Theo Maureen Jenkins, Giám đốc trung tâm nghiên cứu dị ứng Anh, số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng dị ứng đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua. Ngoài nguyên nhân do di truyền hoặc bẩm sinh, môi trường sống và hoàn cảnh sống cũng là tác nhân quan trọng góp phần gây ra bệnh.
Không có anh chị em
Việc có anh chị em được chứng minh giúp bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của chứng viêm mũi dị ứng và các loại dị ứng khác trong năm đầu đời – theo nghiên cứu của Giáo sư dịch tễ học David Strachan tại Bệnh viện St George (Anh) sau khi theo dõi 17.000 trẻ em. Lý lo là khi nhiều trẻ sinh sống cùng nhau sẽ tạo ra một môi trường hỗn tạp vi khuẩn, khiến trẻ tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn khác nhau và nhờ đó cũng tăng cường hệ miễn dịch
.
Nguy cơ dị ứng do sinh mổ
Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy những trẻ sinh mổ có nguy cơ phát triển chứng dị ứng cao gấp 5 lần trẻ sinh tự nhiên khi chúng lên 2. Nghiên cứu khác tại Na Uy thì phát hiện trẻ sinh mổ có 52% nguy cơ bị hen suyễn so với trẻ sinh thường. Lý do là trẻ sinh thường được tiếp xúc với hệ vi khuẩn tự nhiên thường có trong đường tiêu hóa, nhờ đó bảo vệ các bé khỏi tình trạng dị ứng.
Lười vận động
Tình trạng ít vận động có thể dẫn đến chứng béo phì – một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn. Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học của Mỹ, trẻ em béo phì có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn cao gấp rưỡi so với trẻ có cân nặng bình thường. Lý do là lượng mỡ dư thừa dễ gây ra tình trạng viêm, ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của cơ thể. Hơn nữa, thừa cân cũng có thể làm cho bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng do ngực trẻ phải chịu sự chèn ép lớn từ thể trọng.
Người mẹ có dùng thuốc kháng sinh khi mang thai: Nghiên cứu cho thấy những thai phụ có dùng thuốc kháng sinh trong 3 tháng cuối thai kỳ nhiều khả năng sinh ra em bé bị dị ứng. Những trẻ tiếp xúc với kháng sinh từ trong bụng mẹ có nguy cơ cao mắc chứng chàm bội nhiễm. Sau khi phân tích dữ liệu từ 20 nghiên cứu khác nhau, các chuyên gia tại Cao đẳng King Luân Đôn và 2 trung tâm nghiên cứu khác ở Anh phát hiện việc tiêm kháng sinh cho trẻ sơ sinh có thể khiến các em tăng đến 40% nguy cơ mắc chàm bội nhiễm, bởi vì kháng sinh tiêu diệt cả hại khuẩn và lợi khuẩn, làm mất cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể.
* Cách phòng tránh dị ứng
Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm lên men
Trong nghiên cứu mới đây, các chuyên gia tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển) đã quan sát 1.000 bé gái từ 7-8 tuổi và phát hiện rằng nguy cơ bị dị ứng sẽ giảm nếu các em thường xuyên tiêu thụ thực phẩm lên men tự nhiên như dưa chua. Theo các chuyên gia, quá trình lên men giúp thực phẩm tạo ra các vi khuẩn tự nhiên có lợi cho hệ miễn dịch.
Thai phụ nên ăn các loại hạt và cá có dầu
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) cho thấy trẻ em ít có nguy cơ bị dị ứng nếu mẹ chúng thường xuyên tiêu thụ các loại hạt khi mang thai. Các chuyên gia cho biết việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng từ sớm sẽ giúp trẻ tăng khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ dị ứng. Nghiên cứu khác của Cao đẳng King Luân Đôn thì cho thấy trẻ tiếp xúc sớm với các sản phẩm từ đậu sẽ giảm nguy cơ dị ứng. Ngoài ra, thai phụ bổ sung omega-3 hoặc ăn cá có dầu cũng có thể giúp con giảm nguy dị ứng về sau.
Môi trường ở nông thôn tốt cho trẻ
Trẻ em sinh ra ở nông thôn có nguy cơ phát triển chứng dị ứng ít hơn so với trẻ em lớn lên ở thành thị. Nguyên nhân có thể là trẻ em ở nông thôn được tiếp xúc với nhiều loại vi khuẩn từ động vật cũng như chất thải của chúng, nên khả năng miễn dịch cũng cao. Hơn nữa, trẻ em nông thôn có nguy cơ dị ứng thấp hơn trẻ sống nơi thành thị vì chúng không phải tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm, chẳng hạn như khói bụi do xe cộ thải ra, có thể dẫn đến hen suyễn.
TRÍ VĂN (Theo Daily Mail)