Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Nghề đan dây nhựa mang lại việc làm, thu nhập cho phụ nữ

12:32 - 10/05/2015

Nghề đan dây nhựa có đặc điểm gọn, nhẹ, không cần chuẩn bị nhiều nguyên vật liệu lại ít vốn liếng, có thể làm ra sản phẩm với nhiều kích cỡ, kiểu dáng khác nhau và thuận lợi nhất là dễ tiêu thụ. Vì thế, tuy chỉ là nghề tay trái nhưng được nhiều phụ nữ xã Tân Thới, huyện Phong Điền chọn học để có việc làm, thu nhập thường xuyên.

 

Hiện mô hình đan dây nhựa ở xã Tân Thới tập trung ở ấp Trường Trung A với 1 tổ gồm 17 tổ viên. Tổ được thành lập từ lớp nghề đan dây nhựa tổ chức tại xã, theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2014. Ngoài nhận đan gia công, các tổ viên của tổ còn mua dây nhựa về đan rồi tự bán tại nhà hoặc chào bán tại chợ. Sản phẩm đan dây nhựa của chị em ngày càng sắc sảo, bền, đẹp, giá cả phải chăng nên được nhiều bà con trong vùng, đặc biệt là các nhà vườn tin tưởng, đặt mua. Dần dà, nhiều khách hàng tìm đến tổ đặt mua sản phẩm trực tiếp.

 

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các tổ viên tổ đan dây nhựa đan giỏ, kiếm thêm thu nhập.

Theo chị Trần Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tân Thới, để có được thành quả này, Hội và các tổ viên tổ đan dây nhựa từng trải qua thời gian khó khăn. Năm 2013, nhận thấy nghề đan dây nhựa được một số địa phương áp dụng hiệu quả nên Hội LHPN xã phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu niên của Thành đoàn Cần Thơ tổ chức 1 lớp nghề đan giỏ bằng dây nhựa cho hội viên của xã. Tuy nhiên, vì đầu ra không ổn định, thu nhập hội viên chưa được cải thiện nên việc làm trắc trở, gián đoạn. Tháng 9-2014, đáp ứng nguyện vọng của phụ nữ trong xã, lớp nghề đan dây nhựa được tái tổ chức ở xã, thu hút 35 học viên tham gia, do Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền phụ trách đào tạo. Lần này, sản phẩm được thầy giáo đảm bảo việc tiêu thụ nên đầu ra ổn định, chị em yên tâm gắn bó với nghề. Có 17/35 học viên tay nghề khéo, làm ra sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh với thị trường, tham gia tổ đan giỏ nhựa của xã.

 

Chị Nguyễn Thị Mai, ở ấp Trường Trung A, Tổ trưởng tổ đan dây nhựa, chịu trách nhiệm lấy nguyên liệu về phân phối cho tổ viên và nhận sản phẩm, giao cho đầu mối tiêu thụ. Theo chị Mai, nghề này chỉ cần học khoảng 10 ngày. Lúc đầu đan rất đau tay, do phải dùng sức kéo những mối đan thật khít, thật chắc nên bị dây cứa vào tay rướm máu. Nhưng khi quen tay thì mọi thao tác trơn tru và dễ dàng hơn và khi nắm được quy tắc cơ bản, chị em có thể làm nhiều mẫu mã sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện nay, chị Mai nhận đan giỏ nhiều kích cỡ khác nhau như: giỏ đi chợ, giỏ lớn vận chuyển trái cây, giỏ nhỏ đựng cà - mèn đựng thức ăn... Không những vậy, chồng của chị Mai qua các buổi học nghề cùng vợ, có thể đan những chiếc ghế cũ của gia đình mà không phải thuê thợ sửa lại hoặc mua ghế mới. Chị Mai cho biết: “Mỗi ngày, mỗi chị (nếu tự mua nguyên liệu) đan từ 2-3 giỏ nhựa, có thể kiếm được 50.000 đồng-60.000 đồng/ngày, còn đan gia công từ 30.000 đồng/ngày. Hiện tại, tôi đan nhiều nhất là loại giỏ để chị em dùng đi chợ, kế đến loại giỏ dùng vận chuyển trái cây. Vì không có nhiều thời gian nên tôi chủ yếu nhận nguyên liệu về đan gia công, rồi giao sản phẩm cho đầu mối tiêu thụ. Mỗi tháng tôi nhận từ 2-3 đợt, mỗi đợt 20 giỏ rồi phân phối cho tổ viên cùng đan. Khi rảnh rỗi, tổ có thể nhận đan nhiều sản phẩm hơn”.

 

Đa số chị em đều có việc làm chính nên nghề này được xem là nghề tay trái, có thêm thu nhập lúc rảnh rỗi và được nhiều chị em yêu thích vì có nhiều ưu điểm. Đối với đặc điểm sinh hoạt nông thôn, nghề này rất tiện lợi, chị em có thể vừa làm việc nhà, vừa đan giỏ, chưa kể việc phù hợp nhiều độ tuổi, giúp chị em thư thả hơn ngoài thời gian lo việc ruộng vườn, rẫy bái. Ngoài ra, nguồn tiêu thụ sản phẩm đảm bảo, giúp chị em an tâm về nguồn thu nhập thường xuyên. Với tay nghề sẵn có, các chị tự đan nhiều vật dụng trong nhà như: các cỡ giỏ để đựng nhiều vật dụng khác nhau hay sọt rác, ghế ngồi… Bà Đinh Thị Cúc (60 tuổi) rất thích nghề đan dây nhựa. Nhận nguyên liệu về nhà, không chỉ có bà mà 2 con dâu và cháu trai (bị dị tật 2 chân) kêu bà bằng dì cũng cùng làm để có thêm thu nhập. Bà Cúc chia sẻ: “Làm nghề này vui lắm, có đồng ra đồng vào, đan riết rồi ghiền luôn. Ngày nào bận rộn nhiều việc, tôi mới tạm nghỉ thôi”.

 

Ngoài việc cung ứng sản phẩm đều đặn cho đầu mối tiêu thụ sản phẩm, một vài tổ viên còn chủ động tăng cường tìm thêm mối quen để bán. Như chị Đỗ Thị Lệ Hoa, ở ấp Trường Trung A là một trong những hội viên tích cực chào bán sản phẩm ở chợ. Từng đợt, chị Hoa thu gom hàng trăm giỏ dây nhựa của các tổ viên đem bán, tạo sự phấn khởi trong chị em. Để hỗ trợ tìm thêm đầu ra cho tổ viên, cán bộ, hội viên phụ nữ xã tranh thủ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài địa phương có nhu cầu sử dụng giỏ nhựa, đặc biệt là những cơ sở kinh doanh cần số lượng lớn. Đầu ra ổn định hơn nên trong đợt khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ xã cuối năm 2014, khá nhiều chị em đăng ký học nghề đan dây nhựa.

 

Mô hình đan dây nhựa bước đầu đã phát huy hiệu quả tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho chị em phụ nữ, vì thế, địa phương có nhu cầu nhân rộng nghề này trên cơ sở đảm bảo đầu ra. Theo Trung tâm Dạy nghề huyện Phong Điền, trong khuôn khổ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2015, huyện có 1 lớp nghề đan dây nhựa được phân bổ tại xã Trường Long.

 

Theo Bài, ảnh: Mỹ Tú

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68563

Hôm nay:
0
Tháng này:
1038
Tổng lượt truy cập:
68563