Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Nâng cao kiến thức để hòa nhập cuộc sống gia đình Hàn Quốc

10:19 - 12/01/2016

Chương trình giáo dục, định hướng phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc được Bộ Bình đẳng giới (BĐG) và Gia đình Hàn Quốc và TW Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam chọn TP Cần Thơ triển khai thực hiện vừa kết thúc giai đoạn 2013-2015, mở ra kỳ vọng mới trong Bản ghi nhớ giai đoạn 2016-2018. Để giúp quá trình di cư sang Hàn Quốc của phụ nữ Việt Nam đảm bảo an toàn, chương trình chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về đất nước, xã hội đa văn hóa ở Hàn Quốc...

Chương trình giáo dục, định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc (gọi là chương trình) được Trung ương Hội LHPN Việt Nam giao cho Ban Thường vụ Hội LHPN Việt Nam TP Cần Thơ hợp tác với Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên Hiệp Quốc – Hàn Quốc (Văn phòng Kocun Cần Thơ) thực hiện từ tháng 9-2011 đến nay. Chương trình cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin về văn hóa, phong tục, tập quán, luật pháp của đất nước mà các phụ nữ Việt Nam sẽ đến làm dâu, học về kỹ năng sống, làm mẹ, làm vợ… Đây là tiền đề để các cô dâu có thể sớm thích nghi và dần dần vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhanh chóng hòa nhập cuộc sống gia đình Hàn Quốc. Điều đó góp phần làm giảm thiểu rất nhiều rủi ro đối với phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân tại nước ngoài, đồng thời thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ về tăng cường tuyên truyền, quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài, lành mạnh hóa các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; đưa quan hệ ngoại giao của TP Cần Thơ - Hàn Quốc ngày càng phát triển.

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, từ năm 2013 đến tháng 9-2015, toàn thành phố có 2.198 trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân Hàn Quốc. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND TP Cần Thơ trong việc quản lý nhà nước về hộ tịch tại địa phương và thực hiện đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền, Sở Tư pháp làm tốt lĩnh vực đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Các trình tự thủ tục giải quyết hồ sơ được niêm yết công khai, minh bạch, đảm bảo chặt chẽ theo pháp luật. Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công dân Việt Nam, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật hộ tịch… Nhờ vậy, số người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài gia tăng không đáng kể so với trước đây. Để tránh những rủi ro không đáng có đối với phụ nữ Việt Nam tham gia các quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp, Sở Tư pháp TP Cần Thơ, kiến nghị: Các ngành, các cấp quan tâm giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ, nhất là việc phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo cuộc sống phụ nữ còn khó khăn, vùng nông thôn, dân tộc thiểu số. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài, theo đó sửa đổi quy định giải quyết xung đột pháp luật về hình thức kết hôn có yếu tố nước ngoài; tiếp tục thực hiện việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước có đông người Việt Nam cư trú, sinh sống. Hàn Quốc hỗ trợ cộng đồng người Việt, quan tâm dạy tiếng Việt cho con em gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, cần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc…

Qua thống kê cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 10-2015, chương trình giảng dạy 2.932 học viên các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và tiếp giáp với TP Cần Thơ như: Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long…, đáp ứng nhu cầu phụ nữ di cư theo diện kết hôn khu vực phía Nam. Có 70,77% học viên dưới 25 tuổi, trong khi chồng Hàn Quốc hầu hết khoảng 40 tuổi, sự chênh lệch về tuổi tác rất lớn. Độ tuổi trung bình của học viên khoảng 23 tuổi và độ tuổi trung bình của chồng khoảng 42 tuổi (chênh lệch nhau 19 tuổi). Có 17 trường hợp học viên và chồng cách nhau hơn 30 tuổi, trong đó có 3 trường hợp học viên và chồng cách nhau 40 tuổi. Nhìn chung, trình độ học vấn học viên còn thấp, 47,03% học viên có trình độ cấp II (gồm những trường hợp tốt nghiệp cấp II và thôi học giữa chừng). Số lượng học viên có trình độ cao đẳng, đại học gần 10%. Khi được hỏi về lý do kết hôn với nam giới Hàn Quốc và học viên có thể chọn nhiều câu trả lời, có 53,12% học viên trả lời vì tình yêu; 25,44% muốn sống tại một số nước phát triển; 14% mong muốn có thể giúp đỡ gia đình; 1,92% muốn đến Hàn Quốc để đi làm và 5,52% cho biết kết hôn vì nhiều lý do, trong đó có kinh tế.

Ở tỉnh Hậu Giang, đời sống kinh tế khu vực nông thôn còn khó khăn, nữ thanh niên thiếu việc làm, cộng với mạng lưới môi giới hôn nhân bất hợp pháp với nhiều chiêu thức hoạt động tinh vi, dụ dỗ, lôi kéo phụ nữ lấy chồng nước ngoài, trong khi nhiều cô gái nhẹ dạ, suy nghĩ kết hôn với người nước ngoài sẽ giúp gia đình có khoản tiền trang trải cuộc sống; toại nguyện ước mơ giàu sang nơi xứ người. Theo Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang, từ năm 2013 đến tháng 10-2015, toàn tỉnh có 16 trường hợp đăng ký kết hôn và 1.144 trường hợp ghi chú kết hôn với người Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn sâu. Nhiều phụ nữ chưa nhận thức hết các hệ lụy kết hôn qua môi giới, vội đồng ý kết hôn với người Hàn Quốc. Cùng thời gian này, toàn tỉnh xảy ra 88 vụ xin ly hôn với người Hàn Quốc. Hầu hết phụ nữ không chịu nổi khó khăn, vất vả, tủi nhục, trốn về Việt Nam sinh sống với hai bàn tay trắng. Từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN tỉnh giới thiệu trên 600 phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người Hàn Quốc tham gia các khóa học giáo dục định hướng tại TP Cần Thơ. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Hiện nay, Hội LHPN tỉnh thành lập Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, tư vấn miễn phí các trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Để góp phần nâng cao kiến thức phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em trong cộng đồng, tỉnh tổ chức dạy nghề, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho nữ thanh niên nông thôn, nhất là vùng nông thôn nghèo, khó khăn, để giảm áp lực "xuất ngoại" bằng mọi giá để kiếm tiền".

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, đánh giá cao thành quả chương trình thời gian qua, đồng thời yêu cầu Hội LHPN thành phố và Văn phòng Kocun Cần Thơ cùng Trung tâm Hàn Quốc học Trường Đại học Cần Thơ thực hiện tốt nội dung bản ghi nhớ ký kết giai đoạn 2016-2018. Các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hôn nhân có yếu tố nước ngoài, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ vì mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc. Các ngành, đoàn thể thành phố tăng cường vai trò, trách nhiệm và phối hợp tốt với Hội LHPN về quản lý hôn nhân có yếu tố nước ngoài; có biện pháp hỗ trợ phụ nữ lấy chồng nước ngoài bất hạnh trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống...

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69504

Hôm nay:
13
Tháng này:
41
Tổng lượt truy cập:
69504