Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Nghề kết cườm: Cần vốn và mối tiêu thụ sản phẩm

09:13 - 09/01/2012

Trang bị nghề phù hợp với gia cảnh của những phụ nữ chưa có nghề nghiệp ổn định và khó thể xa gia đình đi làm việc đang được các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện. Nghề kết cườm đang là một trong những nghề được nhiều địa phương tập trung triển khai, bước đầu đã thu hút nhiều chị em theo học nghề và mong muốn có thu nhập ổn định từ nghề này. Tuy nhiên, vốn mua nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm đang là vấn đề được nhiều chị em theo học nghề này quan tâm…

* Được học nghề, có việc làm ngay:
           
              Chúng tôi đến lớp nghề kết cườm ở phường Trà An, quận Bình Thủy khi trời đã xế chiều nhưng cô giáo và 30 học viên vẫn hăng say thực hành kết hạt cườm thành hình các con thú. Bà Lê Thị Hồng Thịnh, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo phường Trà An, cho biết: “Do các học viên lớp nghề kết cườm năm 2010 có việc làm và thu nhập tương đối ổn định nên năm nay phường tiếp tục tổ chức lớp nghề này và hướng tới mở rộng nghề kết cườm ở địa phương”. Các sản phẩm: bình hoa, giỏ xách do chị em lớp nghề trước đây gia công được khách hàng ưa chuộng và bán khá chạy”.
           Cũng phát huy hiệu quả nghề kết cườm của học viên lớp nghề trước đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Trường Lạc, quận Ô Môn tiếp tục tổ chức lớp nghề kết cườm thu hút 35 phụ nữ tham gia. Sau gần 1 tháng học nghề, các chị đã tự kết được những con thú nhỏ xinh đa dạng kiểu dáng, màu sắc để làm móc khóa. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Tân Thạnh, bày tỏ: “Nghề này mở rộng đối tượng tham gia, chỉ cần tỉ mỉ, chịu khó là học được, nhưng lo nhất vẫn là việc giải quyết việc làm cho chị em sau khi học nghề...”. Bà Mai Thị Nguyện, Chủ tịch Hội LHPN phường, cho biết: “Rất nhiều phụ nữ trong phường có nhu cầu học nghề này. So với các nghề: may gia dụng, uốn tóc, đan thảm vải thì nghề kết cườm dễ học, dễ làm và thu nhập khá hơn nên rất nhiều chị đăng ký học nghề”.
           Trước đó, Hội LHPN phường Thới An kết hợp Trung tâm Dạy nghề quận Ô Môn tổ chức dạy nghề này cho 30 phụ nữ. Lâu nay, chỉ quen việc nội trợ, chăm sóc con cái, bây giờ được học nghề và tạo việc làm, chị em rất mừng. Bà Lâm Tuyết Loan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu vực Thới Bình A, bày tỏ: “Học nghề xong có việc làm, các chị mừng lắm. Các chị mong kiếm thêm thu nhập, giúp trang trải chi tiêu gia đình...”.
           Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, năm 2010, các quận, huyện đã tổ chức 5 lớp nghề kết cườm, thu hút 150 lao động nữ tham gia. Từ đầu năm 2011 đến nay, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của chị em, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” đã mở 10 lớp nghề kết cườm (trong tổng số 15 lớp theo kế hoạch năm 2011) ở các quận Bình Thủy, Ô Môn và các huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh, với trên 300 phụ nữ tham gia học nghề.
 
* Cần vốn và đầu ra sản phẩm
            Học nghề xong, nhiều chị em đã chủ động tiếp thị bằng cách thông qua các đám tiệc, họp mặt, hội nghị, các mối quan hệ quen biết bạn bè, họ hàng... để giới thiệu các sản phẩm kết cườm đã làm ra. Khi có người đặt hàng (đa số là các loại bình hoa, giỏ xách), các chị mua các loại nguyên liệu: dây gân, kim may, hạt cườm các loại... để làm sản phẩm. Các chị vừa quán xuyến việc nhà, vừa gia công các sản phẩm để kiếm thêm thu nhập. Giá bán hiện nay đối với bình hoa từ 150.000 – 200.000 đồng/cái, giỏ xách 300.000 đồng/cái. Trừ chi phí nguyên liệu, mỗi sản phẩm tốn công từ 2- 4 ngày, các chị có lời từ 70.000 đồng – 100.000 đồng, xem như lấy công làm lời.
            Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vốn mua nguyên liệu, điểm trưng bày quảng bá và tiêu thụ sản phẩm... khiến chị em ngán ngại việc theo đuổi nghề, dù rất yêu thích. Không ít chị em theo học nghề có gia cảnh khó khăn, muốn có việc làm và thu nhập ổn định để lo cho gia đình. Trong khi đó, số vốn bỏ ra mua nguyên liệu khá lớn, chị em khó đáp ứng được. Chị Đào Thị Lệ Hằng, một trong số ít học viên lớp kết cườm có thu nhập nhờ nghề này (tuy không thường xuyên), bộc bạch: “Cái khó nhất là tôi không có vốn nên khi làm và bán sản phẩm xong, tôi mới có tiền mua nguyên liệu làm sản phẩm khác. Những khách hàng của tôi thường là người khá giả, chủ yếu mua giỏ để dành đi đám tiệc. Theo tôi, để chị em gắn bó với nghề này bền lâu, có thu nhập thường xuyên thì phải có nguồn tiêu thụ ổn định”. Bà Mai Thị Nguyện bày tỏ: “Nếu được tạo điều kiện về vốn và nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, chúng tôi sẽ thành lập nhóm hoặc tổ gia công sản phẩm này với khoảng 15 thành viên có tay nghề trong phường”. Ở phường Trà An, quận Bình Thủy, các chị cũng kết cườm sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. Bà Lê Thị Hồng Thịnh nói: “Các loại hạt cườm mua khá dễ. Hội, đoàn thể địa phương có thể lập dự án giúp chị em vay vốn khi có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định. Nguyện vọng chung của nhiều chị em là được ngành chức năng tạo điều kiện trưng bày sản phẩm từ mặt hàng kết cườm ở các khu du lịch, hội chợ, triển lãm, quầy hàng lưu niệm trong siêu thị, khách sạn, cửa hàng các chợ trung tâm thành phố... giúp mở ra cơ hội phát triển nghề này ở địa phương”.
         Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, sở dĩ ngành chức năng tổ chức dạy nghề kết cườm ở các xã, phường là để tạo việc làm cho lực lượng lao động nữ nông thôn lúc nông nhàn. Vấn đề cần giải quyết hiện nay là tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định. Để thực hiện điều này, cần sự kết hợp của các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... Ngoài ra, cần tạo điều kiện để nâng cao kỹ thuật nghề, đa dạng sản phẩm, hướng tới sản xuất những mặt hàng cao cấp từ hạt cườm, mới đem lại giá trị kinh tế cao.
          Bà Phan Thị Lộc, Trưởng ban Kinh tế Hội LHPN kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ TP Cần Thơ, cho biết: “Được sự hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH thành phố, chúng tôi triển khai dạy nghề kết cườm ở các xã, phường, hướng đến tạo việc làm và thu nhập ổn định cho chị em. Hiện nay, các cấp Hội đang tạo điều kiện cho chị em được vay một trong các nguồn vốn do Hội quản lý để mua nguyên, vật liệu gia công và hỗ trợ chị em tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm. Sắp tới, khi trụ sở Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ và Trung tâm Tư vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Hội LHPN TP Cần Thơ (tọa lạc tại trụ sở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ninh Kiều cũ) được sửa chữa và đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày và bán các sản phẩm do chị em gia công, trong đó có sản phẩm kết cườm. Bên cạnh, Hội LHPN thành phố cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp để có thể giới thiệu các mặt hàng kết cườm, đáp ứng nguyện vọng của chị em”.
                                                                                                                                     (Theo Báo Cần Thơ)
 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68308

Hôm nay:
0
Tháng này:
783
Tổng lượt truy cập:
68308