Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều góp phần hỗ trợ duy trì các mô hình kinh tế của hội viên và ngày càng phát triển bền vững. Qua đó thúc đẩy công tác giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho nhiều gia đình hội viên, đóng góp cho sự phát triển kinh tế toàn phường.
Nhắc đến chị Trịnh Thị Lệ Mai, ngụ khu vực 3, phường Hưng Lợi, nhiều hội viên phụ nữ không khỏi ngưỡng mộ mô hình kinh tế bền vững của chị. Sau nhiều năm làm công nhân công ty cao su ở tỉnh Hậu Giang, 42 tuổi, chị Mai tiếp cận nghề may giỏ nhờ sự hướng dẫn của em gái. Vốn khéo léo lại siêng năng, chịu khó, chị Mai nhanh chóng vượt qua khó khăn ban đầu, thạo việc điều hành cơ sở may giỏ của gia đình. Chị Mai cho biết: "Với tôi, khó nhất là việc tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm từng loại chất liệu để đặt mua nguyên liệu phù hợp, rồi cách thương lượng giá cả, hợp đồng may sản phẩm với các công ty,… Khi mới vào làm nghề này, tôi chỉ có 2 thợ may gia công qua giới thiệu của em gái, bây giờ tôi có 6 thợ, đảm bảo may hàng trăm giỏ/ngày…". Trong quá trình đào tạo thêm thợ may, chị Mai khuyến khích, tạo điều kiện giúp nhiều hội viên học nghề may giỏ nhưng ít người thạo việc vì không đủ kiên nhẫn. Đối với người kiên trì học nghề, khéo tay, có thể kiếm thu nhập khá. Trong số 6 thợ của chị Mai đa phần là phụ nữ có con nhỏ, không đi xa được, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nhận may gia công giỏ xách tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Người giỏi có thể may 20 giỏ/ngày, kiếm trên 100.000 đồng, còn thợ chậm có thể may từ 10 giỏ/ngày, kiếm trên 50.000 đồng.
Các chị đang cho bông tắm vào bịch bảo quản, chuẩn bị giao hàng cho khách.
Theo chị Trần Thị Thảo Trang, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hưng Lợi, phường khuyến khích chị em phát triển kinh tế gia đình, vừa cải thiện thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người và nâng cao vai trò, vị trí phụ nữ. Hiện toàn phường có nhiều mô hình kinh tế gia đình do các chị "cầm trịch" như: cơ sở may chăn, grap, gối, nệm ở khu vực 1, kết hoa voan, pha lê ở khu vực 6, làm bông tắm ở khu vực 2,… Để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, Hội LHPN phường tranh thủ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong những cuộc hội họp hay đăng ký tham gia các kỳ hội chợ. Trong đó, dịp Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều năm 2013, các loại giỏ xách của cơ sở chị Mai gia công được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, đầu năm 2015, Hội LHPN phối hợp với Ủy ban MTTQVN phường tổ chức Hội chợ hàng Việt, giới thiệu các sản phẩm của chị em đến nhiều công ty và khách hàng gần xa. Ngoài ra, Hội LHPN phường còn tăng cường gắn kết, giúp các chị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển cơ sở kinh doanh. Như cơ sở may giỏ xách của chị Mai được hỗ trợ vay 40 triệu đồng, trong đó có phân nửa vay từ nguồn vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm của NHCSXH.
Cơ sở làm bông tắm tại khu vực 2 do chị Phạm Thị Uyển Thanh phụ trách nằm cuối con hẻm, nhưng không vì thế mà vắng khách. Hàng ngày, chị Thanh cùng dì chuẩn bị nguyên liệu cho những chị em khác trong xóm cùng làm bông tắm và nhà của dì chị Thanh trở thành nơi tụ họp của chị em, vừa làm vừa cười nói rôm rả. Cách đây hơn 11 năm, từ nghề thợ may, chị Uyển Thanh mày mò, rôi cùng dì tổ chức sản xuất bông tắm, với nguyên liệu đơn giản, ít vốn nhưng cho thu nhập cao. Những sản phẩm bông tắm nhiều màu sắc, mẫu mã bắt mắt ngày càng được khách hàng ưa chuộng nên lượng bông tắm sản xuất ngày càng lớn. Hầu như các tỉnh ĐBSCL tới TP Hồ Chí Minh, nơi nào cũng có đầu mối đặt hàng của cơ sở. Lúc đầu chỉ có 2 người làm, sau này, chị Thanh phải huy động thêm 3 người trong xóm. Công việc không nặng nhọc nên phù hợp với những cô, bác lớn tuổi. Bà Võ Thị Ngọc Cúc (67 tuổi) ngụ cùng xóm, làm gia công sản phẩm cho cơ sở nhiều năm nay, số lượng từ một đến vài trăm bông tắm/ngày, tùy mẫu mã dễ hay khó. Bà Cúc nói: "Người trẻ không chuộng công việc này vì phải tỉ mẩn, thụ động nhưng phù hợp với người lớn tuổi như tôi, vừa làm vừa giải trí, lại có thu nhập. Với tiền công từ 250-500 đồng/bông tắm, những ngày cần hàng gấp, tôi tranh thủ làm, có thể kiếm trên 100.000 đồng-200.000 đồng".
Khách hàng các nơi đặt sản phẩm bông tắm ngày càng nhiều nên chị Thanh dự định sẽ mở rộng sản xuất, giao hàng để chị em gia công tại nhà. Nếu công việc thuận lợi, cơ sở này sẽ góp phần tạo việc làm cho nhiều hội viên có thời gian nhàn rỗi. Hiện nay, chị em có nhu cầu học nghề rồi gia công tại chỗ cho chị Thanh, có thể liên hệ với Hội LHPN phường giới thiệu đến, chị Thanh sẵn sàng tiếp nhận. Theo chị Thanh, làm nghề này phải rất kiên trì, bền chí và chấp nhận mức thu nhập lúc đầu, chịu khó học hỏi để thạo việc.
Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của hội viên từ giới thiệu lao động, trưng bày, quảng bá sản phẩm, hay vốn vay ưu đãi,... Hội LHPN phường Hưng Lợi đã và đang góp phần thúc đẩy các cơ sở kinh doanh nhỏ trong phường có cơ hội phát triển lớn mạnh, bền vững hơn. Qua đó tạo việc làm ổn định, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình nhiều hội viên phụ nữ trong phường.
Theo Bài, ảnh: MỸ TÚ