Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Năng động giúp hội viên cùng làm giàu

11:50 - 27/03/2015

Ở tuổi 67, cô Nguyễn Thị Tám, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Trường Khương, xã Trường Long, huyện Phong Điền trông vẫn nhanh nhẹn, xốc vác. Không chỉ tự tay chăm sóc vườn vú sữa 5 công đang cho trái, đảm đang gánh vác việc nhà mà cô còn rất tích cực tuyên truyền, vận động chị em tham gia tổ chức Hội…

 

Gia đình cô Tám có 5 công vườn, trước đây trồng một số loại cây tạp nhưng gần 10 năm nay, cô chuyển hẳn sang trồng vú sữa. Hiện tại, với 60 gốc vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ hồng, mỗi năm trừ chi phí, cô Tám có lãi trên 80 triệu đồng. Cô Tám kể: “Năm 2000, tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã giới thiệu vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua cây giống, phân bón, máy móc, cải tạo vườn. Qua tìm hiểu, thấy cây vú sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn chuyển đổi sang trồng vú sữa”. Tuy nhiên, muốn trồng vú sữa đạt năng suất, hiệu quả cao cũng lắm “bí quyết”. Theo cô Tám, trồng vú sữa quan trọng và cực nhất là khâu chăm sóc, phải thường xuyên thăm vườn, cắt tỉa “trẻ hóa” cành; chọn thời điểm bón phân thích hợp; khống chế đọt, kỹ thuật xử lý cho trái sớm; chằng chéo cây khỏi ngã đổ…

 

Cô Nguyễn Thị Tám, ở ấp Trường Khương, xã Trường Long, huyện Phong Điền chăm sóc vườn vú sữa của gia đình.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, suốt nhiều năm gắn bó với công tác Hội, cô Tám luôn trăn trở làm thế nào để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng những mô hình làm ăn kinh tế đạt hiệu quả. Trên cơ sở nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Trồng vú sữa của ấp Trường Khương A, tháng 3-2013, Chi hội Phụ nữ ấp Trường Khương cũng tiến hành ra mắt CLB làm vườn, với trọng tâm là trồng cây vú sữa, bước đầu có 12 thành viên là hội viên phụ nữ của ấp với tổng diện tích vườn khoảng 8,7 ha và trồng trên 970 gốc vú sữa. Mỗi năm cho thu hoạch trên 1,12 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 800 triệu đồng. Cô Tám bộc bạch: “Trước đây, tôi và một số chị khác trong ấp cũng trồng nhiều loại cây khác nhau như: dừa, ca cao, chanh tứ quý… Sau đó, nhận thấy một số người dân trên địa bàn trồng vú sữa đạt hiệu quả kinh tế cao, thế là người này bảo người kia, dần dần cây vú sữa trở nên chiếm ưu thế”.

 

 

Theo cô Tám, khi vào CLB, chị em không chỉ được tập huấn kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây vú sữa, còn có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm vườn nói chung, trồng vú sữa nói riêng; qua đó, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình dịch bệnh, hợp đồng mua cây chống đỡ nhánh vú sữa cũng rẻ hơn… Cô Tám chia sẻ: “Đa số các chị em tham gia CLB đều có kinh nghiệm làm vườn trước đó; có người trồng vú sữa lâu năm nhưng cũng có người mới trồng. Vì vậy, đây cũng là dịp để chị em chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và kịp thời tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và cuộc sống”.

 

Nhằm giúp các thành viên nắm vững kiến thức, kỹ thuật, năm 2014, cô tham mưu các cấp Hội phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở 1 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 35 thành viên CLB Trồng vú sữa của ấp Trường Khương về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vú sữa và cho ra trái nghịch mùa; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ về kinh nghiệm xử lý bệnh trên cây vú sữa…Từ hiệu quả CLB mang lại, đến nay, CLB có 41 thành viên, với tổng diện tích 12,55 ha, trồng 1.470 gốc vú sữa. Hiện tại, trong số 41 thành viên của CLB có 36 người được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư mua máy móc, phân bón… phục vụ cho việc trồng trọt. CLB cũng đang duy trì 1 tổ hùn vốn xoay vòng, đã cho 18 lượt chị mượn, với số tiền 108 triệu đồng. Năm 2014, mô hình CLB Trồng vú sữa của Chi hội Phụ nữ ấp Trường Khương, xã Trường Long được UBND thành phố tặng Bằng khen mô hình dân vận khéo.

 

Nhớ lại những ngày đầu khi mới tham gia công tác Hội, lúc đó điều kiện đi lại rất khó khăn, lắm lúc cô phải lội ruộng hoặc quá giang ghe đi tuyên truyền, vận động, nhưng cô vẫn không nản lòng. Cô Tám luôn sắp xếp thời gian, cân bằng việc nước- việc nhà hợp lý, chu đáo, cũng như thường xuyên đến nhà thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của hội viên mà có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Cô Tám tâm sự: “Đa số chị em vùng nông thôn sống chủ yếu nghề nông, trình độ học vấn thấp, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để góp phần nâng cao nhận thức, trình độ cho chị em, trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, tôi đều chú ý lồng ghép các nội dung tuyên truyền các phong trào, nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; song song với việc vận động chị em thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; phòng chống bạo lực gia đình…”.

 

Chị Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền, chia sẻ: “Cô Tám không chỉ là một cán bộ Hội giàu kinh nghiệm, tích cực, nhiệt tình trong công tác mà còn là một gương phụ nữ vượt khó tiêu biểu. Riêng mô hình CLB “Trồng vú sữa” do cô Tám làm chủ nhiệm 2 năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực, qua đó giúp nhiều chị em ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập và tạo điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau”.

 

Theo Bài, ảnh: TUỆ ANH

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69569

Hôm nay:
22
Tháng này:
106
Tổng lượt truy cập:
69569