Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Tài liệu sinh hoạt hội viên quý 1/2015

12:14 - 03/02/2015

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 về "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền,vận động phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam xây dựng tài liệu sử dụng trong sinh hoạt hội viên với một số nội dung vềbảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia.

Câu hỏi 1. Biển Đông có vai trò như thế nào đối với Việt Nam và thế giới?

Trả lời:

Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km, là một trong những biển lớn nhất trên thế giới với 90% chu vi được bao bọc bởi đất liền, được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới và là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch. Có 9 nước tiếp giáp với Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Bru-nây, Ma-lai-xia, Sing-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan.

Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu – Châu Á, Trung Đông - Châu Á và là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó đi qua Biển Đông. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.

Nước ta giáp với Biển Đông ở ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nằm ở trung tâm Biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền... phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.

Câu hỏi 2. Việt Nam đã thực hiện chủ quyền như thế nào đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Trả lời:

Từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, đã tiến hành chiếm hữu và thực thi liên tục chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việt Nam là nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình.

Suốt từ thời chúa Nguyễn, trải qua thời Tây Sơn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước của các triểu đại phong kiến Việt Nam ghi nhận, như: châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp hiện đang được lưu trữ tại các Cơ quan lưu trữ nhà nước.

Ngoài ra, còn có những chứng cứ lịch sử hết sức quan trọng chứng minh nhà nước phong kiến Việt Namđã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi), lúc là phủ khi là trấn: “Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Trong giai đoạn Pháp thuộc, theo Hiệp ước Pa-tơ-nốt năm 1884, Chính quyền thuộc địa Pháp đã tiến hành các hoạt động đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong việc tiếp tục bảo vệ, quản lý và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã công nhận Việt Nam là một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam - Bắc Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Tháng 4 năm 1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam, sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Từ 17 đến 20 tháng 01 năm 1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh quần đảo Hoàng Sa. Ngày 01 tháng 02 năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tăng cường lực lượng đóng giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình Trung Quốc tăng cường sức mạnh tiến hành xâm chiếm lãnh thổ.

Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 05 tháng 6 năm 1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 02 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước ViệtNam thống nhất đã quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 09 tháng 12 năm 1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội khóa 7 nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).

Ngày 11 tháng 12 năm 1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là TP Đà Nẵng).

Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với vùng biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý về vấn đề này.

Hiện nay, Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Câu hỏi 3: Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về chủ quyền, biên giới quốc gia như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 1, Luật Biên giới quốc gia quy định “Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Biên giới quốc gia có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, vì vậy trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân là phải bảo vệ biên giới quốc gia. Để bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các quan điểm như sau:

Thứ nhất, xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam. Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ gìn và bảo vệ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Thứ ba, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.

Thứ tư, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt.

Riêng đối với việc giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông: Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam - Trung Quốc (cửa Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian, hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng của của các bên ở biển Đông (DOC); nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Câu hỏi 4: Hội LHPN Việt Nam tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia như thế nào?

Trả lời

Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, an ninh biên giới quốc gia. Cụ thể:

- Hội ký kết các Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN Việt Namvới Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng Quân chủng Hải quân nhằm tăng cường sự phối hợp trong vận động hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng và phát triển kinh tế, giữ gìn ổn định trật tự, an ninh xã hội vùng biên giới, hải đảo; , góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc.

- Các cấp Hội đã tăng cường hoạt động tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vận động phụ nữ cả nước làm tốt công tác hậu phương – quân đội, chăm sóc con em, người thân các gia đình cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của quốc gia; quyên góp, ủng hộ các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vận động phụ nữ cùng gia đình thể hiện lòng yêu nước đúng pháp luật.

- Hội LHPN các địa phương giáp biên đã chủ động phối hợp với bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang địa phương tích cực vận động phụ nữ và nhân dân có ý thức trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, chống xâm canh, xâm cư, buôn lậu qua biên giới; vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các Nghị định, Hiệp định về biên giới, tích cực tham gia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các tổ chức phụ nữ ở các tỉnh, huyện và xã có chung đường biên để tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh đường biên; giữ gìn cột mốc biên giới; phối hợp phòng chống ma tuý, HIV/AIDS, mua bán người, môi giới hôn nhân bất hợp pháp, tăng cường quản lý người đi qua biên giới. Hiện nay đã có 18/26 tỉnh/thành Hội LHPN các địa phương có biên giới đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp hoạt động với phụ nữ các tỉnh giáp biên của Lào, Campuchia, và Trung Quốc.

Câu hỏi 5. Hội viên, phụ nữ cần làm gì để tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia?

Trả lời: Để chủ động và tích cực bảo về chủ quyền biển, đảo và an ninh biên giới quốc gia, hội viên, phụ nữ cần:

▪Tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an nhinh biên giới quốc gia; vận động người thân trong gia đình, mọi người trong cộng đồng chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

▪Tích cực tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, biên giới và đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

▪Hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động tại cộng đồng như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Không nghe theo sự kích động của bọn phản động và tham gia các hoạt động chống phá Nhà nước.

▪Thăm hỏi, động viên gia đình người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sỹ biên giới và hải đảo; ủng hộ xây dựng "mái ấm tình thương"; "mái ấm chiến sỹ“,...

▪Vận động con em, người thân lên đường nhập ngũ, tuyển sinh quân sự; huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; tham gia diễn tập chiến đấu, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc.

Ngoài những việc trên, những chị em phụ nữ sống tại các vùng giáp biên, vùng biển và hải đảo cần:

▪Bản thân thực hiện và vận động người thân trong gia đình tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đường biên mốc giới, không vượt biên trái phép, không tham gia vận chuyển hàng trái pháp luật qua biên giới, không đánh bắt có tính chất huỷ diệt nguồn lợi thuỷ, hải sản, phá hoại môi trường sinh thái biển.

▪Tích cực phát hiện và cung cấp tin tức cho các cơ quan chức năng về hoạt động vượt biên trái phép, vi phạm chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ, xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới.

▪Tích cực lao động, sản xuất và phát triển kinh tế và giúp những phụ nữ và gia đình khác trong địa bản phát triển kinh tế để góp phần bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự và phát triển kinh tế biển.

Động viên người thân trong gia đình vươn khơi bám biển, vừa làm kinh tế cho gia đình, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền lãnh thổ quốc gia./.

 


 

[1] Cán bộ Hội phụ nữ các cấp có thể tham khảo thêm tài liệu “100 câu hỏi – đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - 2013) để có thêm thông tin về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam; các vấn đề liên quan đến quyền và bảo vệ các quyền của Việt Nam trong Biển Đông; và xây dựng và phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo Việt Nam

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68335

Hôm nay:
27
Tháng này:
810
Tổng lượt truy cập:
68335