“Còn sức khỏe thì tôi còn tham gia công tác Hội” – đó là lời tâm sự của cô Phạm Thị Phùng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Gần 9 năm tham gia công tác Hội, cô Phùng luôn quan tâm chăm lo đời sống hội viên; chú trọng giúp hội viên xây dựng những mô hình làm ăn kinh tế đạt hiệu quả, nổi trội là mô hình trồng vú sữa...
Hướng dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng vú sữa, ánh mắt cô Phùng không giấu niềm phấn khởi. Cô tâm sự: “Những năm trước, Chi hội Phụ nữ ấp đã phát động nhiều mô hình làm ăn kinh tế, như: Trồng hoa màu, trồng đậu, cam,… Nhận thấy một số người dân trồng vú sữa đạt hiệu quả kinh tế cao, tháng 4-2012, Chi hội đã xây dựng mô hình này tại ấp”.
Cô Phạm Thị Phùng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền (bìa trái) luôn sát cánh cùng hội viên phát triển kinh tế gia đình.
Những ngày đầu mới thành lập, mô hình chỉ có 12 thành viên tham gia, do tâm lý của chị em còn nhiều e ngại khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Để thuyết phục chị em, cô Phùng tăng cường tuyên truyền vận động; đồng thời, Chi hội còn tín chấp với Ngân hàng, hỗ trợ các chị em khó khăn được vay vốn. Mặt khác, cô Phùng cùng Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ phối hợp với Hội Nông dân, khuyến nông thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú sữa… Qua đó, số hội viên hưởng ứng mô hình ngày càng đông. Hiện nay, mô hình trồng vú sữa thu hút 50 thành viên tham gia. Là một trong những người đăng ký tham gia mô hình đầu tiên và cũng là Chủ nhiệm mô hình trồng vú sữa, anh Nguyễn Văn Chuyện, ngụ tại ấp Trường Khương A, cho biết: “Từ khi tham gia mô hình trồng vú sữa, tôi được dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú sữa, được Chi hội Phụ nữ tín chấp với Ngân hàng hỗ trợ cho vay 25 triệu đồng để mua máy bơm, máy tưới,… phục vụ cho việc trồng trọt”. Tương tự, gia đình anh Chuyện, chị Trần Thị Mãnh, ngụ tại ấp Trường Khương A, cũng được hỗ trợ vay vốn khi tham gia mô hình trồng vú sữa. Chị Mãnh bộc bạch: “Nhà tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Thấy cây vú sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Phùng đã vận động tôi cải tạo vườn tạp để trồng sang giống cây này. Trên 6 công đất vườn, tôi trồng 120 nhánh vú sữa. Tôi đang mong chờ lứa trái chiếng đầu tiên trong năm nay. Vừa qua, tôi còn được Hội Phụ nữ tín chấp với Ngân hàng hỗ trợ cho vay 19 triệu đồng để mua cây giống, phân bón, máy xịt,…”. Nhìn những vườn vú sữa xanh mượt của hội viên, cô Phùng tâm sự: “Khi vận động hội viên tham gia mô hình trồng vú sữa thì tôi cũng bắt tay trồng vú sữa trên đất vườn nhà mình. Với 160 gốc vú sữa Lò Rèn và bơ xanh được trồng vào năm 2011, năm nay tôi thu hoạch trên 45 triệu đồng”.
Không chỉ khởi xướng mô hình trồng vú sữa, để chăm lo đời sống hội viên, cô Phùng còn duy trì hoạt động của 1 tổ hùn vốn xoay vòng, 2 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, 1 tổ tiết kiệm thi đua Nguyễn Ái Quốc. Theo cô Phùng, đa phần chị em hội viên nơi đây cuộc sống gắn bó với nghề nông, chưa quan tâm nhiều đến đọc sách báo. Để góp phần nâng cao nhận thức, trình độ cho chị em, trong quá trình công tác, cô Phùng thường xuyên gần gũi, đến từng nhà hội viên để tuyên truyền các phong trào của Hội; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động chị em tham gia vào các câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”; phòng chống bạo lực gia đình… Tại gia đình mình, cô Phùng cũng xây dựng địa chỉ tin cậy. Nhiều trường hợp vợ chồng tranh cãi, lục đục đều được cô Phùng hòa giải thành công. Tiêu biểu như trường hợp vợ chồng chị L.T.Đ, ngụ cùng ấp. Trước đây, chị Đ. mê số đề nên vợ chồng chị hay cự cãi nhau. Thấy vậy, cô Phùng chủ động thuyết phục, hàn gắn gia đình, khuyên chị Đ. từ bỏ nghề ghi số đề. Với phương châm “mưa dầm thấm đất”, sau thời gian dài gần gũi, thuyết phục, chị Đ.chuyển sang nghề làm móng, mát xa; vợ chồng chị thuận thảo hơn xưa.
Để có thể tham gia công tác Hội, cô Phùng luôn khéo léo sắp xếp, vun vén công việc gia đình, chăm sóc vườn tược. Với những thành tích đóng góp của mình, hằng năm, cô Phùng đều được nhận Giấy khen của UBND, Hội LHPN xã, huyện. Năm 2013, cô được Hội LHPN TP Cần Thơ tuyên dương là phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi. Cô cũng là một trong những cá nhân vinh dự được Huyện ủy Phong Điền trao tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Bài, ảnh: Theo H.Vân-Báo Cần Thơ