Tại hội thi trưng bày sản phẩm khéo tay, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Ninh Kiều tổ chức, nhiều người ấn tượng với sản phẩm đầu lân, ông địa làm bằng tay của cô Lâm Thị Hiền (ở khu vực 3, phường An Lạc). Sản phẩm trưng bày của cô Hiền đoạt giải Ba. Cô Hiền còn khoe: "Hôm đó, tôi bán tổng cộng được 1 triệu đồng. Tui rất vui khi sản phẩm của mình được mọi người ưa chuộng".
Cô Hiền biết đến nghề làm đầu lân, ông địa truyền thống là do cha ruột truyền lại. Hơn 20 năm nay, nhiều người bắt gặp hình ảnh của cô Hiền với sản phẩm quen thuộc được bày bán ở góc đường trước Nhà khách Cần Thơ. Cô Hiền tâm sự: "Gia đình tôi làm sản phẩm suốt năm nhưng đa số trữ lại, tầm Tết Trung thu đến Tết Nguyên đán mới đem đi bán. Ngoài ra, những mối khách quen thì tìm đến tận nhà để mua…". Cô Hiền cho biết nghề này nếu làm quen cũng không khó lắm nhưng cần sự khéo léo và tỉ mỉ. Sở dĩ cô gắn bó với nghề được lâu như vậy là vì lòng yêu nghề, muốn phát huy nghề truyền thống và hơn hết là tấm lòng đối với trẻ thơ. Cô Hiền kể: "Mặt hàng này làm hoàn toàn bằng tay nên không được hiện đại, không có đèn chớp, âm thanh như các sản phẩm điện tử khác. Nhưng nhờ tôi có duyên buôn bán và ăn nói, tôi được người ta thương, thường hay mua hàng ủng hộ…". Khi hỏi về lợi nhuận của mỗi sản phẩm, cô Hiền không tính được chính xác nhưng phỏng chừng "cũng lời nhiều lắm à!". Thế nhưng, cách tính của cô bao gồm tiền mua nguyên phụ liệu, chứ còn công mà bốn mẹ con cô bỏ ra mỗi ngày cho một sản phẩm thì không thể tính hết. Cô Hiền kể: "Thông thường, một ngày, bốn mẹ con ngồi dán ròng rã từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa thì được 15 đầu con lân, nếu dán đầu ông địa thì nhiều hơn. Còn những công đoạn khác như: dán kim sa, gắn râu, hay vẽ mặt thì nhanh hơn…".
Kể về "nhân sự" làm đầu lân của gia đình mình, cô Hiền cho biết hiện tại có tổng cộng 4 người nhưng không thường xuyên. Trong đó, cô Hiền chủ yếu trông coi "vòng ngoài", mua nguyên phụ liệu, bán sản phẩm; người con gái thứ ba thì đi giúp việc nhà, giác hơi… chỉ có con gái lớn và người con trai út là ở nhà làm xuyên suốt. Cô Hiền kể: "Trước đây, ông xã tôi còn phụ giúp công việc chẻ tre, mua nguyên liệu nhưng cách đây hai năm, ông ấy chuyển về Bắc sinh sống và ở luôn ngoài ấy nên ở nhà chỉ còn lại bốn mẹ con". Cô Hiền có tổng cộng 4 người con (3 gái, 1 trai), hiện một người con gái đã có gia đình; 3 người còn lại sống chung và cùng làm sản phẩm đầu lân với cô. Cũng theo cô Hiền, các con cô cũng không được "lanh lẹ" lắm. Riêng người con gái lớn bị khuyết tật câm điếc, người con gái thứ hai cũng hơi "nặng tai", còn người con trai út thì hơi khù khờ… Vì vậy, hầu như mọi việc lớn nhỏ trong nhà, tính toán cân đối chi tiêu gia đình, đều do một tay cô gánh vác, lo liệu. Cô Hiền khoe: "Tôi mới mua được 10 kg bột, 10 kg đường để dành làm bánh bò bán nhân dịp Thanh minh. Ngày thường thì tranh thủ lấy bánh thửng đi bán dạo. Tiền buôn bán mỗi ngày, phần nào để dành trả nợ thì tôi để riêng, phần còn lại gom góp từ từ để mua đồ đạc đi bán, lo chi phí sinh hoạt trong gia đình". 3 năm nay, gia đình cô Hiền được địa phương công nhận thoát nghèo và gia đình cô đang nỗ lực để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Cô Hiền kể: "Niềm lạc quan vui sống giúp tôi vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống. Thời gian qua, tôi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ rất nhiều, nhất là được Hội LHPN phường hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi. Trong những dịp lễ, Tết, gia đình tôi hay được tặng quà, tặng gạo. Hàng tháng, con gái lớn của tôi được nhận tiền trợ cấp 300 ngàn đồng cho trường hợp bị khuyết tật nặng. Tôi chỉ mong mình có đủ sức khỏe để cố gắng phát huy ngành nghề truyền thống, phát triển kinh tế gia đình và là chỗ dựa cho các con…".
Nhận xét về nghị lực vượt khó của cô Hiền, chị Lê Ngọc Tưởng, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Lạc, cho biết: "Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chị Hiền vẫn cố gắng chí thú làm ăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Tấm gương về nghị lực vượt khó của chị rất đáng trân trọng, biểu dương".
Bài, ảnh: TUỆ ANH
Nguồn: Báo Cần Thơ