột đến nỗi mấy mẹ con không có chỗ khô ráo để ngã lưng. Nhờ cần kiệm tích cóp và sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Tiến, năm 2010, chị cất được một căn nhà tương đối vững chãi. Chị kể: "Nhà nghèo nên dành dụm được chút tiền là tui mua thùng gạch men, trăm gạch ống để dành. Cất được căn nhà trên 30 triệu đồng và nuôi được đứa con học đại học là thành quả lớn nhất của đời tui đó chú". Căn nhà của chị Út ai nhìn thấy cũng thương. Diện tích nhà tuy nhỏ nhưng gạch lót nền đủ màu. Chị nói: "Gạch lót nền nhà cũng như đời tui vậy, không đâu ra đâu. Hễ nghề này buông ra tui lại bắt nghề kia để kiếm tiền mưu sinh. Giờ tui chỉ mong con gái sớm xin được việc làm và thằng con trai sang năm vào được đại học. Cực nhọc còn nhiều nhưng tui thấy chân mình vẫn chưa mỏi… ".
Theo Báo Cần Thơ
|