Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo cả nước năm 2014, các địa phương tập trung triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự tiếp sức của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Với quyết tâm và nỗ lực cao, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%). Năm 2015, các địa phương dồn sức thực hiện công tác và chuẩn bị các bước xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đảm bảo tính sát thực, căn cơ…
Thụ hưởng đầy đủ chính sách:
Năm 2014, các chính sách giảm nghèo tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ hiệu quả hộ nghèo. Ngân sách bố trí khoảng 12.822 tỉ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh, sinh viên; trên 7.085 tỉ đồng miễn giảm học phí học sinh nghèo, trợ cấp học bổng học sinh dân tộc thiểu số; trên 2 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn; khoảng 200 tỉ đồng hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Cả nước có khoảng 60 ngàn lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm; bố trí 60 tỉ đồng cho chương trình xuất khẩu lao động; trên 530 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; có 935.612 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, với doanh số 20.122.305 triệu đồng; 61.500 lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn, với doanh số 3.410 triệu đồng. Trong năm, gần 20.000 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí; trên 1,7 triệu hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện, kinh phí trên 700 tỉ đồng. Theo đại diện tỉnh Trà Vinh, nhờ người nghèo được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo nên trong năm, toàn tỉnh có trên 8.400 hộ thoát nghèo. Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh tập trung xây dựng đề án giảm nghèo bền vững, phân công cụ thể từng thành viên quan tâm tuyên truyền, theo dõi, hướng dẫn người nghèo cách thức sản xuất, làm ăn…
Các địa phương chú trọng trang bị nghề, tạo việc làm cho lao động nghèo, cận nghèo (Trong ảnh: Mô hình dạy nghề, tạo việc làm ở phường Thới Long, quận Ô Môn).
Năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo cả nước khoảng 34,7 ngàn tỉ đồng. Quỹ vì người nghèo các cấp vận động 877,6 tỉ đồng; từ chương trình an sinh xã hội 2.960 tỉ đồng. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%).
Giảm nghèo nhưng chưa bền vững
Tại hội nghị trực tuyến, các đại biểu đồng tình và thống nhất cao với kết quả giảm nghèo cả nước, thể hiện quyết tâm thoát nghèo. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa thu hẹp. Mặc dù tỷ lệ nghèo giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi còn trên 50%, cá biệt trên 60-70%. Các địa phương chưa khai thác, huy động nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy nội lực trong dân và người nghèo; quan điểm trông chờ, ỷ lại nguồn vốn ngân sách tồn tại ở một số địa phương và người nghèo. Kinh tế suy thoái, hoạt động kinh doanh khó khăn, hạn chế việc huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo ở các doanh nghiệp. Mặt khác, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức giảm nghèo tuy được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa thật sự hiệu quả, các hình thức truyền thông mới đối thoại chính sách, truyền thông qua cộng đồng chưa được nhân rộng… Theo đại biểu một số địa phương, tình trạng trông chờ các chính sách trợ giúp, không muốn thoát nghèo và thiếu ý chí vươn lên tồn tại ở một bộ phận người nghèo, làm hạn chế tiến độ và hiệu quả giảm nghèo bền vững. Đồng thời các chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn, tiêu thụ sản phẩm và giá cả chưa thể hiện rõ tính liên kết, đồng bộ.
Đại biểu các tỉnh, thành còn đề cập khó khăn và nguyên nhân giảm nghèo chưa bền vững, hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Hệ thống chính sách giảm nghèo ban hành, điều chỉnh, bổ sung qua các năm nên không tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp. Mặt khác, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong giảm nghèo tuy được cải thiện nhưng còn thiếu sự gắn kết, nhất là việc hoạch định, xây dựng chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Một nguyên nhân được nhiều đại diện tỉnh, thành đề cập là đa số người nghèo còn ỷ lại, trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, dần trở nên thụ động trong nhận thức và hành động, thiếu ý chí phấn đấu vượt khó, không muốn thoát nghèo. Xuất phát từ thực trạng này, các đại biểu đề xuất Chính phủ rà soát các chính sách hỗ trợ, tập trung mạnh cho vay vốn theo nhu cầu người nghèo, cận nghèo để đầu tư mô hình sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thoát nghèo bền vững.
Để thoát nghèo căn cơ
Năm 2015, các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo; rà soát, sửa đổi chính sách giảm nghèo nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và hướng tới thoát nghèo bền vững. Mục tiêu phấn đấu là: Giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; thông tin; bảo hiểm, trợ giúp xã hội. Bên cạnh đó củng cố, tăng cường cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, giúp nhóm hộ nghèo tăng 2 lần thu nhập so với năm 2014. Qua đó, Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chính sách về giảm nghèo, các bộ, ngành cần chủ động, sớm trình ban hành các văn bản sửa đổi, tích hợp chính sách giảm nghèo trong quý I-2015 theo nguyên tắc tiếp tục ưu tiên chính sách, nguồn lực vùng có tỷ lệ nghèo cao; hướng đến hỗ trợ thông qua cộng đồng để nhiều người nghèo hưởng lợi, tạo sự lan tỏa, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, khuyến khích sự chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không; mạnh dạn đề xuất bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp. Tổ chức chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều với Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều (áp dụng giai đoạn 2016-2020). Trước mắt dự kiến 5 chiều: y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (gồm nước sinh hoạt và vệ sinh), tiếp cận thông tin.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, các bộ, ngành liên quan tiến hành các công việc như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các tiêu chí (chuẩn nghèo, chuẩn mức sống tổi thiểu); xây dựng phương án, công cụ hướng dẫn điều tra, xác định đối tượng nghèo đa chiều; tổ chức tập huấn các địa phương điều tra, xác định các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều, tổng hợp và báo Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo; biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình giảm nghèo hiệu quả cũng như mạnh dạn phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.
Theo Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG