Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Hỗ trợ người lầm lỡ ổn định cuộc sống

04:49 - 07/04/2016

Thời gian qua, các ban ngành đoàn thể quận Ninh Kiều triển khai nhiều hoạt động thiết thực như hỗ trợ vay vốn làm ăn, giới thiệu việc làm, học nghề miễn phí… giúp các đối tượng chậm tiến trên địa bàn có điều kiện hòa nhập xã hội tốt hơn. Từ sự quan tâm này, những người vi phạm pháp luật, từng một thời lầm lạc có công ăn việc làm ổn định, có thêm niềm tin, nghị lực để vươn lên, sửa đổi bản thân, xây dựng tương lai, giúp ích cho gia đình.

Từ giữa năm 2014, được Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân Khánh bảo lãnh vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm ăn, cuộc sống chị S.T.T. (44 tuổi, ngụ khu vực 3) dễ thở hơn. Trích một phần tiền để chồng sửa xe làm phương tiện đi làm hồ hàng ngày, chạy xe hon-đa ôm vào mùa mưa khi công trình ngưng việc, số vốn còn lại chị T. mua bàn ghế, tủ, rồi thuê mặt bằng nhỏ trước hiên nhà một người quen trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Hưng Lợi) để bán cà phê. Bán từ sáng đến khoảng 17 giờ, mỗi ngày chị T. lời trên dưới 100 ngàn đồng, gói ghém đủ chi tiêu trong nhà. Trước đây, do hoàn cảnh đưa đẩy, chị T. sa vào tệ nạn xã hội. Từ khi lập gia đình, được hội phụ nữ động viên, hỗ trợ vay vốn làm ăn, chị quyết tâm đoạn tuyệt quá khứ. Hiện con trai lớn của chị T. đi làm hồ cùng cha, con gái út học lớp 12, biết kiếm thêm thu nhập từ việc bán quần áo qua mạng. Hỏi dự định sắp tới, chị T. vui vẻ kể: "Tôi vừa trả hết nợ ngân hàng rồi, đang làm hồ sơ xin vay 5 triệu đồng nữa để mua thêm nhiều loại nước giải khát, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Vợ chồng tôi bàn tính sẽ cố gắng dành dụm tiền cho con học đại học".

 

Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ  phường Xuân Khánh đến thăm chỗ bán nước giải khát của chị S.T.T.  

 

Còn chị T.T.X.L. (SN 1964, khu vực 3, phường Xuân Khánh) cũng thật sự đổi thay khi được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. Lúc mới mãn hạn tù về, tài sản không có, lớn tuổi không xin được việc làm, chị L. rất chán nản. Thấy nhà chị có mặt bằng, thuận lợi cho việc buôn bán nhỏ, hội phụ nữ phường cho chị vay 500 ngàn đồng từ nguồn quỹ phụ nữ nghèo làm vốn. Buổi sáng, chị L. bán bún, buổi chiều bán chuối nướng, lời hơn 70 ngàn đồng/ngày. Mấy tháng nay, chị L. đã có thu nhập chi tiêu, không còn lo lắng như trước. Đối với em T.L. (ngụ phường Xuân Khánh), do yêu sớm, có thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học, hoàn cảnh rất khó khăn. Địa phương giới thiệu L. học nghề trang điểm miễn phí, giờ em đã xin được việc tại một tiệm làm tóc trên địa bàn, còn vay tiền mua sắm dụng cụ làm thêm cho khách quen ban đêm, kiếm tiền nuôi con nhỏ.

Chị Nguyễn Thiên Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Xuân Khánh, cho biết: "Từ năm 2015 đến nay, Hội hỗ trợ 10 trường hợp vay trên 15 triệu đồng làm vốn mua bán nhỏ. Chúng tôi thường xuyên thăm hỏi, hướng dẫn cách thức làm ăn kết hợp cảm hóa, chia sẻ kiến thức, kỹ năng sống để mọi người bớt mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng".

Ở phường Cái Khế, nhiều năm qua, mô hình "Quản lý, giáo dục đối tượng tù tha về, thanh thiếu niên chậm tiến – đối tượng hình sự có hoàn cảnh khó khăn" thật sự là người bạn đồng hành của những người lầm lỡ. Theo công an phường, trước đây, đa số các đối tượng này chưa có việc làm hoặc có nhưng bấp bênh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật. Đơn vị liên hệ, vận động các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên phường tạo điều kiện về việc làm, vay vốn lãi suất ưu đãi, giúp đỡ các đối tượng. Trong năm 2015, có 8 người tiến bộ, có việc làm ổn định. Công an phường còn giới thiệu một trường hợp mua bán ở khu vực chợ đêm. Những anh chị trong nhóm vay vốn mua bán, chạy xe hon-đa ôm… đều được địa phương quan tâm, nhắc nhở.

Chị Trần Hồng Tuyết Trân, Phó Chủ tịch UBND phường Cái Khế, chia sẻ: "Để giúp người lầm lỡ có cuộc sống ổn định, hạn chế tình trạng tái phạm cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội. Cơ quan chức năng cần tổ chức dạy những ngành nghề thực tế đang ứng dụng, phù hợp với đặc thù địa phương, chủ động phối hợp giới thiệu việc làm hoặc giải quyết đầu ra sản phẩm để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Ngoài các hoạt động đang triển khai, nếu có mặt bằng, kinh phí, phường sẽ thực hiện mô hình rửa xe, vận động cán bộ công chức trên địa bàn ủng hộ, hàng tháng trả lương cho các đối tượng. Tôi tin kinh tế ổn định khả năng hoàn lương sẽ cao hơn".

Anh Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, cho biết: "Thời gian qua, đơn vị phối hợp với các ban, ngành đoàn thể quận giới thiệu nhiều trường hợp địa phương đang quản lý, giáo dục đi học nghề, vay vốn mua bán. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh một số người chí thú làm ăn vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng đồng vốn không hiệu quả, không kiên trì học tập… Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này kết hợp tuyên truyền, vận động người dân có cái nhìn thiện cảm hơn với người lầm lỡ, giúp đỡ họ có điều kiện hòa nhập tốt hơn".

Theo Ban chỉ đạo 138 quận Ninh Kiều, trong năm 2015, công tác hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng được các cấp quan tâm, thực hiện, nhất là công tác hỗ trợ cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai, các đối tượng gái mại dâm, mãn hạn tù về địa phương. Tùy theo sự tiến bộ và tính khả thi trong nhu cầu làm ăn của từng trường hợp, chính quyền sẽ xem xét hồ sơ bảo lãnh cho vay hoặc giới thiệu những công việc giản đơn như giúp việc nhà theo giờ, giữ xe, chở hàng… Tin rằng khi được xã hội đón nhận với công việc phù hợp, có thu nhập, sẽ có thêm nhiều người thay đổi hành vi, nhận thức, nỗ lực vươn lên, tạo dựng tương lai, trở thành công dân tốt.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Nguồn: Báo Cần thơ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69479

Hôm nay:
16
Tháng này:
16
Tổng lượt truy cập:
69479