Bạo lực gia đình (BLGĐ) là tệ nạn xã hội, gây tổn thương mạnh mẽ về tinh thần và thể chất cho nạn nhân, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em, tác động không tốt đến cá nhân, gia đình và xã hội. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ triển khai nhiều chương trình, kế hoạch truyền thông phòng, chống BLGĐ, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, giảm thiểu các vụ BLGĐ tại địa phương…
Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020 của UBND TP Cần Thơ và Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…, Ban Thường vụ Hội LHPN TP Cần Thơ triển khai kế hoạch hành động thực hiện phòng, chống BLGĐ năm 2015, trong đó chọn huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh là điểm chỉ đạo tổ chức truyền thông cộng đồng về phòng, chống BLGĐ; quận Bình Thủy và huyện Thới Lai tổ chức 2 cuộc tọa đàm về vai trò của nam giới trong phòng, chống BLGĐ và xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động cho đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, hội viên, phụ nữ và cộng đồng; sự tham gia của nam giới trong phòng, chống BLGĐ, hướng tới thực hiện bình đẳng giới (BĐG) mỗi gia đình.
Kế hoạch truyền thông cộng đồng được tổ chức thông qua hình thức: diễn đàn, tọa đàm, mít-tinh, biểu diễn tiểu phẩm, phỏng vấn nạn nhân bị BLGĐ, lồng ghép và nhân rộng các mô hình can thiệp của phụ nữ tại cộng đồng về BĐG và phòng, chống BLGĐ, như: Tổ tư vấn phòng, chống BLGĐ, Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ, Địa chỉ tin cậy, CLB Gia đình hạnh phúc, CLB xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch"… Tham dự buổi truyền thông phòng, chống BLGĐ tại xã Thạnh Tiến, huyện Vĩnh Thạnh chiều 7-7, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của các tuyên truyền viên, thông qua các hình thức truyền thông phòng, chống BLGĐ. Đặc biệt, tiểu phẩm "Nói không với BLGĐ", do các diễn viên không chuyên trong xã biểu diễn, khắc họa trường hợp phụ nữ thường bị bạo hành trong gia đình nhưng lại nhịn nhục, cam chịu. Tuy nhiên, qua phương pháp truyền thông, vận động khéo léo của các tuyên truyền viên địa phương, nhất là cán bộ Hội LHPN xã đã giúp người vợ hiểu rằng, đánh đập vợ con là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử phạt vi phạm hành chính… Từ đó, người chồng nhận ra sai lầm và cam kết không đánh đập vợ con nữa, chăm lo làm ăn để gia đình hạnh phúc.
Theo ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Thạnh Tiến, 2 năm qua (2014-2015), ngoài việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, Đảng ủy, UBND xã còn chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng, thành lập 2 địa chỉ tin cậy về phòng, chống BLGĐ (đặt tại Trạm Y tế và tại UBND xã); mở 2 lớp dạy nghề may cho 67 người; hỗ trợ trên 2 tỉ đồng vốn vay cho trên 300 thành viên để chăn nuôi, mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai các mô hình phòng, chống BLGĐ, xây dựng địa chỉ tin cậy nên tình trạng BLGĐ trong xã tương đối ổn định. Riêng 6 tháng năm 2015, toàn xã xảy ra 1 vụ BLGĐ và ngành chức năng xử lý kịp thời. Cụ thể, ông Trần Thanh Hùng (SN 1972, ở ấp Phụng Thạnh) có vợ bé, thường xuyên nhậu say, về nhà chửi mắng, đánh đập vợ. Từ khi công an xã giáo dục, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính, đến nay ông Hùng không còn tái phạm, lo chí thú làm ăn.
Qua các buổi sinh hoạt, các tuyên truyền viên có dịp trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm, qua đó nắm bắt kịp thời các gia đình có nguy cơ xảy ra BLGĐ, từ đó có biện pháp theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những vụ bạo lực xảy ra. Theo Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, nhờ làm tốt công tác truyền thông về BĐG và phòng, chống BLGĐ nên thời gian qua, tình trạng BLGĐ trong huyện giảm đáng kể. 6 tháng năm 2015, toàn huyện xảy ra 4 vụ BLGĐ. Các nạn nhân bị BLGĐ tìm đến lánh nạn tại các địa chỉ tin cậy và được tuyên truyền viên hòa giải kịp thời can thiệp. Bà Nguyễn Thị Mai Viên, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh An, cho biết: "Thời gian qua, các vụ BLGĐ xảy ra trong xã Thạnh An đều do gia đình khó khăn về tài chính; rượu, chè say xỉn hoặc về tinh thần… Trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Văn Thê (SN 1950) có 5 người con nhưng ông Thê không lo làm ăn, mỗi lần uống rượu về nhà còn chửi đánh vợ con, bà Đoàn Thị Khánh (vợ ông) sợ quá tạm lánh tại địa chỉ tin cậy của xã. Hai ngày sau, ông Thê đến nhận lỗi và rước vợ về. Dịp này, Hội LHPN xã tư vấn, giáo dục để ông Thê hiểu hành vi đánh đập vợ con là vi phạm pháp luật, nếu còn vi phạm, công an xã sẽ xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Ông Thê ký cam kết không đánh đập vợ con nữa, lo chí thú làm ăn.
Bà Chiêm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: "Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình hành động này, Hội LHPN thành phố yêu cầu các cấp hội tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan lĩnh vực gia đình văn hóa; phòng, chống BLGĐ; BĐG… cho các tầng lớp phụ nữ và nhân dân hiểu và chấp hành đúng quy định. Qua đó rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động mô hình và nhân rộng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; gắn việc triển khai và nâng cao chất lượng các giải pháp can thiệp phòng, chống BLGĐ; các hoạt động BĐG; tổ chức tập huấn kiến thức hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc và kỹ năng truyền thông cho cán bộ Hội LHPN về công tác phòng, chống BLGĐ…". Thời gian tới, Hội LHPN thành phố rất cần cộng đồng chung tay tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật BĐG, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính sâu rộng trong cộng đồng dân cư và từng gia đình; tích cực vận động nam giới, người thân và cộng đồng đừng im lặng trước bạo lực, mạnh dạn lên án, tố giác các hình thức BLGĐ…, góp phần giảm thiểu BLGĐ.
Bài, ảnh: Xuân Đào