Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Sinh mổ lấy thai: Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

07:25 - 24/08/2015

Cứ 10 sản phụ thì có 6 sản phụ mổ lấy thai. Đó là kết quả thống kê của BV Phụ sản thành phố 6 tháng đầu năm 2015 về tình hình mổ lấy thai tại BV. Nhiều người cho rằng, mổ lấy thai là giải pháp an toàn, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, mổ lấy thai có thể cứu được tính mạng mẹ và thai nhi trong một số trường hợp cấp cứu nhưng không phải là biện pháp an toàn tuyệt đối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

* Xu hướng mổ lấy thai

Mang thai con đầu lòng, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Trang (28 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) háo hức mong chờ ngày con chào đời. Qua tìm hiểu sách báo, chị Trang mong muốn có thể sinh con theo cách tự nhiên; tuy nhiên, mẹ chồng chị lại thiết tha nài nỉ bác sĩ cho cháu nội "chui ngang hông", để… thông minh.

Sinh nở là hiện tượng sinh lý bình thường, đa số trường hợp được thực hiện qua ngã âm đạo. Tuy nhiên, khi có những trở ngại lúc chuyển dạ, để đảm bảo mẹ tròn con vuông, bác sĩ phải dùng đến phương pháp mổ lấy thai. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mổ lấy thai tốt nhất dưới 15% để hạn chế xảy ra tai biến cho mẹ và con. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng cao hơn so với khuyến cáo. Ở các nước phát triển, những năm gần đây, tỷ lệ mổ lấy thai từ 30% trở lên. Tại châu Á, tình trạng mổ lấy thai không cần thiết tăng cao đến mức báo động, trong đó Trung Quốc có 25% trường hợp mổ lấy thai không vì lý do y khoa. Ở Việt Nam, mổ lấy thai ngày càng được chỉ định rộng rãi. Tại TP Cần Thơ, tỷ lệ mổ lấy thai 6 tháng đầu năm 2015 khoảng 48%, trong đó BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ gần 67%; BV Đại học Y dược Cần Thơ là 70%. Riêng BV Phụ sản TP Cần Thơ, khoảng 5.700 trường hợp sản phụ nhập viện, trên 3.500 trường hợp được chỉ định mổ lấy thai, chiếm tỷ lệ trên 61% (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014).

Chỉ định mổ lấy thai gồm các nguyên nhân do mẹ, do thai, do phần phụ của thai, theo yêu cầu của sản phụ và gia đình hoặc một số nguyên nhân khác. Theo thống kê tại BV Phụ sản TP Cần Thơ, 3 nguyên nhân chính dẫn đến chỉ định mổ lấy thai cao là nguyên nhân suy thai cấp (trên 1.100 ca), đau vết mổ cũ (trên 750 ca) và chuyển dạ ngưng tiến triển (trên 500 ca). Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mổ lấy thai cao do BV chuyên khoa nên số lượng bệnh nhân từ các tỉnh, khu vực lân cận đến khám, điều trị ngày càng nhiều, nhiều bệnh chuyển tuyến nặng, phức tạp (như nhau tiền đạo, tiền sản giật nặng, vết mổ cũ, thai kỳ kèm bệnh lý như cường giáp…). Ngoài ra, về mặt chủ quan, thầy thuốc phải chịu nhiều áp lực chi phối từ thai phụ và thân nhân với mong muốn duy nhất "mẹ tròn con vuông". Chỉ cần bất kỳ phán đoán, quyết định sai lầm nào từ thầy thuốc cũng dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề, không thể cứu vãn. Trong thực tế, dù bác sĩ giải thích, tư vấn rất kỹ nhưng sản phụ và gia đình vẫn nhất quyết cam kết mổ lấy thai.

* Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Nhiều người lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối nhưng thực tế cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (hay còn gọi là tử vong con trong vòng một tháng sau sinh) ở các trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với các trường hợp sinh thường. Ngoài ra, sẹo trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nhất là khoảng cách giữa hai lần mang thai quá gần. Bên cạnh đó, những tai biến xa thường gặp của sinh mổ là bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột. So với sinh thường, thời gian nằm viện của các sản phụ mổ lấy thai kéo dài, tốn kém và đau đớn hơn, ảnh hưởng sự chăm sóc con những ngày đầu đời. Về phía con, thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê, tổn thương trong khi phẫu thuật, hít phải nước ối. Trẻ sơ sinh nguy cơ suy hô hấp nặng và đe dọa tính mạng do sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ, nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai gần đủ tháng (khoảng 37 tuần). Ngoài ra, trẻ sinh mổ dễ bị suy giảm miễn dịch do phải mất 6 tháng mới có hệ vi khuẩn đường ruột như trẻ sinh thường. 6 tháng đầu năm, BV Phụ sản thành phố ghi nhận 46 trường hợp tai biến trong sinh mổ, chiếm tỷ lệ 1,3% gồm: nhiễm trùng vết mổ cũ và ứ dịch vết mổ; tổn thương cơ quan lân cận; chảy máu do nhau tiền đạo, đờ tử cung,… phải truyền máu; cắt tử cung do đờ tử cung/chảy máu.

Trước thực trạng đó, để tránh mổ lấy thai tùy tiện, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng tương lai sản khoa của sản phụ sau này, BV Phụ sản thành phố đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ mổ lấy thai. Theo đó, về phía cán bộ y tế, khi phân vân lựa chọn theo dõi sinh ngã âm đạo hay mổ lấy thai, bác sĩ cần tư vấn rõ ràng với sản phụ và gia đình những nguy cơ có thể có khi theo dõi sinh và mổ lấy thai. Bên cạnh đó, thường xuyên bình bệnh án chỉ định mổ lấy thai để nâng cao chuyên môn, giúp bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp cũng như chăm sóc tốt bệnh nhân sau mổ để hạn chế tai biến nhiễm trùng vết mổ.

Theo bác sĩ CKII Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của BV Phụ sản thành phố, tỷ lệ mổ lấy thai ở các BV trong thành phố nói chung, BV Phụ sản thành phố nói riêng khá cao. BV cần đánh giá thực trạng để điều chỉnh chỉ định mổ lấy thai hợp lý. Ban Giám đốc BV cần quan tâm, tăng cường hình thức tuân thủ sinh tự nhiên, kết hợp giảm đau trong chuyển dạ, đang là xu hướng hiện nay. Đây là một trong những kỹ thuật BV Phụ sản thành phố triển khai thực hiện hiệu quả thời gian qua.

Bài, ảnh: T. Sương

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67419

Hôm nay:
30
Tháng này:
878
Tổng lượt truy cập:
67419