* Nỗi niềm người trong cuộc
Chị Trương Thụy Đang Phượng, thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xử án ly hôn của Tòa án huyện Thới Lai, đúc kết: nếu những cặp vợ chồng trẻ đưa ra nguyên nhân xin ly hôn vì không hợp nhau thì những đôi vợ chồng đã sống chung qua mấy thập kỷ muốn chia tay vì không thể chịu đựng được “đối phương”.
Trường hợp khá hi hữu trong những vụ án xin ly hôn mà Tòa án huyện Thới Lai thụ lý trong năm 2011 là cặp vợ chồng ở xã Tân Thạnh. Người chồng 65 tuổi, người vợ kém ông 1 tuổi. Người chồng đến tòa án nộp đơn xin ly hôn, nêu lý do mong muốn những tháng ngày còn lại của cuộc đời được yên ổn bên con, cháu. Trong quá trình hòa giải, vợ ông nhất quyết không chịu ly hôn. Bà nói: “Già sắp xuống lỗ rồi, ly hôn làm gì? Ông ấy muốn ly hôn kệ ông ấy. Vả lại bà vẫn còn tình cảm với chồng. Có lẽ bao chịu đựng, uất ức dồn nén bấy lâu, ông kể tội bà: “Bà ấy nói thương chồng mà tối ngày chỉ lo cờ bạc. Tôi và con cái đã bao lần khổ sở vì nợ nần cờ bạc của bà ấy. Tôi không thể sống chung với bà ấy được nữa”.
Thì ra nguyên nhân sâu xa là đây. Vợ chồng ông có con gái lấy chồng nước ngoài. Sau khi theo chồng về xứ người, cô con gái gởi tiền về cho cha mẹ xây nhà và dưỡng già. Mấy năm qua, các con đã có gia đình riêng, tiền bạc lại rủng rỉnh trong túi, vợ ông lao theo cờ bạc, số đề, đánh bài. Nhiều lần ông khuyên can rồi hăm he: “Nếu bà không bỏ hẳn cờ bạc thì tui bỏ bà”. Cuối cùng, ông đã nộp đơn ly hôn vì bà không bỏ tật cờ bạc, dù phải xấu mặt với hàng xóm, sui gia, con cái... Thế là, sau mấy chục năm nâng đỡ, kề vai sát cánh lèo lái con thuyền hôn nhân vượt qua bao sóng gió, đến tuổi già, họ lại phải một mình đối mặt cùng đau yếu, khó nhọc và cô đơn.
Sau gần 20 năm sống với chồng, chị T. ở xã Trường Xuân B quyết định ly hôn. Chị đến tòa án huyện nộp đơn ngày hôm trước, thì hôm sau chồng chị đến gặp cán bộ tòa án xin rút đơn của vợ. Người chồng nói với cán bộ rằng mình còn rất thương vợ, không muốn ly hôn. Ngày hẹn với cán bộ tòa án, người chồng chở vợ đến. Anh ta không đồng ý ly hôn, cho rằng mình còn thương yêu vợ, còn chị khẩn khoản xin tòa xử cho ly hôn, vì không muốn tiếp tục sống cảnh địa ngục nữa. Trước kia, chồng chị là chàng trai hiền lành, quanh năm chỉ biết chí thú làm ăn, vui với huê lợi ruộng vườn. Vài năm gần đây, chồng chị sinh tật rượu chè. Mỗi lần say xỉn về đến nhà là anh vô cớ kiếm chuyện đánh vợ, chửi con. Trước cơn thịnh nộ vô lối của chồng, rất nhiều lần, chị phải tạm lánh nạn nhà hàng xóm với bao uất ức, tủi nhục trong lòng. Chồng chị cũng nhiều lần làm cam kết với cán bộ địa phương không đánh vợ, nhưng sau đó mọi việc đâu vào đấy. Đến khi không thể hòa giải, tòa án chấp thuận cho họ ly hôn.
* Không dễ đưa ra phán quyết
Năm qua, án ly hôn ở Thới Lai tăng cũng là án chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại án của huyện. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ly hôn là chồng (vợ) cờ bạc hoặc bị bạo hành. Người đứng đơn xin ly hôn phần lớn là các bà vợ.
Thẩm phán Trương Thụy Đang Phượng phân tích: Đối với những cặp vợ chồng trẻ, sau khi ly hôn họ vẫn còn nhiều cơ hội, trong khi những người tuổi trung niên hoặc lớn tuổi thì phải đối mặt với nhiều vấn đề khi hôn nhân tan vỡ. Vì vậy, cán bộ làm công tác xét xử phải rất cân nhắc trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Mặt khác, tâm lý của những đôi vợ chồng đã có thời gian dài chung sống bên nhau, cũng đã suy cạn, nghĩ cùng mới quyết định ly hôn, chứ không phải do giận dỗi nhất thời. Một yếu tố khác, ảnh hưởng đến quá trình hòa giải là rất ít người vợ (chồng) nêu đúng lý do muốn ly hôn, nếu có thì người bạn đời cũng không phản bác hay thừa nhận mà cho rằng vợ (chồng) kiên quyết đoạn tình thì họ đồng ý ly hôn. Tòa án cùng đành xử cho họ ly hôn với lý do cả 2 bên đều đồng thuận”.
Ông Nguyễn Thế Thành, Chánh án Tòa án huyện Thới Lai, tâm tư: “Gia đình đổ vỡ, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng. Thêm vào đó đời sống người dân nơi đây gắn với ruộng, vườn, khi hôn nhân đổ vỡ còn kéo theo những phát sinh về phân chia tài sản, mối quan hệ với con cái, xóm giềng... Vấn đề đặt ra là công tác hòa giải cũng như vai trò quan trọng của hòa giải viên tuyến cơ sở hết sức quan trọng góp phần hàn gắn hôn nhân gia đình bởi cán bộ hòa giải ở cơ sở chính là người nắm rõ hoàn cảnh, cuộc sống của từng hộ gia đình. Trong cuộc họp Tổng kết ngành Tòa án huyện cuối năm, tôi cũng đã nêu hiện tượng ly hôn ngày càng tăng ở địa phương để tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ đoàn thể chức năng các cấp ”.
Trước tình hình ly hôn gia tăng thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thới Lai cũng đã triển khai nhiều hoạt động tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thông qua các đợt tập huấn nghiệp vụ, sinh hoạt các chi, tổ Hội. Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thới Lai, cho biết: “Hiện nay, bên cạnh hoạt động của các Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Dự án Phòng, chống bạo lực gia đình (trợ giúp phụ nữ bị bạo hành) ở xã Trường Thành, các cấp Hội phụ nữ ở địa phương còn vận động hội viên, người dân phát huy truyền thống thủy chung cao đẹp của gia đình Việt Nam, nỗ lực xây dựng gia đình theo tiêu chuẩn “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình không tệ nạn xã hội, đẩy lùi nạn bạo hành gia đình; đồng thời, nêu gương và nhân rộng điển hình những gia đình hạnh phúc, chung thủy ở cơ sở... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của vợ (chồng) trong việc xây dựng nền tảng kinh tế gia đình bền vững và giữ gìn hạnh phúc gia đình”.
Theo Báo Cần Thơ