Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Thuận, huyện Thới Lai Tích cực hỗ trợ, giúp hội viên thoát nghèo

03:42 - 28/03/2016

Nhằm tạo điều kiện cho hội viên nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đông Thuận đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực ở các chi, tổ hội, như: mô hình trồng sen (ấp Đông Hiển), chăn nuôi heo (ấp Đông Thạnh), trồng rau sạch và xây dựng cảnh quan môi trường tại chi hội ấp Đông Thắng… 

Từ hiệu quả của các mô hình mang lại, 5 năm qua, đã có 61 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Trước kia, hoàn cảnh kinh tế gia đình của chị Lê Thị My (ấp Đông Thạnh) rất khó khăn. Không đất đai sản xuất, chồng chị My phải đi làm mướn còn chị My thì nuôi heo nhưng hiệu quả không cao do ít vốn và thiếu kinh nghiệm. Được sự hỗ trợ của cán bộ Hội, cách đây khoảng 5 năm, chị My được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư nuôi heo nái, heo thịt. Chị My cũng chịu khó học hỏi các chị có kinh nghiệm chăn nuôi trong chi hội. Từ đó, việc chăn nuôi đạt hiệu quả rõ rệt. 3 năm trước, chị My đã cất được căn nhà khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng và gần đây chị cũng mua thêm nền nhà hơn 100 triệu đồng. Chị My bộc bạch: "Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, không đất đai, vốn liếng. Ngay cả nền nhà cũng là nhờ người bà con cho đất, vợ chồng tôi cất tạm căn nhà nhỏ che mưa che nắng. Cũng nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các cán bộ Hội Phụ nữ xã, ấp gia đình tôi mới có điều kiện vay vốn để đầu tư chăn nuôi, vượt khó thoát nghèo". Tương tự, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ cùng ấp Đông Thạnh) trước kia cũng vô cùng khó khăn. Nhà đông con, lại không đất đai canh tác, vợ chồng anh chị phải vất vả ngược xuôi để lo cho 3 đứa con. Chị Hiền kể lại: "Lúc đó, thấy tôi khổ quá, cô Mừng- Chi hội trưởng phụ nữ ấp đến động viên tôi vào Hội. Cô cũng giúp tôi làm hồ sơ xin vay vốn để phát triển nghề đan đát. Ngoài việc được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, mỗi khi cần tiền mua nguyên liệu, cô Mừng cho tôi mượn chờ thanh toán tiền hàng xong gửi lại sau". Nhờ siêng năng, mỗi ngày chị Hiền đan được khoảng 20 cái rổ với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Mỗi sản phẩm bán ra chị lời khoảng 10 ngàn đồng, sau khi đã trừ hết chi phí. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của chị từ công việc đan rổ khoảng 2 triệu đồng. Năm 2013, chị Hiền đã thoát nghèo và cất được căn nhà kiên cố.

Theo Dương Ngọc Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, đa số chị em hội viên rơi vào hoàn cảnh nghèo là do không có đất đai sản xuất, đông con, không có công việc ổn định. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, Hội cũng đã thành lập và quản lý có hiệu quả 13 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số vay hơn 8 tỉ đồng; đồng thời, xây dựng 4 tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi, mỗi tổ từ 50-60 thành viên…Qua đó, tạo điều kiện để chị em tiếp cận nguồn vốn đầu tư chăn nuôi, mua bán nhỏ, chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng rau màu hoặc tận dụng đất trống trồng rau sạch, vừa giúp cải thiện bữa ăn vừa giúp chị em tăng thu nhập, phát triển kinh tế…Trong số những mô hình làm ăn có hiệu quả, chúng tôi chú ý mô hình trồng sen của chị Bùi Thị Ngọc Diễm (ấp Đông Hiển). Khi chúng tôi đến, sen nhà chị Diễm đang vào mùa thu hoạch rộ. Cứ cách khoảng 3 ngày, chị Diễm thu hoạch sen 1 lần, mỗi lần đạt khoảng 100-300kg. Tính chung hết vụ sen này, chị bán được khoảng 5 tấn, trừ chi phí chị thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Chị Diễm kể, gia đình chị có khoảng 10 công đất nhưng trước kia chỉ làm ruộng, hiệu quả kinh tế không cao. Thấy người bà con ở xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) áp dụng mô hình trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị Diễm đã đến tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Trở về, chị làm đất, đào ao chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang trồng sen với tổng diện tích khoảng 9.000m2. Hội LHPN xã cũng đã hỗ trợ chị vay vốn 7 triệu đồng để làm vốn đầu tư làm đất. Đến nay, sau hơn 2 năm áp dụng mô hình này, chị Diễm có thu nhập trung bình từ 60-70 triệu đồng/ mỗi vụ sen (mỗi vụ kéo dài khoảng 9 tháng, tính từ lúc trồng đến khi thu hoạch toàn bộ). Theo chị Dương Ngọc Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã, từ hiệu quả của mô hình, hiện nay tại ấp Đông Hiển, có khoảng chục hộ cũng áp dụng mô hình trồng sen như gia đình chị Diễm và đều có nguồn thu nhập ổn định.

Chị Dương Ngọc Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thuận, huyện Thới Lai cho biết thêm: "Thời gian qua, Ban Chấp hành Hội LHPN xã đã nỗ lực triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Qua đó, nhiều chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, Ban Chấp hành Hội LHPN xã sẽ tiếp tục củng cố, phát triển thêm các tổ hùn vốn, vay vốn nhằm tạo điều kiện cho nhiều chị em tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, có điều kiện mua bán nhỏ, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ.

Bài, ảnh: Tâm Khoa

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69492

Hôm nay:
1
Tháng này:
29
Tổng lượt truy cập:
69492