Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Những điều cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe gia đình trong ngày Tết

03:57 - 09/01/2012

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tăng cao. Để tổ chức các bữa ăn, tiệc cho những ngày Tết được tươm tất, đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe, mỗi gia đình cần chú ý lựa chọn, bảo quản thực phẩm... Hãy tham khảo một số lời khuyên sau đây:

Vào những ngày giáp Tết, chắc hẳn mỗi gia đình đã dự kiến chế biến những món ăn để cúng kiến tổ tiên, tiếp đãi thân tộc, bạn bè. Để các món ăn đảm bảo các yếu tố: ngon, bổ dưỡng, nhất là nguồn nguyên liệu thực phẩm tươi tốt, hợp vệ sinh, chúng ta cần lưu ý:

- Trước khi mua sắm, hãy tính toán lượng thức ăn đủ dùng trong mấy ngày tết.

Nên ưu tiên chế độ ăn nhiều rau quả. Ảnh: Internet 

- Tránh tâm lý “Thấy gì cũng muốn mua”; không nên mua quá nhiều đồ ăn rồi để đầy ắp trong tủ vì như thế vừa không tươi, vừa phí phạm.

- Nên làm sạch các loại đồ ăn thức uống trước khi cho vào tủ lạnh.

- Thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã chế biến chín phải sắp xếp riêng biệt.

- Các loại thịt, cá cần bảo quản trên 7 ngày, phải để vào ngăn đông lạnh (nhiệt độ - 6oC, hoặc -12oC hoặc độ lạnh sâu hơn, tùy thời gian sử dụng).

- Các loại thực phẩm có mùi đặc trưng như bơ, phô mai, thịt, cá... cần được sử dụng trong túi ni - lông hoặc hộp có nắp đậy kín rồi mới cho vào tủ.

- Phần lớn các loại rau, củ, trái cây cần bảo quản ở nhiệt độ mát, từ 6-10oC.

Mặc dù chiếc tủ lạnh là phương tiện thuận tiện để bảo quản thực phẩm sử dụng vài ngày, tuy nhiên chiếc tủ lạnh có thể là môi trường lây nhiễm vi khuẩn, nếu không được vệ sinh thường xuyên và lưu trữ thực phẩm đúng cách. Khoảng một tuần trước Tết Nguyên đán, chúng ta nên làm vệ sinh tủ lạnh, trước tiên lấy hết thức ăn ra khỏi tủ, bỏ những thức ăn đã quá cũ, lâu ngày, sau đó lau, rửa từ trong ra ngoài với nước ấm, xà phòng hay nước rửa chuyên dùng, sau đó, rửa lại với nước sạch và lau khô. Các vật dụng như hộp, khuôn đựng, vật chứa cũng phải rửa và lau khô trước khi xếp các loại thực phẩm mới trở lại.

Để đảm bảo cho sức khỏe, chúng ta thực hiện các nguyên tắc ăn uống trong ngày Tết, như:

- Ưu tiên chế độ ăn nhiều rau, quả tươi, nhưng không nên dự trữ quá nhiều. Nếu bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ nên dùng trong vòng 3- 4 ngày. Những món từ rau cải lên men như dưa cải, củ kiệu, dưa hành... là loại kích thích tiêu hóa tốt, nên ăn “xen kẽ” với các món ăn mặn chế biến từ thịt, cá.

- Các loại thực phẩm “đồ nguội” như giò, chả, lạp xưởng, tôm khô, dăm bông, xúc xích... cũng nên dự trữ vào dịp Tết vì là các món ăn “đáp ứng nhanh”, ngon miệng. Tuy nhiên, người cao tuổi, trẻ em chỉ nên dùng hạn chế. Người có bệnh Gút (thống phong) hạn chế tối đa rượu, bia, thức ăn nhiều chất đạm - đặc biệt lòng, gan, mề, cật, huyết heo... (các món này chứa nhiều nhân purine), sẽ gây trầm trọng thêm triệu chứng bệnh.

- Bánh ngọt, kẹo, mứt... là những thành phần sinh năng lượng khá cao thuộc nhóm bột, đường, giúp mau hấp thu và tiêu hóa. Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ em ăn bánh, mứt sau bữa ăn chính để tránh tình trạng bé bị no hơi, đầy bụng trước bữa ăn. Trẻ em dưới 6 tuổi không nên ăn nhiều loại kẹo dẽo và uống nước ngọt có gas. Người cao tuổi, trẻ em nên ăn nhiều trái cây hoặc uống các loại nước ép trái cây (cam, bưởi, dưa hấu, lê, nho, táo...). Nó vừa là nguồn cung cấp chất đường, chất khoáng, vitamin, một ít chất xơ vừa giúp cân đối khẩu phần ăn nhiều năng lượng từ dầu mỡ, tình trạng thường thấy trong những ngày Tết.

Thật không hợp tình, hợp lý nếu khuyên mọi người không nên dùng bia, rượu trong những ngày xuân, nhưng vì sức khỏe là yếu tố hàng đầu, mọi người hãy biết tự chủ trong “tiệc nhậu” vì những cuộc vui quá chén sẽ làm bạn mệt, thậm chí là bị ngộ độc. Mọi người nên nhớ rượu, bia là những thức uống có độ cồn và kèm theo là các tạp chất. Độ cồn trong bia chứa 4% - 6%; rượu vang, champagne có độ cồn 10 -12%; rượu trắng có độ cồn trên 30%; các loại rượu ngoại (Whisky, Hennessy, Chivas...) độ cồn trên 39%. Uống rượu liên tục, mỗi ngày 2-3 lần sẽ có hại cho gan, thận, dạ dày và nhiều cơ quan khác. Mỗi buổi tiệc trong ngày này chỉ nên uống 3 - 6 lon bia (tùy tửu lượng) hoặc 3 - 4 ly rượu vang là vừa phải.

Khi đi du lịch hoặc về quê ăn Tết, nếu có cùng con trẻ đi theo, chúng ta nên chuẩn bị các loại thực phẩm chế biến sẵn như sữa, bánh ngọt, nước trái cây, nước chín vô chai... Trên lộ trình đi nếu có điểm nghỉ ngơi cũng nên thận trọng trong ăn uống, tốt nhất là nên dùng những thực phẩm mang theo, hoặc ăn thức ăn nóng, hợp vệ sinh, nên dùng loại trái cây lột hoặc gọt vỏ, nước dừa. Mọi người không nên ăn ở những quán ngoài vỉa hè hay những hàng rong (hàng nguội, hột vịt lộn, gỏi cá, kem dạo hay nước giải khát ướp lạnh, nước mía, nước trà đá vô bịch...). Không nên cho trẻ em ăn uống các món ăn dễ “nhạy cảm” với vi khuẩn như hải sản đã nấu sẵn bày bán bên đường (nhất là cua, sò, ốc, hến...). Cần tránh mua các loại trái cây lạ cho trẻ ăn.

Trong những ngày Tết, cùng với việc ăn uống cẩn trọng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, mọi người cần chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Người lớn cần ngủ ít nhất 6 giờ; trẻ em ít nhất 8 giờ/ngày.

Những điều trên đây mới nghe có vẻ “nhỏ nhặt” nhưng lại rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình trong những ngày đầu xuân!

                                                                                                                                                                                  (Theo Báo Cần Thơ)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69306

Hôm nay:
26
Tháng này:
716
Tổng lượt truy cập:
69306