Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng hễ nghe gia đình nào gặp khó khăn hay chị em nào bị bạo hành thì cô Nguyễn Thị Thu Ba, 65 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, luôn kịp thời có mặt, sẵn sàng giúp đỡ, hòa giải, hàn gắn tình cảm gia đình. Nhiệt tình, năng nổ và có thêm một số kiến thức về pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ nên cô Thu Ba tích cực phối hợp với ngành chức năng, giúp đỡ và bảo vệ rất nhiều nạn nhân bị bạo hành...
Tham gia công tác Hội phụ nữ, điều cô Thu Ba quan tâm hơn hết là nạn bạo lực gia đình (BLGĐ), bạo lực học đường (BLHĐ)... Theo cô, nguyên nhân chính dẫn đến BLGĐ ở địa phương là do dân số xã quá đông, hầu hết là lao động nghèo, trình độ dân trí thấp, hiểu biết về pháp luật chưa nhiều nên tình trạng BLGĐ thường xảy ra. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng và ngăn chặn tình trạng BLGĐ, BLHĐ xảy ra tại địa phương, thời gian qua, cô Thu Ba đã phối hợp với công an, tư pháp và các ngành khác tại địa phương, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu các qui định pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Quyền trẻ em và Nghị định 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ... Trước tiên, bản thân cô luôn trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tìm tòi học hỏi bạn bè, tham khảo sách, báo để nâng cao kỹ năng tuyên truyền, giúp người dân dễ hiểu, nhất là phụ nữ và trẻ em. Cô Thu Ba nói: “Thông qua các cuộc họp thường lệ của các tổ phụ nữ và nhóm phụ nữ tiết kiệm, chúng tôi lồng ghép công tác tuyên truyền về tác hại của việc BLGĐ, mức xử phạt đối với người hành hung, đánh đập vợ con... để các chị nắm, mạnh dạn tố giác, lên án những hành vi BLGĐ, mà có thể bấy lâu nay các chị đã gánh chịu, chỉ vì lo con cái khổ và chồng bị đưa đi cải tạo”.
Các vụ BLGĐ ở xã xảy ra thường là do người chồng uống rượu say chửi mắng, đánh đập vợ con; vì ghen tuông, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn... địa phương can thiệp nhiều lần không được. Do tính gia trưởng, người chồng có quan niệm phong kiến: đèn nhà ai nấy sáng, vợ con của tôi thì tôi dạy... Tuy nhiên, sau khi Dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu BLGĐ” giai đoạn 2, được triển khai tại xã Thới Hưng (từ tháng 7-2011) đến nay, tình trạng BLGĐ nơi đây đã giảm đáng kể. Đạt được kết quả đó là do sự nhiệt tình, năng nổ của những cán bộ, hội viên và cộng tác viên dự án đã trực tiếp tư vấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật đến từng gia đình. Trong đó, cô Thu Ba thường xuyên có mặt ở cơ sở, đi giáp 6 tuyến kênh (mỗi tuyến kênh dài khoảng 3km). Do không biết chạy xe gắn máy, nên có hôm cô gò lưng đạp xe đạp, lúc thì đi bộ hoặc quá giang xe những cán bộ đi cùng tuyến, để tìm đến với chị em tâm tình, trực tiếp tư vấn những thông tin cơ bản về kiến thức xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; kịp thời giúp đỡ nạn nhân trong các vụ BLGĐ và những người có nguy cơ bị BLGĐ.
Cô Thu Ba không chỉ tham gia Tổ phòng, chống BLGĐ ở địa phương mà còn là cộng tác viên (CTV) dân số tích cực ở địa phương; CTV dinh dưỡng; thành viên tổ hòa giải cơ sở... Mặc dù mỗi tháng chỉ nhận 100.000 đồng tiền bồi dưỡng CTV dân số, nhưng thấy địa phương phát sinh nhiều vấn đề bức xúc như: BLGĐ, nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn kéo dài, có nguy cơ ly hôn, nhận thức về sức khỏe của người dân còn hạn chế... cô Thu Ba quyết định dành thời gian tham gia công tác nâng cao kỹ năng tuyên truyền về pháp luật và kinh nghiệm tích lũy để tham gia phòng chống BLGĐ và BLHĐ. Từ lâu, nhà cô Thu Ba trở thành địa chỉ tin cậy cho những phụ nữ bị chồng bạo hành tạm lánh, trong thời gian xảy ra xung đột. Nhiều chị em sau khi được cô Thu Ba cùng các CTV trong tổ phòng, chống BLGĐ tư vấn, vận động, đã mạnh dạn tố giác những hành vi sai trái của chồng. Như trường hợp chị N. T. T, thường xuyên bị chồng đánh đập, chửi mắng vô cớ. Không chỉ quan hệ bất chính và kiếm chuyện gây sự, mà chồng chị còn bỏ bê con cái, ruộng nương... kinh tế gia đình lâm cảnh khó khăn. Sau khi được tuyên truyền, giáo dục, chồng chị T đã hiểu ra hành vi sai trái, quyết tâm sửa đổi, tích cực làm ăn, góp phần ổn định thu nhập gia đình, các con được đi học... Năm qua, cô Thu Ba cũng đã tư vấn 7 cặp vợ chồng có mâu thuẫn về hôn nhân gia đình; tiếp nhận và trình báo 5 trường hợp bị bạo lực. Cô đến từng gia đình xác minh vụ việc, kết hợp với cơ sở hòa giải trước, nếu không thành, mới chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết.
Sinh ra và lớn lên ở xã Thới Lai, năm 1967, tốt nghiệp khóa sư phạm cấp tốc, cô Thu Ba được phân công dạy lớp 3, Trường Tiểu học Thạnh Phú, sau đó chuyển công tác về Nông trường sông Hậu (NTSH). Năm 1988, cô tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ ấp 2 thuộc NTSH (nay là xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) và được chị em tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi Hội phụ nữ ấp 2 cho đến tháng 3-2011, cô nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng với sự nhiệt tình, cảm thông với những gia đình khó khăn, nhất là chị em bị chồng bạo hành hoặc gia đình xảy ra xung đột, mâu thuẫn sắp ly hôn... cô tiếp tục góp sức với địa phương trong công tác này.
Bà Dương Thị Đẹp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thới Hưng, nhận xét: “Cô Thu Ba rất nhiệt tình, năng nổ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác, nhất là công tác phòng, chống BLGĐ và hòa giải ở cơ sở... nên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được mọi người quý mến, tín nhiệm và cô cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp”.
Theo Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO – Báo Cần Thơ
|