Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thới Lai Phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay

01:50 - 01/02/2016

Đa số hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Thới Lai đều làm nghề nông, chăn nuôi và mua bán nhỏ lẻ. Từ thực tế trên, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua việc quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay.

Song song đó, Hội còn huy động thành lập, xây dựng các mô hình, tổ liên kết sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm,… Qua đó, giúp nhiều hội viên ổn định cuộc sống.

Những ngày trung tuần tháng 1, chúng tôi ghé tham quan mô hình trồng sen ở ấp Thới Hòa C, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai đúng lúc các chị em đang thu hoạch sen. Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, hội viên phụ nữ, cho biết: "Trước đây, trên 7.000 m2 đất, tôi chỉ trồng lúa, nuôi cá nhưng hiệu quả không cao. Từ khi tham gia Hội phụ nữ, tôi được các chị cán bộ Hội tuyên truyền, vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và giới thiệu nhiều mô hình hiệu quả. Sau khi tìm hiểu, tôi đã chọn mô hình trồng sen".

 

 

Nhằm giúp chị Châu xây dựng mô hình trồng sen, Hội LHPN xã Thới Thạnh đã tín chấp, giúp cho chị vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để cải tạo đất ruộng, mua giống, phân thuốc,…Chị Châu cho biết: "Tôi nhận thấy việc trồng sen mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, đặc biệt là gương sen rất dễ bán. Mỗi công sen trồng và thu hoạch khoảng 4 tháng, trừ chi phí còn được lợi nhuận 12 triệu đồng/công". Từ mô hình trồng sen mà kinh tế gia đình chị Châu ngày càng khấm khá. Hiện nay, từ thu nhập trồng sen, chị Châu vừa mua thêm 2 con bò để nuôi. Tương tự chị Châu, chị Lê Thị Hiền (cùng ngụ ấp Thới Hòa C, xã Thới Thạnh) cũng thoát nghèo nhờ mô hình trồng sen. Chị Nguyễn Thị Trường Hận, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Thạnh, cho biết: "Thông qua việc vận động chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trên địa bàn xã có khoảng 7 hộ tham gia trồng sen và đều được hỗ trợ vay vốn từ nguồn Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển mô hình. Toàn xã hiện có 13 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng số dư nợ toàn xã trên 8,2 tỉ đồng, số tiền gửi tiết kiệm được 680 triệu đồng".

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai, thực hiện khâu đột phá của Hội LHPN TP Cần Thơ về "Phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững", những năm qua, Hội LHPN huyện đã tập trung chỉ đạo sâu rộng đến các cơ sở Hội đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua việc xây dựng các nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ hùn vốn và tiết kiệm, vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các Hội LHPN các xã, thị trấn tiến hành rà soát các trường hợp chị em có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Hiện nay, Hội LHPN huyện Thới Lai đang quản lý 174 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 116 tỉ đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các tổ đã tiết kiệm trên 4,7 tỉ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ huyện còn vận động chị em gửi tiết kiệm hàng tháng tại các Chi, tổ Hội giúp chị em khó khăn vay vốn chăn nuôi, trồng trọt để cải thiện kinh tế gia đình. Trong năm 2015, tổng số tiền tiết kiệm được 704 triệu đồng, giúp cho 475 lượt chị vay vốn. Một trong những hoạt động nổi bật trong việc hỗ trợ hội viên vay vốn là chương trình Bàn Tay Vàng thuộc Dự án "Tăng cường năng lực làm kinh tế cho phụ nữ" được duy trì tại huyện Thới Lai. Dự án này được Hội LHPN TP Cần Thơ triển khai thực hiện tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thới Lai từ năm 2010 đến nay. Qua 5 năm thực hiện, dự án đã giúp phụ nữ ở địa phương được có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay của dự án, được tập huấn nâng cao năng lực và kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, quản lý kinh doanh nhỏ,...". Đến nay, dự án này đã có 2.496 thành viên vay vốn với tổng dư nợ trên 8,2 tỉ đồng.

Song song với việc phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, Hội LHPN huyện Thới Lai còn chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Toàn xã hiện có 29 mô hình hoạt động hiệu quả, như: may gia công, chằm nón lá, đan lưới, nuôi heo sinh sản,… Thiết thực đẩy mạnh phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hiện nay 100% các xã, thị trấn đăng ký thực hiện các mô hình "làm theo" cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị có sức lan tỏa lớn. Nhiều mô hình nổi bật, như: hũ gạo tình thương; tiết kiệm tự nguyện ở tổ nuôi heo đất; tận dụng đất bờ trồng rau, ao mương nuôi cá để cải thiện bữa ăn gia đình;…được chị em hội viên ủng hộ cao.

Phát huy những kết quả đạt được, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thới Lai, nhấn mạnh: "Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay gắn với việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chị em hội viên để xây dựng các hoạt động hỗ trợ thiết thực… Qua đó, xứng đáng là điểm tựa tin cậy của hội viên".

Bài, ảnh: H. Vân

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69499

Hôm nay:
8
Tháng này:
36
Tổng lượt truy cập:
69499