Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Mô hình làm cây lau nhà ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt

09:26 - 13/12/2014

Đến khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, chúng tôi bị cuốn hút bởi những chùm vải đầy màu sắc được treo lủng lẳng trước nhà cùng không khí làm việc vui vẻ của hơn 20 hộ dân nơi đây. Hỏi thăm mới biết mọi người đang gia công sản phẩm cây lau nhà bằng vải vụn, để kịp giao hàng.

Hơn 6 năm nay, chị Nguyễn Thị Ngọc Thu được biết đến như là một trong những người đầu tiên đưa công việc mới mẻ này về địa phương. Chị Thu bộc bạch: “Trước đây, tôi với ông anh học làm cây lau nhà từ những người quen ở địa phương khác. Lúc đầu, do vốn ít nên vợ chồng tôi chỉ thắt vải, vô cán. Sau này công việc làm ăn thuận lợi, nên vợ chồng tôi chỉ tập trung đi bỏ mối hàng, còn phần gia công thì thuê các chị em khác”.

 

Mô hình làm cây lau nhà ở khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt mang lại thu nhập, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

Từng trải qua những năm tháng khó khăn, vợ chồng không có việc làm ổn định nên khi thấy việc làm cây lau nhà từ vải vụn có thể đem lại thu nhập ổn định và có thị trường tiêu thụ, vợ chồng chị Thu bàn bạc mở rộng sản xuất, cũng là góp phần tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Chị Thu phấn khởi nói: “Do sản phẩm tiện dụng, bền chắc, trong quá trình sản xuất tôi luôn tìm cách tiết kiệm chi phí để giảm giá thành thấp nhất, nhằm tạo đầu ra ổn định, giúp bà con có việc làm thường xuyên”. Vì thế, sản phẩm cây lau nhà của chị Thu không chỉ phân phối trên địa bàn quận mà chị còn bỏ mối ở các chợ của TP Cần Thơ và tỉnh An Giang. Hiện tại, có đến 18 người là nhân công nhận thắt vải và 2 người vô cán cho chị Thu. Người thắt vải thì thu nhập dao động từ 40 đến 100 ngàn/ngày; còn người vô cán thì thu nhập từ 160 đến 200 ngàn/ngày (tùy vào thời gian làm việc). Riêng đối với gia đình chị Thu, trừ chi phí nguyên vật liệu, tiền thuê nhân công thắt và vô cán, thì trung bình chị còn lời khoảng 400 ngàn/ngày.

Trong số những nhân công lành nghề nhất ở đây có vợ chồng chị Nguyễn Thị Lý. Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào 5 công đất ruộng nhưng gần 4 năm nay, vợ chồng chị Lý nhận làm cây lau nhà để tăng thu nhập. Chị Lý chia sẻ: “Vì cả hai vợ chồng cùng làm, vừa thắt xâu, vừa vô cán nên thu nhập cũng khá. Những hôm cần hàng gấp, vợ chồng tôi tranh thủ làm thêm buổi tối. Tuy cực nhưng chúng tôi rất vui vì có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và có điều kiện chăm lo cho con ăn học”. Cũng theo chị Lý công việc này đơn giản, dễ làm, lại nhẹ nhàng, nên rất thích hợp với chị em làm nội trợ. Mỗi ngày, sau khi lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chị bắt tay vào làm việc. Ông xã chị cũng tranh thủ xong việc đồng áng cùng làm cây lau nhà với chị, nên thu nhập tổng cộng bình quân của hai vợ chồng cũng khoảng 250 ngàn đồng/ngày.

Cô Lê Thị Cẩm Cúc, 55 tuổi cũng gắn bó với công việc làm cây lau nhà. Cô Cúc kể: “Do cao tuổi, sức khỏe giảm sút, ngồi lâu bị đau lưng nên tôi chỉ đảm nhận phần thắt vải. Mỗi ngày trung bình tôi thắt được 30 xâu, tiền công khoảng 45 ngàn đồng, cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”. Tuy vậy, cô Cúc cũng cho biết công việc làm cây lau nhà nhàn hơn rất nhiều so với việc bán đồ rẫy phải “thức khuya dậy sớm” rất vất vả của cô trước đây. Lúc nào mệt thì cũng có thời gian nghỉ ngơi, nên rất thích hợp với những phụ nữ trung niên như cô.

Theo nhiều chị em, việc làm cây lau nhà không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, chỉ cần chịu khó, tỉ mỉ nên nó thích hợp với hầu hết mọi đối tượng. Thêm nữa chị em có thể nhận hàng về nhà để làm, vừa có thể tranh thủ thời gian làm vừa chăm sóc con cái, trông coi nhà cửa. Theo chị Nguyễn Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thốt Nốt thì hiện tại, Hội LHPN phường đang chuẩn bị hồ sơ để giới thiệu các hộ hội viên có nhu cầu vay vốn để phát triển ngành nghề; đồng thời, đánh giá lại tính hiệu quả bền vững để nhân rộng ra các khu vực lân cận. Ông Lê Hoài Phong, Trưởng khu vực Long Thạnh 2, cho biết: “Cùng với ngành nghề thủ công truyền thống đan đát, hay chăn nuôi thì mô hình làm cây lau nhà đem lại thu nhập cho người dân những lúc nông nhàn. Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình mà công việc này còn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần giảm tệ nạn xã hội, ổn định trật tự an toàn xã hội, gắn kết tình làng nghĩa xóm”.

Nhận xét về tính hiệu quả của mô hình, chị Nguyễn Thùy Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thốt Nốt cho biết: “Mô hình làm cây lau nhà của phụ nữ khu vực Long Thạnh 2, phường Thốt Nốt giúp nhiều hội viên phụ nữ có công ăn việc làm, tăng thu nhập. Hội LHPN quận nhận thấy đây là mô hình hiệu quả, công việc phù hợp với nhiều đối tượng phụ nữ. Sắp tới, Hội sẽ tăng cường hỗ trợ, phối hợp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.

Theo Bài, ảnh: QUỲNH LAM

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69584

Hôm nay:
1
Tháng này:
121
Tổng lượt truy cập:
69584