Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Phụ nữ phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt sống khỏe với nghề đan lưới

18:36 - 29/09/2015

Theo những chủ tiệm lưới ở Thơm Rơm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt), nghề đan lưới có nguồn gốc từ tỉnh Thừa Thiên - Huế, được cha truyền con nối đến nay trên 35 năm, là cơ sở mưu sinh, lập nghiệp trên mảnh đất miền Tây. 

 Nắm bắt sự phát triển xóm nghề đan lưới, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Tân Hưng thành lập Câu lạc bộ đan lưới, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm chị em, qua đó dần nâng cao vai trò, vị trí các chị trong gia đình và đời sống xã hội.

Những ngày giữa tháng 8 âm lịch, khi mùa nước nổi bắt đầu ngấp nghé những cánh đồng thì xóm đan lưới Thơm Rơm cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Chạy dọc con đường bê tông dẫn vào khu vực Tân Lợi và Tân Lợi 1, người đi đường rất dễ gặp hình ảnh các chị, các cô tất bật với công việc bắt hom, may thân lú hay buộc phao lưới. Theo bà Hà Thị Xoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Hưng, trước đây, các tiệm lưới chủ yếu tận dụng nhân công gia đình, vì thế đa phần phụ nữ ở phường sống chủ yếu nhờ nghề làm thuê, thu nhập bấp bênh và không tận dụng được thời gian nhàn rỗi. Hơn 3 năm trước, nắm bắt sự phát triển của các cơ sở kinh doanh lưới, ngư cụ trên địa bàn, Hội LHPN phường thành lập Câu lạc bộ đan lưới, giúp giới thiệu hội viên vào làm ở các cơ sở và nhận hàng về gia công tại nhà. Từ 1 câu lạc bộ ban đầu với trên 30 thành viên, đến nay mô hình nhân rộng 4 câu lạc bộ ở 4 khu vực, thu hút khoảng 140 thành viên. Đặc biệt, nhiều hội viên nhận hàng gia công, tạo việc làm cho 4-5 người trong gia đình.

Đến nhà chị Nguyễn Kim Thương, ngụ khu vực Tân Lợi 1, khi chị vừa hoàn tất việc nhà, chuẩn bị may thân lú. Trước đây, chị Thương từng làm thuê tại xưởng sản xuất ngư cụ của tiệm lưới tại phường. Hơn năm rưỡi nay, nhờ tích lũy kinh nghiệm và may đều tay, chị Thương nhận hàng về nhà gia công. Chị phấn khởi cho biết: "Xóm lưới vào mùa từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch. Thời gian này, ngoài quán xuyến việc nhà, mỗi ngày, tôi có thể kiếm 180.000 đồng từ việc gia công lú". Theo chị Thương, ngoài nghề gia công lú tại nhà, chị còn tranh thủ thời gian chăn nuôi 7 con dê thịt, kiếm thêm thu nhập. Vì thế, nghề đan lưới trở thành "nghề tay mặt" của gia đình chị Thương.

Xóm đan lưới Thơm Rơm có khoảng 33 hộ chuyên sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, mỗi hộ thường thuê từ 20-30 lao động, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả không chỉ cho lao động tại địa phương mà còn thu hút lao động các quận, huyện lân cận như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ. Chúng tôi đến xưởng sản xuất lú của tiệm lưới Tiến Trung, thuộc khu vực Tân Lợi 1 vào xế chiều nhưng không khí làm việc vẫn khẩn trương, hối hả. Gian trước, các anh thợ khỏe mạnh phụ trách làm khung lú, còn gian sau, hơn chục chị em chia khâu bắt hom và may thân lú. Những chiếc ghế đẩu có gắn bánh xe trượt liên tục theo bàn tay thoăn thoắt của các chị. Chị Bùi Thị Kim Khoa, ngụ khu vực Tân Lợi 1, có hơn 3 năm làm thuê ở xưởng. Mỗi ngày, chị Khoa buộc thân lú, kiếm trên 100.000 đồng. Chị Khoa cho biết, chị lựa chọn công việc này vì không quá nặng nhọc và không đòi hỏi trình độ học vấn, chỉ cần nhanh tay, tỉ mỉ. Nhờ ưu điểm này mà nghề làm lú, làm lưới ở Thơm Rơm thu hút nhiều lao động lớn tuổi. Cũng với mức thu nhập này, chị Trần Thị Điểm, ở phường Thới An, quận Ô Môn rất hài lòng vì có thể tự cân đối chi tiêu cho bản thân và phụ chồng chăm sóc con. Em Trần Thị Ngọc Trân, ngụ khu vực Tân Quới dù mới 19 tuổi nhưng có thâm niên 9 năm làm nghề lưới và em gái Trân đang học lớp 8 cũng tranh thủ thời gian rảnh cùng làm ở tiệm lưới Hữu Tý. Tay cầm con thoi đưa nhanh, thoăn thoắt buộc từng nút phao vào lưới chắc chắn, gọn đẹp và đúng kỹ thuật, Trân cho biết, với tiền công nhật từ 90.000 -120.000 đồng, Trân có thể phụ giúp cha mẹ trang trải chi tiêu. Để tiết kiệm thời gian, mỗi ngày, sau giờ làm ở tiệm, Trân đem những con thoi về nhà vô dây gân trước, sáng mai có sẵn để buộc. Nhà không ruộng đất, quanh năm làm thuê kiếm sống và hiện nay, chị em Ngọc Trân cùng mẹ gắn bó với nghề buộc lưới, từng bước cải thiện cuộc sống.

Không khí làm việc nhộn nhịp, tiệm lưới Hữu Tý có gần 20 nhân công đang miệt mài lao động. Các anh phụ trách dập chì, còn các chị luồn tay lưới, buộc phao. Vừa quan sát nhân công, bán hàng, chị Nguyễn Thị Ngọc Thuận, chủ cơ sở còn liền tay nhận và giao hàng các chị mang về gia công tại nhà. Theo chị Thuận, các mặt hàng ngư cụ của cơ sở được khách hàng khắp các tỉnh ĐBSCL tin tưởng, chọn mua sử dụng. Nhờ vậy, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động, trong đó đa số là phụ nữ.

Mỗi mùa nước nổi, xóm lưới Thơm Rơm cung ứng dụng cụ đánh bắt cho bao gia đình sống nhờ nghề ngư nghiệp, qua đó mỗi hộ hay mỗi chị em làm nghề đan lưới có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống. Mùa nước nổi đang về, hy vọng sẽ hạn chế thiệt hại nhưng mang lại nhiều sản vật thiên nhiên, để ngư dân và những người làm nghề đan lưới Thơm Rơm được mùa bội thu.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69521

Hôm nay:
8
Tháng này:
58
Tổng lượt truy cập:
69521