Gần đây, các cấp hội phụ nữ TP Cần Thơ xây dựng nhiều mô hình, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Những việc làm tích cực đó đã tác động không nhỏ đến xã hội, góp phần xây dựng và giữ gìn nét "xanh- sạch- đẹp" của thành phố.
* Từ "5 không, 3 sạch"… Gia đình chị Phạm Thị Hồng Thắm (khu chung cư 19, đường Phan Đình Phùng, phường Tân An, quận Ninh Kiều) sống trong căn hộ chừng 20m2, nhưng đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Chị Thắm thường xuyên quét dọn hành lang và cầu thang chung. Chị nói: "Mình quét phía trước nhà xong, tiện tay quét phần còn lại. Ở đây, các chị em đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho khu tập thể luôn sạch sẽ, thoáng đãng". Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực Tân An, chị Phạm Thị Hồng Thắm luôn gương mẫu trong thực hiện mô hình "5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động; đồng thời tích cực, tuyên truyền, vận động các hội viên cùng chung tay thực hiện. "5 không" là: không đói nghèo, không tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình, không để trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không sinh con thứ ba; "3 sạch" là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Tại TP Cần Thơ, mô hình "5 không, 3 sạch" được triển khai ở 9 quận, huyện và tạo được những chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Ở quận Ninh Kiều, phường Tân An là địa phương được chọn làm mô hình điểm năm 2015. Chị Huỳnh Ngọc Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân An, cho biết: "Phường đã triển khai thực hiện mô hình này từ năm 2010. Trong đó, tiêu chí giữ gìn vệ sinh chung luôn được chú trọng, hình thành nếp sinh hoạt mới là tổ chức làm vệ sinh nhà cửa, ngõ hẻm vào chiều thứ sáu hằng tuần. 2 năm nay, phường Tân An đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị qua nhiều hoạt động. Hội phụ nữ tiếp tục hưởng ứng bằng việc phối hợp với Tổ quản lý đô thị của phường tổ chức ra quân làm vệ sinh vào chiều thứ năm hằng tuần ở các tuyến đường lớn hoặc khu vực tiểu đảo của đường Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu, chợ đêm Ninh Kiều…". Đầu năm 2015, Quận ủy Bình Thủy cũng đã có công văn chỉ đạo các đảng bộ, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cùng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đẩy mạnh thực hiện mô hình "5 không, 3 sạch" trong các cấp, các ngành. Riêng Ban Dân vận quận Bình Thủy đã triển khai thực hiện mô hình "3 sạch" từ năm 2014. Năm qua, quận đã thực hiện 117 đợt ra quân dọn dẹp cảnh quan môi trường, khai thông cống rãnh với gần 9.700 lượt hội viên phụ nữ, các đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, các chi hội phụ nữ phối hợp với các đoàn thể, các tổ nhân dân tự quản trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường. Toàn quận hiện có 313 hộ gia đình, 4 tập thể tận dụng các chậu cây, thùng xốp và đất trống để trồng rau sạch. Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ phối hợp với các đoàn thể hoàn thành 48 công trình xây dựng và giữ gìn các tuyến đường, hẻm xanh- sạch- đẹp. Trong đó, phụ nữ chịu trách nhiệm thực hiện 37 tuyến, gồm 5 đường, 3 tuyến hẻm liên tổ và 25 hẻm. * Đến những mô hình khác Năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ triển khai mô hình "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lon" tại phường Thới An Đông (quận Bình Thủy) và phường Hưng Phú (quận Cái Răng). Mỗi địa phương có 50 hội viên phụ nữ tham gia. Các chị em được vận động khi đi chợ hoặc mua hàng nên dùng giỏ, hạn chế dùng túi ni-lon. Mỗi địa phương vận động xã hội hóa để tặng các chị em tham gia mô hình một giỏ đi chợ bằng nhựa. Năm 2015, mô hình này đã được nhân rộng cho 6 phường còn lại của quận Cái Răng và xã Trường Long (huyện Phong Điền). Từ hiệu quả của mô hình này, năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai thêm mô hình mới: "Phân loại rác". Phường An Khánh (quận Ninh Kiều) và phường Phước Thới (quận Ô Môn) được chọn làm mô hình điểm. Mỗi địa phương cũng có 50 hội viên tham gia, mỗi người được chương trình hỗ trợ 3 sọt đựng rác. Chị Dương Thị Hồng Thúy, khu vực 4, phường An Khánh, cho biết: "Chúng tôi được hướng dẫn phân rác thành 3 loại: bọc ni-lon để riêng một sọt; các loại chai lọ bằng nhựa, thủy tinh, giấy để một sọt, sọt còn lại để các loại rác khác. Riêng các loại rác có thể tái chế như nhựa, giấy… đem bán ve chai, lấy tiền đóng góp vào quỹ để mua gạo giúp hộ nghèo trong khu vực. Mô hình rất thiết thực nên các chị em đều tích cực tham gia". Đặc biệt, phường Trà An (quận Bình Thủy) tuy không được thành phố triển khai nhưng địa phương đã thực hiện mô hình "Phân loại rác" từ năm 2008. Nguồn quỹ xây dựng từ việc bán phế liệu được dùng để tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của địa phương. Năm 2015, phường đã trao tặng 14 suất 200.000 đồng, dự kiến vào dịp 20-10 sẽ trao tặng 5 suất 500.000 đồng cho 5 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. *** Từ những việc làm nhỏ, phụ nữ Cần Thơ đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Bài, ảnh: Lệ Thu |