Với tình thương, trách nhiệm đối với gia đình, nhiều phụ nữ không quản khó khăn, vất vả, thậm chí sự nguy hiểm…đảm đương những công việc thường chỉ dành cho nam giới. Tuy có phần cực nhọc, nhưng đa số các chị thấy tự tin, hài lòng khi có thu nhập ổn định, chăm lo cho cuộc sống gia đình tốt hơn…
Chọn việc nặng nhọc, vất vả
Một trong những công việc nặng nhọc và khá nguy hiểm mà nhiều phụ nữ hay chọn là công việc phụ hồ. Theo các chị, công việc này tuy vất vả nhưng tương đối dễ tìm, không cần trình độ chuyên môn mà thu nhập lại khá. Chị Nguyễn Thị Khá (quận Cái Răng) tâm sự: "Tôi theo nghề phụ hồ từ thời con gái đến nay cũng gần 15 năm. Lúc mới làm việc tôi cảm thấy rất mệt, chân tay đau nhức, uể oải nhưng làm riết rồi cũng quen...". Với tiền công mỗi ngày khoảng 120 ngàn đồng, chị Khá tỏ ra rất vui vì được góp sức cùng chồng lo cho hai đứa con ăn học. Tương tự, chị G. (quê Cờ Đỏ) cũng có hơn 7 năm "kinh nghiệm" làm phụ hồ. Chị G. chia sẻ: "Ngày trước, ở dưới quê tôi chỉ biết làm ruộng, chăn nuôi. Đến khi lấy chồng về thành phố không có nghề nghiệp gì nên cùng chồng đi làm phụ hồ. Tuy vất vả nhưng cũng vui vì hai vợ chồng làm chung nên cũng có điều kiện chăm sóc lẫn nhau...".
Ở tuổi 56, hàng ngày, cô Nguyễn Thị Hoa (quận Ninh Kiều) đẩy xe dừa nặng vài trăm ký đi dán dạo. Cô gắn bó với nghề gần 30 năm nay. Từ tờ mờ sáng cô Hoa đã có mặt tại các vựa để lấy dừa và đẩy đi bán khắp nơi trong quận Ninh Kiều đến tận trưa. Cô Hoa tâm sự: "Tôi đi bán dừa từ thời con gái, sau này lập gia đình thấy quen việc. Nghề này tuy vất vả nhưng nếu chịu khó một chút thì thu nhập cũng khá nên tiếp tục làm. Mỗi ngày, tôi vừa bỏ mối vừa bán lẻ từ 150 đến 200 trái dừa, mỗi trái cũng lời trên dưới 1.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình". Kinh nghiệm bán buôn của cô Hoa là ngoài tạo uy tín về chất lượng, giá cả phải chăng thì việc đẩy xe dừa đi bán ở các khu dân cư cũng là một lợi thế. Vì vậy, mỗi ngày dù nắng hay mưa, sớm hay muộn gì cô cũng đẩy xe đi bán để "giữ chân" khách hàng.
Đến những nghề "kén" phụ nữ
Ngày nay, các khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà sách… mọc lên càng nhiều, theo đó công việc bảo vệ, vệ sĩ cũng được một số chị em lựa chọn. Vốn có vẻ bề ngoài khá giống nam giới, tánh tình lại cương trực, mạnh mẽ nên K. (quê Hậu Giang) chọn cho mình việc làm vệ sĩ cho một siêu thị. Trò chuyện với một số chị em cùng làm nghề này, hầu hết cho rằng đây là công việc không khó, nhưng yêu cầu phải có sức khỏe tốt, luôn giữ tư thế nghiêm trang, tuân thủ theo quy tắc nhưng đồng thời phải giữ thái độ hòa nhã, thân thiện. Lúc đầu, một số chị em mới vào nghề bị "sốc", khá lúng túng khi gặp khách hàng nam trêu chọc, thậm chí có những cử chỉ quá đà. Theo các chị, do yêu cầu của công việc nên phải đứng suốt, có khi đến 9-10 giờ đêm, vào những dịp lễ, Tết hay cuối tuần thì công việc vất vả gấp bội, do vậy phải thật sự chịu khó và yêu nghề các chị mới "trụ" lâu với nghề được. Chị T. (quận Cái Răng) - nhân viên bảo vệ tại một siêu thị lớn trong thành phố, chia sẻ: "Công việc này khá vất vả, phải đứng suốt ca trực, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt mới đảm đương nổi. Lúc đầu, tôi lo phải bỏ cuộc giữa chừng nhưng càng về sau càng thấy yêu thích và gắn bó hơn với nghề". Theo chị T. tâm sự, trước đây vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên học hết phổ thông, chị phải bươn chải, làm công việc nặng nhọc, vất vả khác nhau để đỡ đần cha mẹ. Cuối cùng, chị chọn nghề bảo vệ- một phần thấy phù hợp với bản thân, một phần vì được làm chung với chồng để có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc...
Cô Nguyễn Kim Định gần 30 năm làm nghề bơm, vá, sửa xe cho khách.
Trong cuộc sống, còn rất nhiều công việc nặng nhọc mà các chị em không ngại đảm đương, như nghề sửa xe, lái taxi hay chạy xe ôm. Cô Nguyễn Kim Định (quận Ninh Kiều) làm nghề bơm, vá, sửa xe cho khách suốt gần 30 năm qua. Đôi tay chai sần, dính đầy dầu nhớt của cô tháo, cạy vỏ xe, sửa xe thành thạo không thua kém đàn ông. Cô Định tâm sự: "Trước đây, hai vợ chồng tôi chia "ca", chồng tôi làm ban ngày, tôi tranh thủ làm buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nay, ổng bệnh rồi qua đời nên một mình tôi làm từ 6 giờ sáng tới khoảng 10 giờ tối...".
Tương tự cô Định là trường hợp cô M. (quận Ninh Kiều). Vì gia cảnh khó khăn, chồng cô lại thường xuyên đau ốm, không thể lao động nặng... nên cô phải làm thuê đủ thứ việc để nuôi cả gia đình. Hiện cô đang làm nghề chạy xe ôm. Cô M. tâm sự: "Lúc đầu ra bến ngồi đợi khách cũng thấy vất vả và hơi ngại, nhưng về sau được mấy anh em chỉ dẫn đường sá, thậm chí nhường rước khách, tôi thấy an tâm và gắn bó với nghề này". Vì là phụ nữ nên khách đi xe của cô M. là chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em... Cô M. tâm sự: "Nghề nào cũng có sướng, khổ riêng miễn sao công việc đó kiếm tiền chính đáng và bản thân mình thấy phù hợp, yêu thích là được". Với hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô M. có rất nhiều "mối quen". Mỗi khi trong xóm ai có việc cần, bất kể lúc nào gọi là cô cũng có mặt. Hiện nay, do tuổi cao, sức khỏe có phần giảm sút nên cô ít khi ra bến chờ khách mà chủ yếu chở khách "theo yêu cầu" và nhận vận chuyển hàng hóa…
Để mưu sinh, nhiều phụ nữ đã không ngại làm những công việc nặng nhọc, vất vả. Các chị là những tấm gương cần cù lao động, vượt khó đáng được gia đình và xã hội trân trọng, quý mến.
Theo Bài, ảnh: TRÂM ANH