Đăng ký xây dựng “Phường Văn hóa” từ cuối năm 2012, đến nay, phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, thiết chế. Nhưng điều chính quyền và nhân dân Thạnh Hòa trân trọng nhất là nếp sống văn minh đô thị dần hình thành bên cạnh lối sống nghĩa tình từ bao đời luôn được bà con vun đắp.
* Chung sức…
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Hòa, chia sẻ: Chỉ từ đầu năm 2013 đến nay, phường đã huy động hơn 25 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và chăm lo an sinh xã hội. Trong đó, bà con Thạnh Hòa đã góp hơn 7 tỉ đồng cùng chính quyền chỉnh trang diện mạo quê hương. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực xây dựng giao thông, hơn 2 năm qua, địa phương đã làm mới và sửa chữa gần 4.000m đường, trị giá gần 4,5 tỉ đồng, trong đó phân nửa do nhân dân đóng góp.
Hôm chúng tôi đến khu vực Phúc Lộc 2, bà con đang kiểm tra các vỉ sắt, vật liệu xây dựng chuẩn bị cho ngày thi công tuyến đường chợ Ngã Cạy - cầu Rạch Rích. Tuyến đường này trước đây rất nhỏ hẹp lại xuống cấp nên khó vận chuyển hàng hóa, nông sản. Được sự vận động của địa phương, tuyến đường được nâng cấp ngang 4m, dài gần 1.000m, tổng kinh phí hơn 1,160 tỉ đồng nhà nước hỗ trợ 60%, dân góp 40%. Dự kiến cuối tháng 5 này, công trình nâng cấp sẽ hoàn thành. Trước đó, phường Thạnh Hòa cũng đã khánh thành công trình nâng cấp đường Mương Điều dài hơn 450m, kinh phí gần 61 triệu đồng, hoàn toàn do dân đóng góp.
Chính quyền và bà con Thạnh Hòa đang kiểm tra vỉ sắt, vật liệu xây dựng, chuẩn bị đổ bê tông tuyến đường chợ Ngã Cạy - cầu rạch Rích, để kịp hoàn thành vào cuối tháng 5 này.
Ở Thạnh Hòa, hầu như công trình nào cũng có dấu ấn của người dân, khi thì tiền, đất, khi là công sức, bữa cơm ủng hộ. Nhờ vậy, từ những đường mòn chỉ vừa bước chân đi như Vạn Lịch - Xẻo Cao hay những cây cầu ván gập ghềnh như cầu Chú Lới… đã khang trang, an toàn. Ông Nguyễn Văn Hiền chia vui: "Cũng nhờ tinh thần vì cộng đồng của nhân dân mà đến nay, 100% đường vào khu vực đều đảm bảo xe ô tô đi được".
Ông Nguyễn Văn Nhị, Bí thư chi bộ khu vực Phúc Lộc 2, cho biết: bây giờ, việc vận động bà con đóng góp làm đường "dễ như trở bàn tay". Hễ địa phương có kế hoạch, chi tiêu cụ thể là bà con hưởng ứng. Kết quả đó cũng nhờ sự minh bạch trong thu chi, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình suốt nhiều năm qua. Ông Nguyễn Thành Đức, người dân Phúc Lộc 2, hào hứng: "Hồi trước muốn chở hàng hóa, nông sản phải đi ghe xuồng bây giờ xe ô tô đến tận nhà. Mỗi người góp một chút thì việc đi lại, giao thương thuận tiện, bộ mặt địa phương khang trang hơn".
Đến Thạnh Hòa, chúng tôi ấn tượng khi hai đầu cầu, đầu tuyến đường đều có bảng tên cùng những dòng chữ: kinh phí bao nhiêu, do ai đóng góp… Đó không chỉ là sự tri ân với những tấm lòng hào hiệp mà còn là tấm bảng biểu dương tinh thần vì cộng đồng của bà con Thạnh Hòa.
* Nếp sống mới
Bà Nguyễn Thị Ngọc Đính, Chủ tịch Hội LHPN phường Thạnh Hòa, cho biết mô hình "Thu gom phế liệu" của Hội, đều đặn 6 tháng 1 lần sẽ bán phế liệu thu gom được để gây quỹ khuyến học. Năm 2014, Hội đã trao hơn 2 triệu đồng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học từ tiền bán phế liệu. Theo bà Đính, sắp tới, Hội sẽ nhân rộng ra các chi, tổ hội cho hội viên tham gia, vừa góp phần giữ vệ sinh môi trường, vừa gây quỹ khuyến học. Phụ nữ Thạnh Hòa còn có nhiều mô hình rất nhân văn. Mô hình "Hũ gạo tình thương": mỗi bữa nấu cơm, các hội viên dành một nắm cho vào hũ để giúp đỡ người nghèo. Nhờ vậy, mỗi tháng quyên góp được hơn 35kg gạo làm từ thiện. Hay mô hình nuôi heo đất, hằng năm đều gom được hơn 2 triệu đồng giúp đỡ học sinh nghèo trong phường.
Hầu như các đoàn thể của phường đều được giao nhiệm vụ chỉnh trang đô thị. Điển hình là Đoàn phường Thạnh Hòa, từ năm 2013 đến đã xây dựng thành công 2 tuyến đường kiểu mẫu "xanh - sạch - đẹp - an toàn giao thông" tại khu vực Thạnh Phước 1 và Phúc Lộc 3. Đoàn viên vận động bóng đèn, dây điện và người dân hỗ trợ tiền điện để thắp sáng tuyến đường. Cứ khoảng 10 ngày, các bạn lại ra quân làm vệ sinh, quét dọn và phát quang toàn tuyến. Mỗi ngày, các đoàn viên của chi đoàn công an, quân sự đều tuần tra, canh gác, đảm bảo an ninh trật tự. Nhờ vậy, dọc tuyến đường, hàng rào, cột cờ thẳng tắp, chỉn chu, cây xanh, hoa kiểng rất đẹp.
Ở Thạnh Hòa có tập tục "tử thì táng" được duy trì hàng chục năm qua. Việc tang ma được tổ chức trong ngày hoặc qua ngày hôm sau, không quàn lại quá lâu, không tổ chức tiệc tùng và không nhận tiền phúng điếu. Tập tục này rất phù hợp với Quyết định 308/2005/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Cán bộ phường Thạnh Hòa cho biết, lẽ ra phường đã hoàn thành các tiêu chí "Phường Văn hóa" từ giữa năm 2014 nhưng bất ngờ xảy ra trọng án trên địa bàn phường. Dù là chuyện bộc phát nhưng địa phương cũng rút kinh nghiệm sâu sắc trong đảm bảo an ninh trật tự. Ngoài xây dựng cổng rào an ninh, địa phương còn bố trí các lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác, khép kín địa bàn; các đoàn thể kịp thời nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh của từng hội viên... Ngoài ra, Thạnh Hòa cũng đã ký kết với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP Cần Thơ về xây dựng phường không có tệ nạn ma túy, mại dâm; đầu năm 2015 là địa phương được Ban An toàn giao thông và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thốt Nốt thí điểm mô hình vận động toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2015.
*
* *
Đến Thạnh Hòa mùa này, đi giữa những cánh đồng mè đang mùa thu hoạch xen kẽ những ruộng lúa mướt xanh, cảm nhận nét đẹp đồng quê giữa đô thị. Không chỉ vậy, người dân Thạnh Hòa còn giữ được nếp sống đẹp truyền thống đáng trân quý. Đó là nền tảng xây dựng "Phường Văn hóa" ở Thạnh Hòa.
Theo Bài, ảnh: Đăng Huỳnh