Hiện phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng (tiếp giáp với nội ô TP Cần Thơ) có nhiều dự án xây dựng đang triển khai, hứa hẹn hình thành diện mạo đô thị mới. Điều đó cũng là thách thức cho công tác chỉnh trang, xây dựng nếp sống văn minh của phường. Góp sức cùng địa phương, phụ nữ Hưng Thạnh có nhiều mô hình, cách làm thiết thực để hình thành nếp văn minh dù công trường khắp nơi.
Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Cái Răng phối hợp với ngành môi trường quận ra mắt mô hình "Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường" từ tổ 1 đến tổ 5, khu vực 6, phường Hưng Thạnh (cặp bờ kè sông Cần Thơ) với khoảng 160 hộ tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 2 thùng nhựa để phân loại rác tiêu hủy và rác tái chế. Những chai lọ được thu gom bán ve chai, rác thiêu hủy và rác hữu cơ như vỏ trái cây, rau củ thì chôn lấp… Tiền bán ve chai được các chị góp lại để gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở địa phương. Mô hình này ra mắt, ai cũng phấn khởi với suy nghĩ: Bảo vệ môi trường trước hết là giữ sạch đẹp cho gia đình, đường sá của mình. Lợi ích trước mắt là bảo vệ sức khỏe cả nhà. Bà Trần Ngọc Sáng, Chủ tịch Hội LHPN phường Hưng Thạnh, cho biết, thật ra, phường đã có mô hình "Hội viên phụ nữ tham gia thu gom rác", triển khai từ cuối năm 2012 nhưng do một phần khu vực 6 đang thi công bờ kè sông Cần Thơ, xe rác không vào thu gom được nên mới ra mắt mô hình phân loại rác.
Nói về mô hình thu gom rác, bà Sáng thông tin thêm, hiện có khoảng 2.500 hộ của 6/6 khu vực tham gia với 6 xe rác thực hiện lấy rác đúng giờ. "Địa bàn có nhiều sông rạch, người dân còn thói quen quăng rác xuống dòng nước, bãi đất trống hoặc bỏ rác theo kiểu "tiện tay" nên chúng tôi đã nảy ra ý tưởng thành lập mô hình này"- bà Sáng giải thích. Mỗi người tham gia mô hình góp 15.000 đồng/tháng để hỗ trợ nhân viên thu gom. Ban đầu thực hiện, Hội LHPN phường gặp khó khăn do bà con còn ý nghĩ "không tốn tiền thì rác vẫn ra khỏi nhà". Nhờ vận động, thuyết phục "mưa dầm thấm lâu", bà con dần ủng hộ. Thành công nhất của mô hình là đã làm chuyển biến suy nghĩ và hành động hầu hết hộ dân trong toàn phường về xử lý rác thải. Bà Hồ Thanh Thúy, khu vực 3, phường Hưng Thạnh, nói: "Gia đình tôi buôn bán thức ăn, nước uống nên rác thải nhiều, không có xe rác thì không biết xử lý ra sao. Mô hình thu gom rác này rất cần thiết. Mỗi người góp chút ít mà đổi lại môi trường sạch đẹp".
Xe gom rác ở khu vực 3, phường Hưng Thạnh
Đầu năm 2015, Hội LHPN phường còn thực hiện mô hình "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông", đến nay đã được chị em toàn phường ủng hộ. Mô hình ra đời từ thực tế bọc ni lông là loại rác thải khó phân hủy, gây tác hại lâu dài cho môi trường. Dù chưa thể ngay lập tức thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông của bà con nhưng cuộc vận động đã có sức ảnh hưởng nhất định đến chị em phụ nữ và các hộ gia đình ở Hưng Thạnh khi số người dùng giỏ đi chợ, người buôn bán chuyển sang dùng những túi đựng bằng các vật liệu dễ tiêu hủy ngày càng nhiều hơn.
Ngoài ra, phụ nữ Hưng Thạnh còn có nhiều công trình, phần việc góp phần xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, trật tự kỷ cương, văn minh đô thị ở địa phương. Hằng năm, 6/6 chi hội phụ nữ đều cho hội viên cam kết thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch" gồm: không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp. Trong đó, tiêu chí không vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm được nhắc nhở rất kỹ, xoáy vào vai trò của phụ nữ đối với việc tác động đến ý thức của các thành viên trong gia đình.
Từ năm 2014, phụ nữ Hưng Thạnh còn đảm trách việc xây dựng tuyến đường đẹp ở tuyến rạch Cái Nai, khu vực 6, chiều dài khoảng 2000 mét. Các chị cùng đắp gờ trồng hoa kiểng, định kỳ phát quang bụi rậm, giặm vá đoạn hư hỏng… Cái khó ở Hưng Thạnh là nhiều nơi đang triển khai các dự án, nên bụi bậm, cảnh quan còn khá bừa bộn, nên các chị em phụ nữ thực hiện văn minh đô thị theo kiểu cuốn chiếu.
Ông bà ta vẫn thường nói: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Với phụ nữ Hưng Thạnh, các chị không chỉ vun vén cho tổ ấm của mình mà còn góp sức trong xây nếp văn minh chung cho đô thị mới Hưng Thạnh.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh