Không chỉ làm tốt vai trò người con, người vợ, người mẹ trong gia đình, những phụ nữ chúng tôi gặp rất năng động, sáng tạo trong công tác Hội và hết lòng tham gia hoạt động từ thiện xã hội, hỗ trợ khoa học kỹ thuật. Qua đó góp phần giúp hội viên, phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình…
Cô Dương Thị Nhịn (62 tuổi, ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện luôn nhiệt tình, tâm huyết với phong trào phụ nữ cơ sở. Là giáo lý viên Trung ương Phật giáo Hòa Hảo (PGHH), cô Nhịn thường xuyên lồng ghép các buổi thuyết giảng đạo và đời, các quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước và PGHH vào các buổi họp tổ, nhóm của phụ nữ địa phương. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, phụ nữ, từ đó thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia vào Hội. Cô Nhịn luôn gần gũi, đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, từng bước tháo gỡ khó khăn. Hằng năm, cô vận động các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn thực hiện xã hội hóa chăm lo hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, gồm: quần áo, tập sách; xây dựng mái ấm tình thương… trị giá trên 100 triệu đồng. Trong 2 tháng (11 và 12-2015), cô Nhịn vận động nhà hảo tâm xây dựng mái ấm tình thương cho 2 hộ nghèo, ở xã nhà và phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt). Mỗi căn nhà trị giá 12 triệu đồng, trong đó cô Nhịn hỗ trợ 7 triệu đồng.
Trước đây, cuộc sống gia đình cô Nhịn rất khó khăn, không đất sản xuất, quanh năm cha mẹ cô vất vả làm thuê, nuôi dạy 5 chị em cô nên người. Khi lớn lên, chị em cô chăm chỉ làm ăn, phụ giúp cha mẹ trang trải chi tiêu gia đình. Cô Nhịn nói: "Nếu quanh năm làm thuê chỉ đủ lo cái ăn hằng ngày, khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn nghèo túng. Thế là, chị em tôi bàn bạc, cố 5 công đất ruộng để trồng lúa 3 vụ, trên bờ trồng hoa màu để lấy ngắn nuôi dài và tích lũy dần. Hiện nay, chị em tôi sở hữu 23 công đất ruộng và cố thêm 8 công đất trồng lúa 3 vụ/năm; nhà cửa xây dựng khang trang và mới mua chiếc xe 7 chỗ để cho thuê, kiếm thêm thu nhập". Cô Nhịn còn "sáng kiến" mua máy xay đậu nành làm tàu hủ, mở cơ sở nấu nước tương đóng chai, bán lẻ tại chỗ. Sau khi kinh tế gia đình ổn định, chị em cô không làm ruộng nữa mà cho thuê đất (100 triệu đồng/năm), để tập trung đầu tư cơ sở bán nước tương và tàu hủ.
Mặc dù bận nhiều việc gia đình, chăm sóc cha già 91 tuổi nhưng cô Nhịn vẫn sắp xếp việc nhà, tích cực tham các tốt công tác Hội và phong trào phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là các hoạt động từ thiện xã hội, chăm lo hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung An, cho biết: "Thời gian qua, cô Nhịn tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền làm đường, lắp đèn chiếu sáng giao thông nông thôn, xây dựng mái ấm tình thương, duy trì hỗ trợ 100 kg gạo hằng năm cho hội viên phụ nữ nghèo trong xã… Mới đây, trước Tết Nguyên đán Bính Thân, cô Nhịn đóng góp 130 triệu đồng để xây dựng Chùa Giáo Hòa Tự trong xã".
Cùng hoàn cảnh như cô Nhịn, cuộc sống gia đình chị Trần Thị Mãnh (ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền) gặp không ít khó khăn. Thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, vợ chồng chị Mãnh phải đi làm thuê, nuôi 2 con ăn học. Lúc mới ra riêng, gia đình chồng cho cất nhà ở tạm và 3 công đất sản xuất. Do không có vốn, chưa được trang bị kiến thức nuôi trồng, nên vợ chồng chị làm lụng quanh năm vẫn không đủ ăn. Năm 2007, chị Mãnh tham gia sinh hoạt Hội LHPN ấp Trường Hòa, được vay vốn tiết kiệm (không lãi) và vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), giúp phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tham dự các lớp tập huấn nâng cao kiến thức công tác Hội và phong trào phụ nữ; kỹ năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, cây trồng vật nuôi và cách tích lũy, chi tiêu hằng ngày… Nhờ nguồn vốn vay và kiến thức nuôi trồng, vợ chồng chị Mãnh đầu tư xây dựng mô hình vườn ao chuồng, dưới ruộng trồng lúa 3 vụ, trên bờ trồng hoa màu, đồng thời chăn nuôi heo thịt… Chị Mãnh cho biết: "Nhờ biết tính toán làm ăn, chi tiêu đúng chỗ nên đồng vốn nâng dần qua từng năm. Vợ chồng tôi lên bờ 3 công đất ruộng để chuyển sang trồng cây có múi và trồng xen canh bầu, bí, dưa leo, ổi lê… để lấy ngắn nuôi dài". Năm 2013, chị Mãnh tham gia Câu lạc bộ "Trồng chanh không hạt ấp Trường Hòa", được hỗ trợ cây giống. Lúc chanh còn nhỏ, chị Mãnh trồng xen canh rau màu; buổi trưa và tối tranh thủ làm bầu lá chuối bán cho các cơ sở ương cây giống ở xã. Đồng thời tận dụng đất sau nhà làm chuồng nuôi heo thịt… Trung bình mỗi năm, gia đình chị Mãnh thu nhập trên 30 triệu đồng từ tiền vườn, rẫy (chưa kể thu nhập từ chăn nuôi heo và làm bầu), xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm vật dụng trong gia đình. Hiện nay, hai người con gái của chị Mãnh có nghề nghiệp ổn định ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Hậu Giang. Sắp tới, vợ chồng chị Mãnh dự định mở rộng quy mô sản xuất trồng xen canh cam mật với chanh không hạt để kiếm thêm thu nhập.
Bà Phạm Thị Bé Năm, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Long, cho biết: "Vợ chồng chị Mãnh chí thú làm ăn, biết chi tiêu tiết kiệm nên "tích tiểu thành đa". Được hỗ trợ vốn ưu đãi, nhất là chương trình trợ giá 60% cây giống, chị Mãnh trồng 329 gốc chanh không hạt và kết hợp xen canh lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, thu nhập gia đình ổn định, chị Mãnh là một trong 5 hộ tham gia mô hình trồng chanh không hạt ấp Trường Hòa thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên khấm khá…
Bài, ảnh: Xuân Đào
Nguồn: Báo Cần Thơ