Không biết từ bao giờ, cái tên "xóm nổ" đã trở thành địa danh thân thương và quen thuộc được nhiều người nhắc đến, mỗi khi nói về xóm nghề làm cốm thuộc ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề cốm là một trong những kênh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và là cầu nối gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Trong hơi gió se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé ngang xóm nổ, mùi thơm của cốm làm chúng tôi nao nao nhớ về những cái Tết hơn 20 năm về trước. Khi đó, đời sống người dân vùng đất lúa huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ này còn nhiều khó khăn. Ngày Tết, ngoài dưa hấu, những món bánh mứt trong nhà hầu hết đều do người dân tự làm lấy bằng những sản vật quen thuộc. Trong đó, món cốm gạo được nhiều gia đình ưa chuộng vì nguyên liệu sẵn có, chi phí rang cốm không nhiều. Tết đến, trong nhà có mẻ cốm gạo vừa ngọt, béo, tiện lót dạ mỗi khi đói rất dễ làm hài lòng những đứa trẻ. Vì thế, dịp Tết, "xóm nổ" hoạt động gần như hết công suất vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của bà con.
Ông Nguyễn Văn Sang, người mở lò cốm đầu tiên ở xóm nổ này bồi hồi nhớ lại: "Lúc trước, mùa Tết làm cốm đắt nhất. Bà con chờ lấy cốm đông như hội, tấp nập suốt ngày. Xuồng đậu dưới sông dày như bến chợ. Chúng tôi làm cốm từ sáng sớm đến tối mịt. Có năm, đến giao thừa mà lò vẫn đỏ lửa vì bà con còn chờ xong mẻ cốm để đem về ăn Tết. Nhờ vậy, đời sống những người làm cốm cũng khá giả hơn". Tuy nhiên, nhiều năm nay, những cái Tết đông đúc, rộn ràng như trước đã không còn, có lẽ vì bánh trái đa dạng, phong phú từ màu sắc đến hương vị, rất dễ mua, trong khi đời sống người dân ngày càng được nâng lên, khiến thị hiếu ẩm thực ít nhiều thay đổi. Người ăn cốm ít đi, "xóm nổ" cũng ngày một thưa dần, từ 8 gia đình chuyên làm cốm, nay chỉ còn 3 gia đình hết lòng sống với nghề.
Nhân công vô bọc cốm, chuẩn bị giao hàng cho khách.
Những buổi sáng sớm, mùi thơm cốm rang cùng tiếng cười nói rộn ràng của lao động "xóm nổ" luôn thu hút sự chú ý của nhiều người qua lại. Xen lẫn trong không gian vui tươi ấy, thỉnh thoảng một tiếng nổ giòn vang lên, báo hiệu mẻ cốm nữa sắp hoàn thành. Tất cả thanh âm này được xem là đặc trưng dễ nhận biết của "xóm nổ". 3 gia đình làm cốm thu hút gần 20 lao động, chủ yếu là người dân trong xóm. Trong đó, lò cốm gia đình ông Nguyễn Văn Sang thuê 7 lao động làm các công đoạn: quay cốm, ngào cốm và vô khuôn, cắt cốm rồi đóng gói sẵn, chờ bạn hàng đến lấy. Thấy người ăn cốm thưa thớt dần, những người làm cốm nghĩ ra nhiều loại cốm và bánh khác để thu hút người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người làm cốm như: cốm bắp, cốm sò (được làm từ nui), bánh phồng tôm. Bà Lê Thị Cẩm Hường, nhân công lò cốm, vừa hối hả xúc cốm sò vô bọc, vừa tâm sự: "Mỗi ngày, tôi kiếm được vài chục ngàn đồng với công việc vô bọc cốm, gói ghém đủ chi tiêu lặt vặt trong nhà. Nhưng bù lại, ngày nào cũng có việc làm và kết thúc sớm. Công việc không nặng nhọc, phù hợp với sức khỏe của tôi".
Hai công đoạn chính của nghề làm cốm là quay cốm và ngào cốm. Trong đó, quay cốm cần sức khỏe, khả năng chịu đựng tốt, có kinh nghiệm canh lửa nên thường giao cho đàn ông phụ trách. Gạo, bắp, nui được cho vào máy quay cốm đặt trên bếp lửa và quay liên tục để cốm không khét. Khi nào áp suất bên trong đạt tiêu chuẩn thì máy quay cốm bung nắp, kèm theo tiếng nổ giòn giã, áp suất đẩy những hạt cốm nở bung, thơm lừng ra ngoài để chuẩn bị đem ngào đường. Những ai chưa biết về nghề làm cốm có thể bị giật mình bởi tiếng nổ này.
Nhu cầu ăn cốm ngày Tết giảm nhiều nhưng người làm cốm ở xóm nổ vẫn còn 2 dịp khác trong năm để kiếm thu nhập là mùa lúa và mùa nước nổi. Bà Âu Thị Thu Hồng, chủ lò cốm ở ấp Thạnh Lợi, cho biết: "Tôi theo nghề trên 20 năm. Thu nhập từ nghề giúp tôi ổn định kinh tế gia đình và nuôi các con khôn lớn. Đến nay, dù lượng khách ít dần nhưng tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng/ngày". Hiện nay, bà Hồng thuê thêm 4 nhân công phụ làm cốm với 4 thành viên gia đình. Mỗi mẻ cốm hoàn thành, người làm thuê được chia 5.000 đồng tiền công. Mỗi ngày, bà Hồng bắt đầu làm cốm từ khoảng 4 giờ sáng đến hơn 11 giờ trưa, được khoảng 20 mẻ cốm, giao cho các mối quen đến mua về bán lại.
Những mẻ cốm thơm ngọt của "xóm nổ" theo tay bạn hàng đến với người tiêu dùng khắp nơi. Mỗi mẻ cốm bán ra, bạn hàng kiếm được 20.000 đồng. Hai năm nay, chú Nguyễn Văn Giỏi, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đến "xóm nổ" mua cốm về bán lại. Nhà có tiệm tạp hóa nhỏ, lại gần trường học nên chú tranh thủ bán thêm cốm, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, đôi lúc bán chậm, chú phải ra chợ rao bán cốm trước khi hết hạn sử dụng. Chú Giỏi cho rằng, bán cốm lời không nhiều nhưng cùng với nhiều hàng hóa khác, cốm góp phần giúp gia đình có thu nhập ổn định.
Cốm, đặc biệt là cốm gạo, có thể không sang trọng như những món bánh khác nhưng là một trong những món ăn truyền thống, gắn liền với làng mạc, quê hương. Càng ý nghĩa hơn là cốm được làm ra từ chính bàn tay khéo léo của những người thợ chân chất, vừa mang đến cho người tiêu dùng món ăn dân dã nhưng ngọt thơm, vừa giúp nhiều lao động có việc làm và thu nhập.
Bài, ảnh: Mỹ Tú