Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Giảm gánh nghèo trên đôi vai tần tảo

02:37 - 03/08/2011
Thiên chức của người phụ nữ dường như đã được mặc định là làm vợ, làm mẹ và chăm lo cuộc sống gia đình. Với phụ nữ nghèo ĐBSCL, đây là gánh nặng trên đôi vai sớm hôm tần tảo. Bằng sự chia sẻ từ cộng đồng, cái nghèo, cái khó dần bớt đi; cuộc sống trở nên tươi vui như nụ cười của các chị, các mẹ.

Thiên chức của người phụ nữ dường như đã được mặc định là làm vợ, làm mẹ và chăm lo cuộc sống gia đình. Với phụ nữ nghèo ĐBSCL, đây là gánh nặng trên đôi vai sớm hôm tần tảo. Bằng sự chia sẻ từ cộng đồng, cái nghèo, cái khó dần bớt đi; cuộc sống trở nên tươi vui như nụ cười của các chị, các mẹ.

 

Bà Nguyễn Thị Loan ở Cái Nước, Cà Mau, thoát nghèo nhờ chí thú làm ăn.

 

Vượt nghèo từ 200 đồng

ĐBSCL có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các vùng miền khác của cả nước, đa phần lại rơi vào nông thôn. Vốn liếng ít ỏi, kiến thức hạn chế, điều kiện khó khăn đã làm không ít gia đình lâm vào cảnh túng bấn. Cái khó ở đây là ngoài sự nỗ lực của cánh đàn ông, người phụ nữ trong gia đình ít khi nhận được sự hỗ trợ nào, dù vai trò của họ không kém phần quan trọng. Không thể ngồi chờ, cách nay vài năm, Hội LHPN tỉnh Bến Tre đã mở cuộc vận động tiết kiệm mỗi ngày 200 đồng. Sau mỗi quý sẽ gom góp lại cất nhà cho chị em nghèo hoặc làm vốn giúp chị em mưu sinh. 

Thế nhưng, khi chủ trương đi vào cuộc sống, không ít khó khăn đã lộ ra. Một cán bộ hội kể: “Tuy chỉ 200 đồng nhưng không phải dễ, chúng tôi đã nhiều lần nhìn thấy chị em ở nông thôn mang từng bó rau, nải chuối, thậm chí có người còn xách cả dừa khô tới cuộc họp của chi hội để đóng góp vì chị em không có tiền. Cán bộ hội phải mang đi bán các loại nông sản mà hội viên đóng góp rồi nộp vào quỹ”. Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, khi đập ống heo, rất ít tiền mệnh giá 200 đồng, phần lớn là 1.000 đồng, 2.000 đồng, thậm chí có cả tiền 10.000 đồng. Từ nguồn vốn đó, chị em nhường nhau cất nhà, làm vốn mưu sinh.

Cái khó đối với người nghèo là vốn làm ăn và kế sinh nhai. Nếu không biết sử dụng, nguồn vốn có lớn đi chăng nữa, chỉ sau một thời gian là teo tóp dần. Nhìn thấy điều này, chương trình “Bàn tay vàng” nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng năng lực làm kinh tế cho phụ nữ” do Hội LHPN TP Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Save Children tại Việt Nam triển khai từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2010 tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã đi đúng hướng.

Để tham gia chương trình, các chị được cán bộ tín dụng tư vấn tìm hiểu chương trình, quyền lợi và nghĩa vụ của người vay, gia nhập nhóm 5-7 người. Thời hạn vay 6 tháng, 1 hoặc 2 năm, với số vốn chỉ trên 1 triệu đồng/người. Hàng tháng, các chị đều đến nhà trưởng nhóm để trả một phần vốn và gửi tiết kiệm 10.000 - 20.000 đồng/người.

Xin... thoát nghèo

Nếu như ở Bến Tre và Cần Thơ, câu chuyện thoát nghèo bắt đầu từ sự tương hỗ cộng đồng, tại Cà Mau, nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn nhà nước. Về xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, nghe câu chuyện trả sổ hộ nghèo của bà Nguyễn Thị Loan, rất ít người tin nếu không chứng kiến tận mắt.

Bên căn nhà tường rộng hơn 50m2, trị giá 20 triệu đồng, vừa đưa vào sử dụng, bà Loan không giấu được niềm vui. Khi xây căn nhà này, bà Loan bán nốt 3 chỉ vàng để dành từ đồng lương thương binh hàng tháng của chồng lúc ông còn sống, để phụ thêm. Nền đất cất căn nhà mới này gắn liền hơn nửa cuộc đời bà Loan. Chồng mất, gia đình hiu quạnh, nhiều năm trước đây mẹ con bà phải tá túc trong căn chòi cây lá ọp ẹp.

Chỉ sau một thời gian, nhờ đồng vốn xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Loan đã cải tạo 4 công đất thả nuôi tôm, cua để có thu nhập ổn định. Hàng ngày, bà xuống con kênh trước nhà đặt lú bắt tôm, cá mang ra chợ bán. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định, bà tự nguyện làm đơn trả lại sổ hộ nghèo.

Gần nhà bà Loan có hộ bà Nguyễn Thị Hiền, chồng mất cách đây 30 năm, để lại hai đứa con thơ dại. Người phụ nữ góa bụa như con ong cần mẫn làm mướn khắp làng trên, xóm dưới kiếm tiền nuôi các con bữa rau, bữa cháo. Năm 2009, hộ bà Hiền được xét đưa vào hộ nghèo, được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vậy mà chỉ một năm sau, bà đã xin trả lại sổ hộ nghèo.

Bằng chính sức mình và sự hỗ trợ từ cộng đồng, những phụ nữ nghèo ở ĐBSCL đã vươn lên, vượt qua số phận, giảm gánh nghèo trên đôi vai tần tảo.

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69881

Hôm nay:
2
Tháng này:
418
Tổng lượt truy cập:
69881