Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Phòng ngừa bệnh huyết trắng

07:54 - 27/12/2011
Huyết trắng bệnh lý là vấn đề phụ khoa thường gặp của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì bệnh có thể chữa khỏi nhanh nếu được phát hiện sớm và tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh (Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ), huyết trắng có hai loại: huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh lý. Huyết trắng sinh lý có tính chất thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, thường có vào ngày rụng trứng hoặc do kích thích tình dục. Đặc điểm của huyết trắng sinh lý là không mùi, màu trắng trong và cũng không gây những triệu chứng khó chịu. Với loại huyết trắng này, không cần phải điều trị, chỉ cần vệ sinh tắm rửa bằng nước sạch, thay đồ lót hàng ngày, giữ “vùng kín” sạch sẽ, khô thoáng.

Huyết trắng trở thành bệnh lý khi xuất hiện nhiều, đổi màu (vàng hoặc xanh, trắng đục đóng thành váng...), có mùi hôi, kèm theo những triệu chứng khó chịu như ngứa, nóng rát âm đạo, âm hộ, tiểu gắt, giao hợp đau... Nguyên nhân gây huyết trắng bệnh lý thường do nhiễm nấm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai...) hoặc cũng có thể do việc giữ gìn vệ sinh không đúng cách, thói quen thụt rửa sâu trong âm đạo làm thay đổi môi trường âm đạo dễ dẫn đến viêm nhiễm... Với huyết trắng bệnh lý, cần được các bác sĩ thăm khám sớm, tìm hiểu, xác định đúng tác nhân gây bệnh là do nấm hay vi khuẩn, trùng roi, lậu cầu... thì việc điều trị mới hiệu quả. Vì vậy, khi thấy huyết trắng có những biểu hiện bất thường như trên, chị em nên đi khám sớm. Lúc này, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và tùy thuộc vào nguyên nhân sẽ có hướng điều trị đặc hiệu, kịp thời, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị mà phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Nếu nguyên nhân do nhiễm nấm, cần điều trị theo đúng phác đồ. Trong quá trình điều trị, không cấm quan hệ vợ chồng nhưng nếu kiêng cữ giao hợp vẫn tốt hơn, thời gian điều trị sẽ nhanh hơn. Nếu huyết trắng bệnh lý do các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì việc điều trị không chỉ ở bản thân người phụ nữ mà cần phải điều trị cho cả người chồng hoặc bạn tình.

Huyết trắng bệnh lý không gây vô sinh nếu được phát hiện và chữa trị sớm. Trường hợp ảnh hưởng đến đường sinh sản có thể do khả năng vi khuẩn theo dịch tiết đi vào buồng tử cung, gây viêm tử cung và từ viêm tử cung nếu không được điều trị sẽ lan ra ổ bụng gây viêm tai vòi, viêm phúc mạc chậu, lúc đó mới dẫn đến viêm buồng trứng và có thể gây vô sinh.

Để phòng ngừa huyết trắng bệnh lý, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh khuyên các chị em cần lưu ý những vấn đề sau: vệ sinh sạch “vùng kín” đúng cách (mỗi ngày hai lần, rửa nhẹ nhàng từ trước ra sau, không thụt rửa sâu vào bên trong...). Mặc đồ thoáng mát vì nếu mặc quần áo chật sẽ gây tình trạng nóng, ẩm nơi “vùng kín” và đó là môi trường rất dễ để nấm phát triển. Quần áo, đồ lót nên giặt sạch, phơi ngoài nắng. Quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh trước và sau khi giao hợp.

 

BS Bùi Thị Thúy Phi, Khoa Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP. HCM:

THAI PHỤ CẦN CẨN TRỌNG TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỤ KHOA

Phụ nữ trong thời gian mang thai do thay đổi nội tiết tố, giảm sức đề kháng, thân nhiệt tăng nên rất dễ bị nhiễm nấm. Nếu chữa khỏi, bệnh lý không ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu huyết trắng do nấm để kéo dài, không được điều trị có thể sẽ làm viêm nhiễm, thủng màng ối sớm, gây vỡ ối non hay rỉ ối non dẫn đến sinh non. Cần lưu ý, trong ba tháng đầu của thai kỳ không nên đặt thuốc vì trong thời kỳ này niêm mạc âm đạo tăng sinh về mạch máu, lúc đó sẽ tăng tiết dịch, nếu đặt thuốc sẽ dễ bị chảy máu. Thai phụ nên vệ sinh tại chỗ, ngâm rửa bằng nước muối pha loãng (dùng một thau nước ấm, hòa hai muỗng muối, ngồi trong đó ngâm 10-15 phút, mỗi ngày hai lần), mặc quần áo thoáng rộng. Nếu ngứa nhiều nên đến bác sĩ khám và cho thuốc bôi bên ngoài.

 

Trường hợp trong quá trình điều trị và trước đó có dùng thuốc uống hay thuốc đặt phụ khoa nhưng lỡ mang thai, thì chị em cũng đừng quá lo lắng thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất nên đến bác sĩ để được tư vấn cụ thể và tiếp tục theo dõi tình trạng thai nhi.

                                                                                                                                                             (Theo Báo Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69085

Hôm nay:
44
Tháng này:
495
Tổng lượt truy cập:
69085