Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Khi trẻ nói dối

02:05 - 27/07/2011
Khi trẻ biết nói dối, thậm chí phủ nhận cả những điều hiển nhiên sờ sờ trước mắt, nhiều bậc cha mẹ có thể nổi nóng, kèm theo tâm trạng lo lắng về tật xấu của con…

Khi trẻ biết nói dối, thậm chí phủ nhận cả những điều hiển nhiên sờ sờ trước mắt, nhiều bậc cha mẹ có thể nổi nóng, kèm theo tâm trạng lo lắng về tật xấu của con…

Tùy thuộc vào độ tuổi mà trẻ có “động cơ” nói dối khác nhau. Khoảng 4-5 tuổi, trẻ thường nói dối một cách ngây ngô, “dấu đầu hở đuôi”, hành vi nói dối của bé là chỉ nhằm làm vừa lòng cha mẹ khi bé vi phạm điều cấm, hoặc nói lên những ước ao của mình và mong nó trở thành sự thật. Đến 6 tuổi, trẻ vẫn còn lẫn lộn giữa thực tế với ảo tưởng, xem truyền hình bé vẫn chưa biết đâu là chuyện thật, đâu là chuyện giả, vì thế trẻ dễ được cha mẹ tha thứ.

Từ 6 tuổi trở lên, trẻ bắt đầu biết suy luận, phân biệt được phải trái, trẻ thật sự biết mình nói dối. Điều này khiến các bậc cha mẹ vô cùng khó chịu và bối rối nhưng vẫn có thể biện hộ được, trẻ nói dối vì sợ bị trừng phạt, trẻ thường phủ nhận hành động của mình hoặc đổ vấy cho kẻ khác để mình được “chạy tội”. Ví dụ trẻ làm vỡ chiếc lọ hoa quý của mẹ, nhưng lại đổ thừa cho chú mèo; trót ăn chiếc bánh, nhưng lại đổ cho con cún ăn vụng. Đây là thái độ thông thường ngay cả với những đứa trẻ được cha mẹ dạy dỗ sát sao, và ngay cả với những em 11, 12 tuổi- tuổi mà tự các em cũng không chấp nhận người khác nói dối mình.

CHA MẸ PHẢI “ĐỐI PHÓ” THẾ NÀO?

Đừng mở đường cho trẻ nói dối:Tục ngữ có câu “vẽ đường cho hươu chạy”, hoặc “nối giáo cho giặc” để chỉ hành động đồng lõa hoặc khuyến khích, tiếp tay cho kẻ xấu. Ở đây cũng vậy, dù vì bất cứ lý do gì, cha mẹ cùng đừng bao giờ nói dối trước mặt bé, hoặc dạy bé nói dối. Ví dụ, không muốn nghe điện thoại thì xui bé nghe và trả lời là “mẹ cháu đi vắng”; không muốn cho hàng xóm mượn chiếc kìm thì lại nói là “nhà không có”, trong khi bé biết chắc là có. Khi muốn biết trẻ có làm điều gì sai trái hay không nên vừa hỏi vừa mớm cho bé câu trả lời. Ví dụ, người hàng xóm nói con của bạn lấy đồ chơi của con chị ta, bạn không nên hỏi: “ con không lấy đồ chơi của bạn Bống mang về nhà mình đó chứ?” ngay cả với trẻ thành thật nhất, khi thấy mẹ đã “mở lối thoát” cho như thế nó cũng không ngần ngại trả lời “con không lấy đâu ạ”.

Không dồn trẻ vào ngõ cụt: Không nên quá chú tâm vào những lời phủ nhận của trẻ, đừng đay nghiến trẻ với những chứng cớ buộc tội. Mục đích chính yếu của cha mẹ là tạo cho trẻ lòng can đảm để nhìn nhận sự thật chứ không phải dồn ép cho đến khi trẻ nhận tội. Nếu thấy trẻ còn chần chừ, phân vân, đừng lấy đó để tấn công buộc tội mà hãy mở cho trẻ một lối thoát mà trong đó danh dự của trẻ được bảo toàn. Hãy để trẻ có thời gian suy nghĩ về hành động của mình bằng cách nói khéo: “có những điều cũng khó nói. Nếu thấy không tiện nói ra thì con cứ suy nghĩ cho kỹ, rồi viết ra giấy cho mẹ vậy”.

 

Đừng trừng phạt trẻ quá đáng: Nếu bạn làm quá, trẻ sẽ ngoan cố nói dối đến cùng, vì đứa trẻ nào mà không “mất hồn” khi bố mẹ “tuyên án” và trừng phạt. Ngoài sợ bị phạt, trẻ còn có thể nói dối vì bất mãn hoặc sợ xấu hổ nữa! Đa số các bà me có nhược điểm là hay đay nghiến dai dẳng lúc nào cũng càu nhàu nói mãi là bé chưa ngoan, chưa thành thật…cứ bị thách thức, tra tấn tinh thần như vậy, trẻ có thể càng nói dối nhiều hơn.

Rộng lượng và tha thứ: Với trẻ mới lớn, nói dối và phủ nhận là cách tự bảo vệ, khẳng định chính mình. Chúng biết rằng cha mẹ không muốn nghe mình biện bạch, giãi bày. Suy nghĩ đó có thể không đúng, nhưng chúng sợ bị kiềm chế, mất tự do, nên thay vì giải thích, phân trần nên chúng đã chọn biện pháp nói dối cho qua chuyện để tránh tranh luận lôi thôi có thể dẫn tới xung đột với cha mẹ. Thái độ đúng đắn nhất là cha mẹ phải tạo cho con niềm tin và sự công bằng và sự rộng lượng để trẻ có đủ can đảm nhìn nhận việc mình làm, từ đó hình thành tinh thần trách nhiệm và tính trung thực cho trẻ.

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69091

Hôm nay:
3
Tháng này:
501
Tổng lượt truy cập:
69091