Với nhiệm vụ trọng tâm là vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Hòa, quận Ninh Kiều đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình …
Riêng hoạt động duy trì tổ chức Hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thu được nhiều kết quả thiết thực…
Chị Vũ Thị Kim Hường - chủ cơ sở gia công đũa “Kim Hương” ở khu vực 4, phường An Hòa, cho biết: “Tôi làm công việc đóng gói và phân phối sản phẩm đũa dừa Bến Tre đã lâu nhưng chủ yếu là bỏ mối sỉ tại các chợ. Mấy năm nay có điều kiện tham gia hội chợ do Hội LHPN phường An Hòa tổ chức, nhiều người dân trên địa bàn đã biết đến và tin dùng sản phẩm đũa dừa của tôi hơn. Ngoài ra, tôi còn được Hội giới thiệu vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn…”. Hiện tại, bên cạnh tiền lương công nhân viên nhà nước của hai vợ chồng thì mỗi tháng gia đình chị Hường có thêm thu nhập khoảng 3 triệu đồng từ mô hình gia công này. Cơ sở của chị Hường cũng góp phần tạo việc làm, giúp những chị em nội trợ, công nhân viên, sinh viên có thêm thu nhập. Để đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường, cơ sở của chị Hường còn nhận phân phối thêm các sản phẩm làm từ dừa như: vá, sạn, chén, gạt tàn; hay đũa gỗ các loại được lấy từ các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc…
Cô Lê Ngọc Vân, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực 2, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, phát triển kinh tế gia đình nhờ mô hình may màn, drap, gối.
Tương tự, chị Lê Ngọc Vân, Chi hội trưởng Phụ nữ khu vực 2, phường An Hòa cũng làm ăn khấm khá hơn sau khi tham gia hội chợ. Chị làm nghề may màn từ khá lâu nhưng do nhà nằm khuất sâu trong hẻm nên ít người biết đến sản phẩm của chị. Kể từ khi tham gia hội chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Hội LHPN phường An Hòa tổ chức, nhiều người biết đến sản phẩm của chị hơn bởi chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Chị Vân bộc bạch: “Sau lần tham gia bán hàng tại hội chợ, nhờ “tiếng lành đồn xa”, lượng khách đến đặt hàng ngày càng đông, thu nhập ổn định, tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình và trang trải việc học của con…”. Không chỉ tăng thêm nguồn khách hàng nhỏ, lẻ, cơ sở may của chị Vân còn là địa chỉ quen thuộc thường xuyên nhận may cho một số nhà hàng, khách sạn, cơ quan trên địa bàn. Để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, chị Vân cũng đã mua khuôn về tự thực hiện các khâu đóng nút, đóng khoen, đục lỗ cho các sản phẩm…Chị Vân phấn khởi cho biết cuộc sống gia đình mình đã ổn định hơn trước rất nhiều, con trai cũng tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định… Từ đó, chị có điều kiện tham gia công tác Hội nhiều hơn. Chị Vân nhiệt tình hướng dẫn nghề may cho những chị em có nhu cầu, cũng như phân phối sản phẩm do hội viên may, giúp chị em kiếm thêm thu nhập.
Không riêng mô hình “May màn, drap, gối” của chị Vân, mô hình “gia công đũa dừa” của chị Hường, thời gian qua, bằng các biện pháp hỗ trợ thiết thực, Hội LHPN phường An Hòa giúp nhiều hội viên từng bước quảng bá sản phẩm, xây dựng mô hình, phát triển kinh tế gia đình bền vững. Nổi bật như mô hình kết cườm, hoa voan, đan móc len, may gia công quần áo, làm thú nhồi bông, trang sức bằng inox… Cô Trần Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Hòa bộc bạch: “Nhằm cụ thể hóa nội dung và đa dạng các hình thức tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong hội viên phụ nữ, chúng tôi mong muốn hội chợ là “cầu nối” giúp chị em có dịp giới thiệu, giao lưu, mua-bán hàng Việt, cũng như giới thiệu, nhân rộng những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả... Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội”. Bên cạnh hoạt động này, Hội LHPN phường An Hòa hiện đang quản lý nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 6,3 tỉ đồng, với 511 thành viên, duy trì hoạt động hiệu quả của 25 tổ hùn vốn xoay vòng, nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo; phong trào vận động tiết kiệm thi đua ái quốc, thu hút 3.096 chị tham gia.
Song song đó, Hội LHPN phường An Hòa cũng tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn thực hiện các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực. Trong đó có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như: mô hình “Tiết kiệm từ 500 đến 1.000 đồng”, mô hình “Tiết kiệm nuôi heo đất”, mô hình “Mỗi tập thể, mỗi tổ hùn vốn, mỗi nhóm phụ nữ tiết kiệm giúp một phụ nữ nghèo có địa chỉ”... Cô Trần Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường An Hòa chia sẻ: “Ý nghĩa tích cực mà các mô hình mang lại không chỉ là việc giúp thêm nhiều chị em vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế gia đình mà còn giúp chị em hình thành thói quen tiết kiệm, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong hội viên với nhau”. 5 năm qua, Hội đã phối hợp với các đơn vị giới thiệu phát vay trên 25 tỉ đồng cho trên 3.000 lượt phụ nữ, trong đó có nhiều trường hợp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, Hội cũng đã vận động tặng 30 suất học bổng, dụng cụ học tập; phối hợp với UBMTTQVN phường xây dựng và sửa chữa 9 căn nhà Đại đoàn kết cho hội viên phụ nữ nghèo, sửa chữa 3 Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ dân tộc, tôn giáo, tổng trị giá trên 420 triệu đồng…
Với những thành tích nổi bật trong công tác Hội và phong trào phụ nữ cơ sở, Hội LHPN phường An Hòa được Hội LHPN quận Ninh Kiều chọn là đơn vị vững mạnh xuất sắc 5 năm liền, nhận được Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam 2 năm liền. Vừa qua, Hội LHPN phường An Hòa cũng vinh dự là một trong những tập thể điển hình tiên tiến được Hội LHPN TP Cần Thơ biểu dương, khen thưởng…
Theo Bài, ảnh: Tuệ Anh