Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Bình: Vận động hội viên trồng rau sạch tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn gia đình

12:20 - 08/05/2015

Năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Bình, quận Ninh Kiều đăng ký nâng chất mô hình “Cải thiện bữa ăn gia đình, vận động hội viên trồng rau sạch” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Đây là một trong những mô hình thiết thực, cách làm hay của các Hội LHPN cơ sở trong việc tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động xây dựng gia đình “ 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội phát động…

 

Chị Trần Thị Lợt, Chủ tịch Hội LHPN phường An Bình cho biết: “Chúng tôi bắt đầu phát động mô hình trồng rau sạch trong cán bộ, hội viên phụ nữ từ giữa năm 2013. Thời điểm đó chỉ có khoảng 60 hội viên phụ nữ hưởng ứng, đến nay đã có tổng cộng 153 chị tham gia. Đầu năm 2014, chúng tôi đăng ký với quận mô hình này là mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN phường và duy trì trong năm 2015”. Theo chị Lợt thì đây là mô hình mang ý nghĩa thiết thực, dễ vận động, dễ thực hiện, nên hiệu quả mà nó mang lại rất khả quan. Từ việc tham gia mô hình nhiều chị em đã dần có ý thức hơn về hình thành thói quen chi tiêu tiết kiệm qua việc tận dụng đất trống trồng rau, góp phần tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình; đồng thời quan tâm đến việc sử dụng thực phẩm an toàn, chăm sóc gia đình ngày một tốt hơn.

 

Nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ phường An Bình, tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng rau sạch cải thiện bữa ăn gia đình và tăng thu nhập.

 

 

Tiêu biểu như gia đình của chị Nguyễn Thị Mai (ở khu vực 4) cũng nhờ biết tận dụng mảnh đất trống xung quanh nhà để trồng rau muống, cải thìa, mồng tơi… mà gia đình chị có rau sạch ăn quanh năm, vừa tiết kiệm vừa tiện lợi … Chị Mai bộc bạch: “Trước đây, mảnh đất này gia đình tôi trồng nhãn nhưng huê lợi không bao nhiêu, sau đó để trống cỏ mọc um tùm. Gần 2 năm nay, tôi cải tạo đất trồng rau, vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa góp phần tiết kiệm chi tiêu cho gia đình”. Không chỉ tận dụng đất trống trồng rau, hàng ngày, chị Mai còn đi xin cặn cơm về nuôi heo, sử dụng túi biogas để đun nấu, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm. Cũng theo chị Mai, những việc làm này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện tại, gia đình chị Mai có hai người con đang đi học (đứa lớn học Trung cấp Dược, đứa nhỏ học lớp 10), ông xã chị Mai làm nghề chạy xe hon-đa ôm, chị ở nhà nội trợ và chăn nuôi, cuộc sống gia đình ổn định.

 

Còn cô Trần Thị Song Thu (cùng ngụ khu vực 4) kể: “Do nhà không có nhiều đất nên chỗ nào cặm được cây ớt, bụi sả, cọng rau nào là tôi tận dụng, vừa tiện lợi, đỡ tốn kém lại đảm bảo cho sức khỏe. Không chỉ vậy, mỗi ngày, ông xã tôi còn đi giăng lưới bắt cá, để cải thiện bữa ăn và đem bán để tăng thu nhập cho gia đình”. Tương tự chị Mai, cô Thu, nhiều chị em hội viên khác trong khu vực cũng đã tận dụng những thùng xốp cũ, gốc cây kiểng, trồng rau trên mặt nước, trồng rau tươi cung cấp cho gia đình. Một số chị sống trong khu dân cư, nhà cửa san sát, không có điều kiện, đất đai ít cũng tận dụng sân thượng, chậu kiểng để trồng rau sạch. Cô Dương Thị Sum (ở khu vực 2), năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn cặm cụi nhổ từng cọng cỏ, chăm bón từng luống rau xanh trước nhà, thường xuyên vận động con cháu trồng rau sạch, ăn uống hợp vệ sinh. Cô Sum bộc bạch: “Trồng rau tại nhà khỏi sợ thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước đây tôi làm nghề trồng rẫy để bán hàng ngày, từ khi đất rơi vào khu quy hoạch, gia đình tôi dời về phường Lê Bình sinh sống, tôi vẫn tiếp tục trồng rau. Bây giờ trở lại đây, tôi quyết tâm khôi phục vườn rau nhà mình”.

 

Theo chị Huỳnh Thị Gái, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực 2, phường An Bình: Thời gian qua, thông qua các kỳ sinh hoạt tổ, nhóm, Chi hội luôn chú ý lồng ghép tuyên truyền, vận động chị em tích cực vệ sinh môi trường, nhất là thực hiện các nội dung “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nội dung “sạch bếp” gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm. Nổi bật với mô hình trồng rau sạch. Bên cạnh những chị em tận dụng đất trống trồng rau đáp ứng yêu cầu bữa ăn gia đình còn có nhiều chị em không ngại vất vả, mượn đất dự án để trồng rau với số lượng nhiều, góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Nổi bật như trường hợp của chị Dương Kim Pha nhờ cần cù, vượt khó mượn đất trồng rau, đi bán dạo quanh khu dân cư, đến nay cuộc sống ổn định...

 

Nhờ triển khai mô hình thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN phường An Bình đã góp phần cụ thể hóa nội dung, nhiệm vụ công tác Hội đến gần hơn với hội viên phụ nữ.

 

Theo Bài, ảnh: TUỆ ANH

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69558

Hôm nay:
11
Tháng này:
95
Tổng lượt truy cập:
69558